Con học giỏi vẫn đứng ngồi không yên
Con gái vừa kết thúc học kỳ I được vài hôm, chị Nguyễn Thị Minh (Ngọc Thụy, Gia Lâm) động viên con nghỉ “xả hơi” ít hôm trước khi tiếp tục cuộc chiến học hành, nhưng cô con gái “bướng bỉnh” vẫn lo lắng vì không muốn ngãng việc học.
Chị Minh chia sẻ, con gái chị có lực học thuộc hàng tốp đầu của lớp, con học đều các môn và khá tự tin với lực học của mình. Mục tiêu của con gái chị Minh là thi vào THPT Trần Phú- một trong những trường “hot” của thành phố.
“Có mục tiêu rõ ràng nên cháu học ngày học đêm, vợ chồng tôi thay nhau đưa đón con đi học thêm. Năm nào thi vào lớp 10 cũng áp lực căng thẳng vì vốn dĩ tỉ lệ “chọi” đã rất cao rồi, nhưng năm nay đọc thông tin số học sinh tăng đột biến, tôi càng lo đến mất ngủ!”- nữ phụ huynh chia sẻ.
Chị Minh cho biết thêm, đã nhiều lần động viên con là nếu không đỗ vào đúng trường như mong muốn còn có nhiều lựa chọn khác, cùng lắm là vợ chồng chị cố thêm một chút để con học trường tư thục. Thế nhưng, con gái bướng bỉnh vẫn một mực muốn chọn trường theo ý của mình nên gia đình chị đành phải chiều lòng con. Nhìn con học hành gầy cả người, chị Hạnh chỉ biết xót xa chăm sóc thêm cho con và chỉ mong kỳ thi sớm qua cho đỡ áp lực.
Đây cũng là tâm trạng của anh Đỗ Văn Khanh (Q.Thanh Xuân, Hà Nôi) khi có con trai muốn đỗ vào trường THPT Nhân Chính. Năm ngoái, đây là trường có tỷ lệ chọi căng thẳng và cũng có điểm đầu vào cao chót vót. Qua tìm hiểu, vợ chồng anh Khanh càng lo lắng gấp bội khi số học sinh tăng, đồng nghĩa với tỷ lệ chọi sẽ càng căng.
“Nghĩ thấy khổ cho các con thi vào lớp 10 năm nay, đã áp lực việc học rồi nay lại càng lo việc chen chân vào các trường tốp đầu. Thiết nghĩ ngành giáo dục thành phố nên có cách nào đó giảm áp lực việc học cho các con bằng việc thiết kế bài thi nhẹ nhàng hơn mà vẫn đảm bảo tuyển lựa được học sinh giỏi. Tôi nghĩ các con sẽ cảm thấy đỡ sốc về tâm lý hơn mỗi khi thi chuyển cấp vào lớp 10”- anh Khanh đề xuất.
Phụ huynh tránh tạo thêm áp lực cho con
Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, năm 2018, thí sinh dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tăng 24.000 em so với năm ngoái. Tỉ lệ “chọi” dự báo sẽ tăng cao song tối đa cũng chỉ khoảng 60% số học sinh được học các trường công. Những học sinh bị trượt kỳ thi tuyển sẽ phải học trường ngoài công lập, trung cấp, học nghề hoặc các trung tâm giáo dục thường xuyên. Học sinh sẽ thi hai môn Văn, Toán và xét kết quả học bạ trong 4 năm học cấp THCS.
Tại trường THCS Khương Đình (Q.Thanh Xuân, Hà Nội), năm nay khối lớp 9 có 326 học sinh, tăng 100 em so với năm trước. Nguyên nhân học sinh tăng cao được xác định là do năm sinh (2003) được cho là năm “dê vàng”, năm đẹp nên tỉ lệ sinh tăng cao.
Đại diện nhà trường cho biết, dù dự báo kỳ thi tuyển lớp 10 sẽ căng thẳng do học sinh tăng, song đến thời điểm này, các trường vẫn chưa được phép tổ chức ôn tập cho học sinh mà phải đợi đến đầu tháng 5/2018. Kinh nghiệm của trường trong việc hướng dẫn ôn tập là học đến đâu phải ôn tập, chốt kiến thức cuốn chiếu đến đó cho học sinh. Mỗi tháng, giáo viên tổ chức kiểm tra, đánh giá kiến thức để bổ sung phụ đạo kịp thời.
Còn theo bà Lê Thị Thúy Nga, Hiệu trưởng THCS Dịch Vọng (Q.Cầu Giấy, Hà Nội), trường không được chọn lựa khi tuyển đầu vào lớp 6 nên để nâng cao lực học cho học sinh, giáo viên khá vất vả.
“Những em học khá thì các thầy cô bồi dưỡng để giỏi lên, còn các em học trung bình, yếu kém thì phải dạy phụ đạo thêm. Chính vì nỗ lực này nên năm ngoái, điểm thi học sinh lớp 9 của trường chỉ đứng sau Trường THCS Cầu Giấy, một trong những trường có chất lượng tại quận”- bà Nga cho hay.
Tuy nhiên, trước áp lực không chỉ với học sinh mà còn với các bậc cha mẹ, các trường đưa ra lời khuyên phụ huynh không nên gây áp lực tâm lý lên học sinh. Thay vào đó, cha mẹ hãy phối hợp với giáo viên tư vấn, hướng con chọn trường vừa sức, dưới sức để không bị trượt nguyện vọng đáng tiếc.
Như ở trường THCS Khương Đình, dựa vào năng lực học tập của học sinh, những tư vấn này của giáo viên đa phần là chính xác. Năm ngoái, trường THCS Khương Đình có 78% số học sinh đỗ nguyện vọng vào các trường THPT công lập trên địa bàn quận.