Phụ huynh Hà Nội "méo mặt" vì học phí trường chất lượng cao

04/07/2017 - 07:45
2018, tại Hà Nội mức trần học phí cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao đối với trường mầm non, tiểu học là 4,3 triệu đồng/học sinh/tháng và bậc THPT là 4,5 triệu đồng/học sinh/tháng. Mức học phí này đang khiến nhiều phụ huynh méo mặt vì lo.
1427700753-hoc-ly-thu-choi-bo-ich-3.jpg
Cơ sở vật chất đầy đủ là một trong những tiêu chí để các trường chất lượng cao tăng học phí. Ảnh minh họa 

Méo mặt vì lo

Hà Nội hiện có 8 trường mầm non, 6 trường tiểu học và 4 trường trung học đang thực hiện mô hình chất lượng cao. Năm học 2017-2018, mức trần học phí cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao đối với trường mầm non, tiểu học là 4.300.000 đồng/học sinh/tháng; bậc THCS, THPT là 4.500.000 đồng/học sinh/tháng. 

Thông tin tăng học phí khiến không ít phụ huynh cảm thấy khá lo lắng. Chị Hoàng Thu Hằng (Q.Đống Đa, Hà Nội) có con đang theo học một trường mầm non chất lượng cao trực thuộc Sở GD&ĐT cho biết, chị đã được thông báo tăng học phí thêm 200.000 đồng/tháng kể từ năm học tới.

“Từ tháng 6/2017, dù chưa vào năm học mới chính thức nhưng tôi đã đóng học phí cho con với mức mới tăng thêm 200.000 đồng trong đợt học hè. Tổng cộng các khoản, mỗi tháng đã hơn 4 triệu đồng” - chị Hằng nói.

Theo chị Hằng, so với các trường mầm non công lập khác, mức tiền nói trên cao hơn khá nhiều. Tất nhiên, trường con chị theo học có cơ sở vật chất, chất lượng giáo viên rất tốt. Tuy vậy, điều này không có thay đổi đột biến nhiều qua những năm con chị theo học.

“Chất lượng vẫn ở mức như mọi năm nhưng học phí thì tăng đều đặn từng năm. Điều mà phụ huynh mong muốn là trường nâng cao hơn nữa chất lượng giảng dạy, thêm nhiều hoạt động phong phú để xứng với số tiền không nhỏ chúng tôi nộp mỗi tháng” - nữ phụ huynh chia sẻ.

Anh Nguyễn Hoàng Quân (Khu đô thị Mỹ Đình, Hà Nội) có con năm nay lên lớp 6 cũng tỏ ra khá băn khoăn khi nộp đơn cho con vào trường THCS Nam Từ Liêm - trường áp dụng mô hình chất lượng cao.

“Không lẽ ở gần trường mà phải bấm bụng cho con học ở trường công lập nơi khác chỉ vì mô hình chất lượng cao? Nói thật, không phải phụ huynh nào cũng đủ điều kiện và sẵn sàng để cho con theo học trường chất lượng cao với mức học phí như vậy! Chúng tôi vẫn chưa yên tâm về việc chất lượng dạy học sẽ xứng tầm với tiền mà phụ huynh nộp” - anh Quân nói.

Chị Hoài Nam, một trong những phụ huynh có hai con học tiểu học ở một trường chất lượng cao than thở: "Sắp tới, con trai thứ hai của tôi vào lớp 1, con lớn lên lớp 4. Chỉ vì trường gần nhà nên vợ chồng đành cố cho con vào học, chứ thực sự tiền học mỗi tháng quả là quá sức với gia đình tôi. Thu nhập của tôi một tháng chỉ hơn 6 triệu đồng, chồng tôi là lao động tự do nên thu nhập cũng không ổn định. Trước chỉ con gái học thì thấy còn cố được, giờ cả hai con học chất lượng cao, đúng là vợ chồng tôi méo mặt vì lo".  

Giao quyền tự chủ cho các trường

Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ khi nói về vấn đề này cho biết, mức học phí trường chất lượng cao ở Hà Nội hiện quá cao, nhất là ở bậc THPT. Lập ra mô hình đào tạo chất lượng cao cần xem xét phù hợp với hoàn cảnh xã hội, trong khi thu nhập của đại đa số người dân Thủ đô chưa thể đáp ứng mức học phí trên 4 triệu đồng mỗi tháng.

Vừa tăng được chất lượng giáo dục mà vẫn đảm bảo mức học phí hợp lý, đó là bài toán cần tính kỹ của các trường học hiện nay.

“Giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục thì tự khắc họ sẽ cân đối được. Thay vì khống chế mức học phí trần, Sở GD&ĐT Hà Nội nên giao quyền tự chủ về cho các trường phổ thông. Nếu cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ giáo viên của cơ sở giáo dục không đáp ứng với khoản tiền mà bậc phụ huynh đóng góp cho con cái họ thì chắc chắn họ sẽ tìm đến cơ sở khác phù hợp hơn” - ông Trần Xuân Nhĩ phân tích.

Theo ông Trần Xuân Nhĩ, khi giao quyền tự chủ cho các trường, cơ quan quản lý cần quy định mức học phí tối đa để các trường không được thu vượt ngưỡng. Tùy thuộc vào cơ sở vật chất để cơ sở giáo dục đưa ra mức học phí tương ứng và lựa chọn là ở phụ huynh.

Mức tăng trần học phí được Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội thông qua vào cuối năm 2016, về “Cơ chế tài chính áp dụng đối với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô”.

Theo đó, mức trần học phí của cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao được áp dụng từ năm học 2016-2017 đến hết năm học 2019-2020, được điều chỉnh từ năm học 2020-2021 cùng với việc xây dựng định mức phân bổ ngân sách và thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định.

Cụ thể, năm học 2017-2018,  mức trần học phí cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao đối với trường mầm non, tiểu học là 4.300.000 đồng/học sinh/tháng. Mỗi năm, trần học phí tăng thêm 400.000đ, đến năm học 2019-2020 là 5.100.000 đồng/học sinh/tháng.

Mức trần học phí bậc THCS, THPT năm học 2017-2018 là 4.500.000 đồng/học sinh/tháng. Mỗi năm học sẽ tăng thêm 400.000 đồng, đến năm học 2019-2020 là 5.300.000 đồng/học sinh/tháng.

* Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, có 5 tiêu chí các trường chất lượng cao bao gồm: Cơ sở vật chất; đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên; chương trình giảng dạy; phương pháp giảng dạy; các dịch vụ chất lượng cao.

Việc tăng học phí trường chất lượng cao nhằm tạo điều kiện cho các trường có thời gian chuẩn bị tâm thế và nguồn lực tài chính, tiến tới tự đảm bảo hoạt động chi thường xuyên, học phí phù hợp không đột biến với phụ huynh...

Hà Nội cũng đặt mục tiêu tăng thêm 20 trường chất lượng cao từ nay đến năm 2020. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm