Phong trào MeToo: Không cần lịch sự với những hành động bẩn thỉu

19/05/2018 - 21:37
Hoa khôi Miss Photo 2017 Vũ Hương Giang, Hoa hậu Phan Hoàng Thu, ca sĩ Nguyễn Khánh Ly đều có chung nhận định: Cần phải lên tiếng đấu tranh với những kẻ sàm sỡ, quấy rối để hướng tới một xã hội văn minh, bình đẳng.

Quấy rối, sàm sỡ: Hiếm người chưa từng là nạn nhân

Ca sĩ Nguyễn Khánh Ly, giải Ba Sao Mai 2011 dòng Thính phòng là một người khá may mắn vì chưa phải trải qua cảm giác uất ức, căm giận khi bản thân mình bị quấy rối, gạ gẫm. Nhưng trong showbiz, trường hợp may mắn như Nguyễn Khánh Ly có lẽ không phải nhiều.

Hoa hậu Đông Nam Á 2014 Phan Hoàng Thu cho biết: “Nếu nói là bị quấy rối tình dục như bị sàm sỡ hay gì đó thì tôi may mắn không gặp phải. Nhưng tôi bị khủng bố tinh thần ở một kiểu khác: Quấy rối bằng tin nhắn.

Trong showbiz, giới hạn về tình - tiền rất mong manh. Tôi làm nghệ thuật đã hơn 10 năm và thời điểm 10 năm trước, một cô bé ngây thơ, mới chân ướt chân ráo bước vào làng giải trí như tôi đã phải nhận tin nhắn gạ tình của những người đi trước, kiểu đổi tình lấy này nọ”.

phan-hoang-thu-1.jpg
Hoa hậu Phan Hoàng Thu 

 

Nhưng Hoa hậu Phan Hoàng Thu cho biết, sự việc chỉ dừng lại đó. “Tôi lơ nó đi, thậm chí tôi không cần chửi mắng người ta. Tôi cũng không tố cáo”, cô nói. Nhưng người đẹp cũng khẳng định: “Đó là cách của tôi 10 năm trước, khi tôi còn là một cô bé mới tốt nghiệp đại học và đang khát khao cháy bỏng chinh phục nghệ thuật. Đến tận bây giờ tôi vẫn không hối hận vì những cách tôi làm. Tôi không thỏa hiệp, nhưng cũng không làm ầm ĩ.

Thực ra việc tôi từng gặp chỉ dừng lại ở mức độ tin nhắn, còn nếu nó bị đẩy ở mức độ cao hơn thì chắc chắn tôi sẽ lên tiếng, sẽ tố cáo, thậm chí có thể kiện. Vì nó ảnh hưởng đến danh dự nghề nghiệp, lòng tự trọng, nhân phẩm. Với tôi, đó là điều không thể chấp nhận được”, người đẹp khẳng định.

Hoa khôi Phụ nữ Việt Nam qua ảnh - Miss Photo 2017 Vũ Hương Giang cũng chia sẻ: “Tôi từng bị quấy rối bằng lời nói dung tục khi còn học cấp 2 bởi người lạ. Lúc đó tôi run sợ và vô cùng hoảng loạn, cũng không thể lên tiếng vì không có bằng chứng.

Đến cấp 3, khi gặp phải trường hợp tương tự ngoài đường thì tôi đáp trả, có phản đòn và lên án ngay trước mặt mọi người. Bởi quan điểm của tôi: không cần phải lịch sự với những hành động bẩn thỉu. Để được dũng khí đó là cả quá trình tôi chia sẻ việc bị quấy rối với gia đình và nhận lời khuyên từ bố mẹ. Tuy khó khăn lúc đầu nhưng sự bảo vệ của gia đình và niềm tin vào bản thân giúp tôi mạnh mẽ hơn".

 

Đổ lỗi cho nạn nhân: Ác hơn chính kẻ quấy rối

Khi phong trào #MeToo đang lan rộng, khích lệ nhiều người phụ nữ lên tiếng thì vẫn có không ít người cho rằng, việc bị quấy rối còn có cả lỗi chính từ nạn nhân. Về điều này, Hoa khôi Vũ Hương Giang cho rằng, đó là một trong những định kiến đổ lỗi khiến cho nạn nhân bị cưỡng bức không dám đứng lên tố cáo thủ phạm.

“Vì nó tạo điều kiện cho kẻ ác lặp lại hành vi của mình và cho rằng hành động của mình đúng, đồng thời đổ hết tội lỗi cho nạn nhân, khiến nạn nhân dày vò bản thân và càng thêm đau khổ.

Ngay trong văn học Việt còn có tục ngữ “Làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu” đã bao biện cho hành vi quấy rối từ bao đời nay, hệt như định kiến nói trên vậy. Mà thứ xiềng xích người ta nhất chính là định kiến xã hội. Thực tế một người con gái mặc hở hang, hay đồ ren, dày mỏng không đồng nghĩa với việc cô gái ấy gạ gẫm hay cho phép người khác có quyền quấy rối cô ấy”, Vũ Hương Giang nói.

nguyen-khanh-ly-1.jpg
Ca sĩ Nguyễn Khánh Ly

 

Ca sĩ Nguyễn Khánh Ly cũng không đồng tình với việc đổ lỗi cho nạn nhân trong những trường hợp bị quấy rối, gạ tình. “Điều này là vơ đũa cả nắm, bởi việc đầu tiên của hành vi quấy rối là phải xuất phát từ con người xấu xa bên trong kẻ quấy rối chứ không thể nói là tại nạn nhân được”, nữ ca sĩ bày tỏ.

Hoa hậu Phan Hoàng Thu rất phẫn nộ trước quan điểm này. Cô nói: “Những comment ác ý kiểu cô ta phải thế nào mới bị quấy rối thậm chí còn ác hơn cả chính kẻ đã quấy rối đó. Chẳng hạn trong vụ lùm xùm giữa Phạm Anh Khoa và Phạm Lịch vừa qua, tôi đọc được nhiều bình luận “giết người” không thương tiếc của chính những người phụ nữ, rằng chắc phải “mơi” người ta thế nào, ăn mặc hở hang ra sao…

Nhưng xin thưa, kể cả khi bạn có ăn mặc kín cổng cao tường, lũ yêu xanh vẫn rình rập, đó là điều hoàn toàn có khả năng xảy ra. Phải nhận định rõ ràng trong những chuyện như thế thì nạn nhân đều rất đáng thương. Và dù họ là ai, làm gì, cái tôi của họ ra sao, sở thích của họ thế nào… thì họ đều đáng được chia sẻ và nhận được sự giúp đỡ từ cộng đồng. Nạn nhân khi lên tiếng là những người dũng cảm. Cô ấy bảo vệ không chỉ cho chính cô mà cho nhiều cô gái khác”.

 

“Phòng hơn chống”

Trước phong trào MeToo đang lan rộng không chỉ ở trong giới nghệ sĩ, ca sĩ Nguyễn Khánh Ly nhận định, đây là những dấu hiệu tích cực của một xã hội văn minh, bình đẳng. Nữ ca sĩ cho rằng, ngay từ khi còn nhỏ, các bé gái cần được chỉ bảo các kỹ năng bảo vệ mình và sẵn sàng lên tiếng đấu tranh khi có dấu hiệu bị xâm hại, sàm sỡ.

vu-huong-giang.jpg
Hoa khôi Miss Photo 2017 Vũ Hương Giang

 

Hoa hậu Phan Hoàng Thu nói, việc người phụ nữ lên tiếng vạch trần những kẻ xâm hại là điều cần ủng hộ và hoàn toàn không nên im lặng. “Biết đâu nếu hôm nay bạn im lặng thì chính chị gái, em gái, con gái bạn hay những người xung quanh bạn lại là nạn nhân tiếp theo”, cô nói.

Hoa khôi Vũ Hương Giang bày tỏ: “Tôi hoàn toàn đồng tình và ủng hộ việc lan tỏa phong trào MeToo. Các bạn nữ nên chủ động bảo vệ bản thân mình như học kỹ năng phòng vệ, trao đổi nhiều hơn với gia đình, chuyên gia tâm lý. Tuy nhiên, tôi cũng mong muốn chúng ta có thể song song “phòng hơn chống” - tạo ra phong trào về hành xử văn hóa, đạo đức để giảm thiểu vấn đề quấy rối, xâm hại tình dục từ trường học đến ngoài xã hội. Để phụ nữ không còn phải lo sợ hay tuyệt vọng mà thay vào đó là luôn tự tin, lạc quan về cuộc sống, tình yêu”, người đẹp khẳng định.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm