Phụ huynh hối hận vì chiều theo sở thích chọn nghề của con

25/01/2018 - 11:35
Không có nhiều kênh tư vấn chính thức, không đủ dữ liệu tìm hiểu ngành nghề, nhiều phụ huynh tỏ ra lo lắng trước việc định hướng nghề nghiệp cho con. Họ chọn cách tự thân vận động để cùng con tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp tốt nhất có thể.

Học vì sở thích sẽ khó tìm việc

Mùa tuyển sinh 2018 bắt đầu nóng lên khi Bộ GD&ĐT vừa công bố đề thi tham khảo, giúp sĩ tử tiến gần thêm một bước đến kỳ thi “vượt vũ môn” đầy cam go sắp tới. Đây cũng là thời điểm các học sinh nhanh chóng “chốt” ngành nghề mà mình sẽ hướng tới trong tương lai.

Dù vấn đề hướng nghiệp đã được lưu tâm từ năm đầu tiên vào cấp THPT nhưng thực tế cho thấy, đến thời điểm này, cả bố mẹ và học sinh đều vẫn còn nhiều lăn tăn về xu hướng chọn nghề ngay sát kỳ thi.

Chị Hương Lan (phóng viên tại Hà Nội) cho biết, con gái chị năm nay thi khối D nhưng cho đến giờ vẫn băn khoăn trước lựa chọn nghề nghiệp. Mặc dù đã theo khá sát con nhưng cả gia đình chị đều cảm thấy chưa thật sự yên tâm.


Việc chọn nghề cho con là một quá trình thử thách cho cả sĩ tử và phụ huynh. Ảnh minh họa

“Con tôi thích viết báo, muốn làm truyền hình vì cảm tính thích được đi đây đi đó, gặp gỡ nhiều người. Nhưng khi tôi phân tích cho con hiểu thêm về những vất vả của nghề, lại thấy bản thân mẹ cũng vất vả với nghề nên con rất băn khoăn và muốn chuyển hướng. Học một ngành gì đó để sau này ra trường dễ xin việc hoặc gắn với khả năng xin việc của gia đình mới là lựa chọn hàng đầu, chứ nếu đơn thuần chỉ học vì sở thích, tôi nghĩ rất khó cho các con về sau khi tìm việc!”- nữ phụ huynh chia sẻ.

Sau khi nghe mẹ phân tích, cung cấp thêm nhiều khía cạnh của nghề báo, cùng với sự bàn bạc của gia đình, con gái chị Hương Lan dự định sẽ học song ngữ Anh - Nhật. Với nền tảng tiếng Anh tốt, mong muốn của cả gia đình là con thi đỗ vào ngành học này và tìm học bổng du học.

“Để có được quyết định đó, tôi dựa vào kinh nghiệm du học thực tế của chính con đồng nghiệp. Đi nghe hội thảo du học cũng là một kênh tốt nhưng thực chất chỉ thấy được các điểm tốt của trường mà chưa hiểu hết mọi mặt. Các kênh chính thống thì hầu như không có nên tốt nhất là bố mẹ muốn đồng hành cùng con thì phải tự tìm hiểu theo các cách khác nhau”- chị Lan nói.

Theo nữ phụ huynh, nếu để con tự lựa chọn, phụ huynh cần tìm hiểu kỹ về những ngành nghề đó để xem xét con mình có đủ khả năng hoặc đủ cơ hội để có thể dễ dàng xin việc về sau không. Nếu phụ huynh vẫn mơ hồ chạy theo những ngành nghề thời thượng chỉ để đẹp bằng đại học hoặc tự hào với họ hàng chòm xóm, xu thế này có lẽ nên xem xét lại.

“Tôi thấy hiện nay Bộ GD&ĐT mới chỉ làm tốt phần phân ban, nghĩa là định hướng cho học sinh nhằm vào khối thi nào, đại học nào mà chưa thể nói về định hướng nghề cụ thể được. Ví dụ như thi khối A hay khối D thì sẽ có bao nhiêu nghề, khả năng của học sinh có đáp ứng được hay không. Tôi chưa thấy rõ bản chất của việc định hướng nghề theo cách mà ngành giáo dục làm hiện tại” - chị Lan thẳng thắn cho biết.

Nhiều phụ huynh thấy tiếc vì chưa cùng con xem xét thật kỹ những lựa chọn nghề nghiệp


Con thích, mẹ “nhắm mắt” chiều theo

Không phải phụ huynh nào cũng đủ nền tảng kiến thức và sự nhanh nhạy để có thể giúp con định hướng nghề nghiệp rõ hơn trong tương lai. Thêm nữa, với sự thay đổi “xoành xoạch” của việc học, việc thi, bố mẹ lại càng thấy tù mù trong việc học thi và chọn nghề của con.

Câu chuyện của chị Trần Thu Hà (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) là một ví dụ. Con trai lực học ở mức trung bình nên việc chọn một ngành để vừa “không bị trượt” lại vừa dễ xin việc sau khi ra trường là một bài toán khó của cả hai mẹ con.

“Năm ngoái hai mẹ con loay hoay mãi, cuối cùng cho con nộp đơn vào ngành công nghệ thông tin ở ĐH Thủy lợi. Thấy ngành này cũng phổ biến, không lo thiếu việc. Con giờ học năm thứ hai rồi nhưng tôi thấy với đà này, không biết cháu có theo kịp không! Ra trường chưa biết nên xin việc cho con vào đâu, nhà thì không có nhiều tiền để chạy việc nên tôi thấy khá lo lắng!”- chị Hà nói.

Theo nữ phụ huynh, điều mà chị thấy tiếc chính là chưa cùng con xem xét thật kỹ những lựa chọn nghề nghiệp vừa sức với con. Thích là một chuyện, nhưng khả năng đáp ứng được ngành học đến đâu lại là chuyện hoàn toàn khác.

“Thực ra, nếu từ đầu tôi cho con học nghề điện tử thì có lẽ phù hợp hơn, vừa đủ sức với con, vừa dễ xin việc. Giờ con đã học dở dang rồi, đành động viên con tiếp tục cố gắng để theo kịp chương trình. Còn chuyện xin việc thì tính dần dần. Nếu chịu khó tìm hiểu thêm hoặc nghe thêm tư vấn từ nhiều phía, có lẽ hai mẹ con sẽ có quyết định khác!”- chị thở dài.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm