Phụ huynh mòn mỏi chờ kế hoạch giảm tải chương trình học

07/09/2016 - 08:00
Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, từ năm 2018, học sinh các lớp đầu cấp bắt đầu học chương trình và bộ sách giáo khoa mới. Tuy nhiên, trái với sự mong chờ của nhiều học sinh, phụ huynh, mới đây Bộ GD&ĐT cho rằng, khó có thể thực hiện đúng lộ trình.
Việc quá tải về nội dung kiến thức trong nhiều môn học là nỗi lo của nhiều phụ huynh ngay khi con vào lớp 1. Đầu năm 2015, dư luận xôn xao vì Bộ GD&ĐT công bố sẽ thay đổi chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, cùng với đó là thay toàn bộ sách giáo khoa. Đây được xem là tín hiệu mừng với không ít cha mẹ, học sinh bởi việc thay sách và chương trình theo hướng giảm tải kiến thức, tăng kỹ năng thực hành. 

Chị Nguyễn Thị Hải (TP Vinh, Nghệ An) có con học lớp 4 tại trường Tiểu học Hồng Sơn, chia sẻ: “Nhiều môn học hiện tại của con quá nặng về kiến thức, đặc biệt là môn Toán. Cháu thường mất rất nhiều thời gian để giải bài tập, hoặc phải nhờ đến sự trợ giúp của bố mẹ để có thể hiểu thêm môn học sau giờ lên lớp”.

Theo chị Đỗ Thu Hà (Q. Thanh Xuân, Hà Nội), mẹ cháu Ngọc Diệp năm nay vào lớp 1, điều chị lo lắng nhất là con khó theo kịp chương trình ở lớp bởi chương trình học khá nặng. “Mong muốn của tôi là con vừa được học, vừa được vui chơi nên rất mong sớm có sự thay đổi trong chương trình, nội dung sách. Cần có sự đột phá để các con “dễ thở” hơn khi đến trường!”.
Học sinh sẽ chưa có bộ sách giáo khoa mới năm 2018 theo lộ trình. Ảnh: D.H
Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, tháng 6/2016 phải ban hành được chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và chương trình môn học. Tiếp đó, muộn nhất đến hết tháng 6/2018 phải ban hành được ít nhất bộ sách giáo khoa cho lớp 1, lớp 6 và lớp 10, đảm bảo năm học 2018-2019 có một bộ sách để bắt đầu áp dụng. Mục tiêu là đến năm học 2022-2023, chương trình sách giáo khoa mới sẽ  được áp dụng trên toàn quốc.

Tuy nhiên, mới đây, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ lo ngại rằng khó có thể đạt được các mốc như dự kiến. Ông thừa nhận, hiện tại chương trình tổng thể chưa có, chương trình môn học cũng chưa cụ thể. Vì thế sẽ ngược quy trình nếu xây dựng bộ sách giáo khoa trước.

“Chúng tôi xác định chậm, nhưng có lý do của việc chậm trễ này, mục đích là tạo ra một đề án bền vững. Ngân sách cũng chậm, gần một năm mới nhận được kinh phí nên chậm là điều chắc chắn. Tuy nhiên chúng tôi sẽ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhất cho đề án!”.

Theo Bộ trưởng, tổ chức biên soạn sách giáo khoa phải công khai minh bạch, nếu chỉ tập trung một nhóm người sẽ dễ dẫn đến tình trạng làm chưa xong đã sửa. “Chúng ta có hơn 1 triệu giáo viên, tại sao không chọn ra những thầy cô giỏi để tập huấn? Tôi cần có sự tham gia sâu, trực tiếp, những người triển khai nội dung và người viết phải gắn kết nhau” – ông nêu quan điểm.

Người đứng đầu ngành giáo dục khẳng định, tiến độ sẽ chậm và năm 2016, 2017 sẽ tăng tốc hơn cho công việc này. Ông nói: “Tôi tin là khi có chương trình tổng thể, quá trình viết sách sẽ rất nhanh. Lúc đấy giảm tải cũng rất mạnh”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm