pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phụ huynh học sinh trường AISVN: Người đóng tiền tiếp, người đưa con về quê
Quang cảnh Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam. Ảnh: AISVN
Anh N.H.Đ, ngụ tại Nhà Bè, TPHCM, chiều 2/4/2024 cho phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam biết, sau những bàn thảo cùng gia đình, anh đã vừa quyết định đóng tiếp tiền vào trường cho cậu con trai để con hoàn tất năm học này.
"Con trai tôi đang học lớp 3 tại đây (trường AISVN - PV). Khi bé chuẩn bị tới trường, tôi đã phải gom hết tiền tiết kiệm sau hơn 20 năm đi làm của 2 vợ chồng, tổng số tiền là 3,6 tỷ đồng, để đóng một lần cho trường. Con thích đi học, nói tiếng Anh giỏi nên vợ chồng tôi rất mừng. Giờ thì không biết có đòi được không, chỉ biết phải đóng thêm tiền để con duy trì nốt năm học này", anh N.H.Đ cho biết.
Hiện phụ huynh này đang tất bật liên hệ với các trường để cậu con trai chuyển trường mới, bắt đầu vào năm học 2024-2025. Vừa xót ruột vì mất của, vừa thương con phải làm quen ở môi trường học hành mới, anh Đ. kể rằng vợ chồng anh "ăn không ngon, ngủ không yên" bởi biến cố này suốt cả tháng nay.
Còn chị L.N, ngụ tại Bảo Lộc lại có hoàn cảnh khác. Trong cuộc trao đổi, chia sẻ với phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam, chị nói rằng đã đưa con trai về Bảo Lộc ở, sau 7 năm theo học tại Trường AISVN ở Nhà Bè, TPHCM.
"Ngày đó, tôi làm thủ tục ly hôn. Vì muốn giành quyền nuôi con nên tôi đã vay bà con dòng họ 80 lượng vàng, quy đổi ra thời điểm đó là hơn 120 ngàn USD, để đóng tiền học cho con một lần tới khi con tốt nghiệp THPT. Sau đó, vì công việc làm ăn, tôi lên Bảo Lộc ở, con trai vẫn ở cùng người thân của tôi tại Sài Gòn. Giờ xảy ra vụ việc này, tôi đành đưa con về Bảo Lộc đi học, để con sống gần mẹ", chị L.N tâm sự.
Theo chị L.N, để bớt đi những suy nghĩ tiêu cực, chị luôn nghĩ rằng trong 7 năm đi học đó, coi như con trai đã đóng tiền học mỗi năm 500-600 triệu đồng. Chứ giờ theo đuổi kiện cáo cũng lại mất thêm thời gian đi lại và rước bực bội vào người.
"Nhưng khi về Bảo Lộc đi học, thì con trai tôi hơi khó để hòa nhập. Con đã quen với môi trường học quốc tế, sự khác biệt về môi trường sống cũng khiến con bị "shock văn hóa". Quá trình học, con cũng không tập trung được như các bạn. Tôi lo lắng tới sự phát triển về tâm lý của con", chị L.N nói.
Chiều 30/3/3024, tại buổi họp phụ huynh, nhà trường và các cơ quan chức năng, Trường AISVN đã báo cáo rằng do mất khả năng tài chính nên không thể trả lương cho giáo viên, khiến các giáo viên đồng loạt nghỉ làm. Vì không có kinh phí nên việc duy trì hoạt động dạy học cũng không thể diễn ra. Từ giữa tháng 3/2024, học sinh phải nghỉ học do không có giáo viên.
Chủ tịch Hội đồng trường, bà Nguyễn Thị Út Em mong phụ huynh đóng thêm 125 tỷ đồng để nhà trường trả lương cho giáo viên và vận hành lại hoạt động dạy và học cho hết tháng 6/2024.
Theo đó, nhà trường đề nghị bậc mầm non đóng 9.5 triệu đồng/tháng; tiểu học 14.5 triệu đồng/tháng; khối 6-8 là 20.5 triệu đồng/tháng; khối 9-12 là 25.5 triệu đồng/tháng. Các khoản khác như phí cơ sở vật chất, xe buýt, chương trình Tú tài Quốc tế (IB), nhà trường cũng đề nghị phụ huynh đóng bổ sung luôn trong đợt này.
"Tài khoản nhận tiền sẽ được kiểm soát bởi Sở GD&ĐT, nhà trường và phụ huynh", Sở GD&ĐT TPHCM cho biết.
Cho tới tối 1/4/2024, Trường AISVN đưa thông báo đã nhận được gần 20 tỷ trong tài khoản do phụ huynh đóng góp. Số tiền này đang được tính toán để trả lương cho các giáo viên. Dự kiến, ngày mai, 3/4/2024, học sinh của trường này sẽ quay trở lại học tập.
Trường AISVN đã bị phụ huynh tố từ quý 3 năm ngoái khi họ cho rằng mỗi phụ huynh đã cho trường vay không lãi suất, không tài sản thế chấp thông qua các hợp đồng vay vốn, đầu tư vài tỷ đồng. Hiện nhà trường có hơn 1.200 học sinh đang theo học, như vậy số tiền mà nhà trường huy động có thể lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Theo các hợp đồng này, học sinh sẽ được học miễn phí, khi tốt nghiệp hoặc chuyển trường thì nhà trường cam kết trả lại. Tuy nhiên, sau đó nhà trường không giữ được cam kết này do bị thiếu hụt toàn bộ dòng tiền vận hành.
Hiện bà Nguyễn Thị Út Em đang bị cấm xuất cảnh do nợ thuế thu nhập cá nhân. Trường AISVN bị đình chỉ tuyển sinh năm học 2024-2025 cho tới khi nhà đầu tư giải quyết hết được các vấn đề tài chính, nhân sự và ổn định lại việc dạy và học.