Phong trào "Bình dân học vụ số" giúp người dân làm chủ công nghệ

Ngọc Ánh
24/07/2025 - 23:18
Phong trào "Bình dân học vụ số" giúp người dân làm chủ công nghệ

Phong trào "Bình dân học vụ số" trang bị cho người dân những kỹ năng cần thiết để chủ động hội nhập vào môi trường số hiện đại.

Tại Sơn La, phong trào "Bình dân học vụ số" được phát động mạnh mẽ, nâng cao tinh thần học tập suốt đời và trang bị cho người dân những kỹ năng cần thiết để chủ động hội nhập vào môi trường số hiện đại.

Từ lo lắng đến tự tin tiếp cận công nghệ

Bà Lường Thị Vui, 47 tuổi, người dân tộc Mông, trú tại xã Lóng Sập, Sơn La, là một minh chứng sống động cho hiệu quả của phong trào. Trước đây, bà Vui thường cảm thấy lạc lõng và có phần e ngại mỗi khi con cháu nhắc đến các khái niệm như "điện thoại thông minh", "mạng xã hội" hay "thanh toán online". Bà chỉ quen dùng điện thoại "cục gạch" để nghe gọi và mọi giao dịch đều phải đến tận ngân hàng hoặc nhờ con cháu.

Khi được các đoàn viên thanh niên giới thiệu về lớp "Bình dân học vụ số", bà Vui ban đầu còn ngần ngại vì nghĩ mình đã lớn tuổi, khó lòng tiếp thu được những kiến thức "hiện đại" đó. Tuy nhiên, với sự động viên của con gái, bà quyết định đăng ký tham gia.

Trong những buổi học đầu tiên, bà Vui vẫn còn bỡ ngỡ với chiếc điện thoại thông minh. Nhưng nhờ sự kiên nhẫn hướng dẫn của các tình nguyện viên từ những thao tác cơ bản như bật/tắt nguồn, vuốt màn hình, phóng to/thu nhỏ chữ viết, bà Vui dần làm quen.

Giờ đây, chỉ sau vài buổi học, bà Vui đã có thể tự mình thực hiện cuộc gọi video cho con cháu đang làm việc xa nhà, đọc tin nhắn và xem hình ảnh gia đình gửi. Bà chia sẻ niềm vui: "Cảm giác nhìn thấy mặt con cháu qua màn hình khiến tôi vui hơn rất nhiều so với những cuộc gọi thoại truyền thống".

Phong trào

Đoàn viên thanh niên hướng dẫn người dân sử đụng điện thoại thông minh.

Không dừng lại ở đó, với sự hỗ trợ của các bạn trẻ, bà Vui còn dần biết cách sử dụng ứng dụng ngân hàng để kiểm tra số dư và thậm chí là chuyển tiền cho con cháu khi cần thiết, giúp bà tiết kiệm thời gian và công sức đi lại.

Một trong những điều bà Vui tâm đắc nhất là bà đã biết cách truy cập Cổng Dịch vụ công của tỉnh. Dù chưa thể tự mình hoàn tất mọi thủ tục, bà đã nắm được thông tin về các dịch vụ công trực tuyến và cách tìm kiếm thông tin cần thiết, dự định sẽ nhờ con cháu hỗ trợ thực hiện trong tương lai gần.

Quan trọng hơn, qua các buổi học về an toàn thông tin, bà Vui đã biết cách nhận diện các tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo qua điện thoại, giúp bà tránh được những rủi ro không đáng có.

Câu chuyện của bà Lường Thị Vui là một trong rất nhiều minh chứng cho thấy sự cần thiết và hiệu quả của phong trào "Bình dân học vụ số" trong việc giúp mọi người dân, dù ở bất kỳ độ tuổi nào, cũng có thể tiếp cận và làm chủ công nghệ, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống và hòa nhập vào dòng chảy chuyển đổi số quốc gia.

Trang bị công nghệ đến với mọi người dân

Phong trào "Bình dân học vụ số" đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ nhiều ngành, lực lượng trên địa bàn tỉnh Sơn La. Theo đó, lực lượng Công an tỉnh đã tổ chức chương trình Phát động phong trào thi đua "Đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số, bình dân học vụ số" trong toàn lực lượng. Mục tiêu là nâng cao năng lực số, kiến thức công nghệ, kỹ năng sử dụng các ứng dụng và dữ liệu số trong công tác chuyên môn.

Lực lượng Công an đi đầu trong công tác tuyên truyền, hỗ trợ người dân tiếp cận công nghệ, thực hiện dịch vụ công trực tuyến, bảo vệ an ninh mạng, an ninh thông tin. Phấn đấu đến hết năm 2026, 100% lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh được phổ cập kiến thức cơ bản về chuyển đổi số, kỹ năng số theo Khung năng lực số trong Công an Nhân dân.

Đặc biệt, mục tiêu đến hết năm 2026 là 50% người dân từ 18 tuổi trở lên được xác nhận đạt phổ cập tri thức về chuyển đổi số, kỹ năng số trên nền tảng VNeID. Giai đoạn 2026-2030, 100% lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ đạt tối thiểu mức hoàn thiện cơ bản ở tất cả các năng lực số theo Khung năng lực số trong Công an nhân dân.

Đoàn Thanh niên cũng là một trong những lực lượng hưởng ứng tích cực phong trào "Bình dân học vụ số". Hiện có khoảng 78% thanh thiếu nhi được tiếp cận các hoạt động nâng cao năng lực số, 67% thanh niên sử dụng dịch vụ công trực tuyến và 83% sử dụng tài khoản thanh toán điện tử.

Phong trào

Lực lượng Công an tỉnh Sơn La hướng dẫn nhân dân cài đặt, sử dụng ứng dụng VNeID. Ảnh: Thủy Ngân.

Với hơn 4.000 thành viên đội tình nguyện trực tiếp tại cơ sở, đây là lực lượng chủ công trong việc phổ cập kiến thức cơ bản về chuyển đổi số, hỗ trợ nâng cao năng lực số cho thanh thiếu nhi và người dân.

UBND tỉnh Sơn La cũng đã ban hành kế hoạch triển khai cụ thể cho "Bình dân học vụ số" với những chỉ tiêu rõ ràng. Theo đó, trong năm 2025, phấn đấu 80% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội có hiểu biết về chuyển đổi số, kiến thức và kỹ năng số, sử dụng được các nền tảng, dịch vụ số phục vụ công việc.

100% học sinh trung học và sinh viên các trường cao đẳng, chuyên nghiệp được trang bị kiến thức, kỹ năng số để phục vụ học tập, nghiên cứu, sáng tạo và có kỹ năng an toàn trong môi trường số.

80% người dân từ 18 tuổi trở lên có tri thức cơ bản về chuyển đổi số, có kỹ năng số, sử dụng được thiết bị thông minh để khai thác thông tin, sử dụng nền tảng, dịch vụ số thiết yếu và biết bảo vệ bản thân trên môi trường số.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm