Phụ huynh lo vì lại đổi mới giáo dục

13/04/2017 - 14:46
Sau khi dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được Bộ GD&ĐT công bố chiều ngày 12/4, nhiều phụ huynh có con học đầu cấp từ năm tới tỏ ra hoang mang, lo lắng.

Không nên vội vàng

Chị Nguyễn Thị Lành (phường Vĩnh Tuy, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) có con gái sẽ đi học lớp 1 vào năm tới. Chưa nắm cụ thể về nội dung chương trình phổ thông mới nhưng cứ nhắc đến “đổi mới” là chị lại lo lắng.

“Đúng là lo sốt vó! Cảm giác con mình sẽ trở thành “chuột bạch” cho các bác làm ngành giáo dục thử nghiệm. Tôi hiểu rõ những mục tiêu tốt đẹp mà ngành giáo dục đang hướng đến, nhưng để làm được điều đó, cần bắt đầu từ sự thay đổi nhỏ nhất và cần phải có lộ trình cẩn thận. Không nên tháng 9/2017 công bố chương trình và năm sau bắt buộc phải thực hiện ngay khi chưa có sự chuẩn bị kỹ càng”, chị Lành bày tỏ.

Theo chị, học sinh cấp tiểu học cần nhiều nhất là các kỹ năng sống cơ bản. Mục tiêu của Bộ là giảm tải kiến thức, nhưng việc giảm tải đó phải đồng hành cùng việc giảm bài tập về nhà, giảm học thêm tại nhà của giáo viên.

“Từ năm sau, liệu Bộ có quản lý được việc học sinh không đến nhà cô luyện chữ viết hoặc toán trước khi vào lớp 1? Hay quản lý việc tranh giành nhau chen chân vào những trường điểm, chỉ vì phụ huynh cảm thấy không yên tâm ở 'trường làng'?”, chị Lành đặt câu hỏi.

da-lat.jpg
 Chương trình phổ thông mới đặt ra nhiều yêu cầu cho cả giáo viên và các cấp quản lý. Ảnh minh họa: D.H

Coi chừng tác dụng ngược

Cùng một nỗi lo, anh Đặng Bá Cường (Q.Cầu Giấy, Hà Nội), có con năm tới vào lớp 6, cho rằng, học sinh ở cấp học nào cũng cần trang bị những kỹ năng nhất định theo từng lứa tuổi. Điều anh mong muốn là con anh có môi trường học tập thoải mái, không chịu áp lực lớn từ việc học.

"Tôi mừng khi thấy chương trình đề cập đến việc tăng hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh, trong đó mang tính tích hợp. Điều này kích thích sự sáng tạo, kỹ năng làm việc nhóm hay kỹ năng tổng hợp vấn đề của con, nhưng để làm được chắc chắn không đơn giản”, anh Cường chia sẻ.

Một số phụ huynh có con học THPT cho rằng, chương trình mới đã có dấu ấn định hướng nghề theo các nhóm nghề khá rõ rệt. Thế nhưng, để tạo ra những tiết học định hướng nghề thực sự hiệu quả, vai trò của giáo viên không hề nhỏ.

“Một giáo viên dạy Giáo dục công dân đơn thuần, để có thể dạy môn mới là Giáo dục kinh tế pháp luật, bản thân giáo viên phải trau dồi thêm kiến thức cho từng lĩnh vực, điều này cần được đầu tư kỹ lưỡng cho giáo viên. Nếu không chú trọng khâu này, việc định hướng nghề sẽ gây tác dụng ngược”, anh Tạ Duy Thanh (Giảng Võ, Hà Nội) có con học lớp 9 trường THCS Nguyễn Trường Tộ (Q.Ba Đình, Hà Nội), nêu quan điểm.

ph.jpg
 Buổi họp phụ huynh tại một trường học ở Hà Nội. Ảnh minh họa

Giải bài toán sĩ số học sinh/lớp bằng cách nào?

Nỗi lo chung của nhiều phụ huynh ở Hà Nội là hiện tại số lượng học sinh ở các cấp học đều bị quá tải. Trung bình mỗi lớp, sĩ số lên đến 50 - 60 học sinh. Điều này gây trở ngại không nhỏ cho việc triển khai các hoạt động làm việc nhóm, tập trung định hưỡng kỹ năng cho học sinh khi giáo viên bị “quá tải”.

GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình GDPT tổng thể, cũng thừa nhận, đây sẽ là trở ngại lớn nếu muốn thực hiện tốt mọi đổi mới, Bộ GD&ĐT cần siết chặt quản lý hơn về vấn đề sĩ số lớp.

“Sĩ số lý tưởng cho một lớp học để đảm bảo chất lượng dạy học theo phương pháp mới là tối đa 35 em. Quan điểm của tôi là quản lý phải kiên quyết, nếu không khó có thể thực hiện được chương trình. Một lớp có học sinh quá đông thì việc kê bàn ghế để làm việc nhóm còn khó, chưa nói đến các hoạt động khác”, ông Thuyết cho biết.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm