Trường điểm chưa chắc đã tốt
Nhà ở trung tâm quận Ba Đình, có nhiều cơ hội để lựa chọn trường Tiểu học Thực nghiệm (Liễu Giai) và một số trường top khác trong quận, song chị Hương Chanh (chủ một tiệm bánh handmade) không có nhu cầu cho con gái năm nay vào lớp 1 học ở những địa chỉ này.
Theo nữ phụ huynh này, trường chuẩn, trường điểm luôn khiến chị cảm thấy áp lực về thành tích và việc học của con, trong khi lớp 1 chưa phải là độ tuổi cần tập trung quá nhiều cho việc học.
Hình ảnh phụ huynh đạp đổ cổng trường Thực nghiệm năm nào chỉ để giành được một bộ hồ sơ đăng ký học luôn ám ảnh chị.
“Phần lớn phụ huynh đều muốn chọn trường điểm vì nghĩ là chất lượng dạy học tốt nhưng tôi không nghĩ thế! Thực tế là rất nhiều trường, thậm chí là càng trường điểm, giáo viên muốn vào dạy phải có quan hệ nhất định, “chạy” tiền hoặc bằng quan hệ quen biết là chuyện bình thường. Đầu vào của giáo viên, vì thế khó đạt chất lượng thực sự. Việc đánh giá trình độ của giáo viên vô cùng lắm!” - chị Hương Chanh nói.
Đắn đo mãi, cuối cùng chị lựa chọn cho con gái một trường tiểu học ở gần nhà, chương trình học nhẹ nhàng (qua việc cho con đến trường học thử làm quen môi trường mới). Với chị Chanh, trường học của con phải là nơi rèn luyện tác phong, nề nếp cho con chứ không đơn thuần là con học được bao nhiêu kiến thức.
"Né" trường điểm, trường tốp đầu là xu thế của nhiều phụ huynh khi chọn trường đầu cấp cho con. Ảnh: D.H |
Chị Thanh Hằng (Q. Thanh Xuân, Hà Nội) cũng không quá “đau đầu” với việc tìm trường cho con vào lớp 1. Tiêu chí của chị Hằng chỉ đơn giản là trường phải gần nhà để tiện đưa đón, trường có không gian thoáng mát rộng rãi cho con chơi và sĩ số lớp không quá đông.
“Lúc đầu tôi cũng định tìm hiểu một số trường tư thục nhưng phần vì không đủ điều kiện, phần vì muốn con được học trong môi trường có tính kỷ luật, nề nếp mà lại không quá chú trọng việc học hành nặng nề nên không việc gì chọn những trường điểm cho con học. Cứ trường làng có khi lại hay!” - chị Thanh Hằng chia sẻ.
Theo chị, nhiều phụ huynh bây giờ có suy nghĩ khá cởi mở về việc học của con tùy theo độ tuổi, cấp học. Thay vì nặng nề chuyện học ở thầy giỏi, cô tốt, môi trường đúng chuẩn quốc gia, không ít cha mẹ muốn con đi học để được trải nghiệm nhiều hơn thay vì chỉ học kiến thức.
“Đây là một quan điểm rất đáng hoan nghênh. Lớp 1 nên chú trọng môi trường cho con vừa học, vừa chơi. Lớp 6 cũng chưa quá nặng nề việc học kiến thức. Còn đến lớp 10, khi con đã đủ trưởng thành và có một số năng lực nhất định, tốt nhất nên để cho con tự lựa chọn môi trường học tập phù hợp khả năng!” - theo chị Thanh Hằng.
Chọn trường phù hợp với con
Theo các chuyên gia tâm lý, vẫn có nhiều bố mẹ suy nghĩ, trường học sẽ có giá trị quyết định việc học tập thành hay bại của con đến 90%. Tuy nhiên, điều đó không hoàn toàn đúng.
Gần như tất cả các trường đều cùng học một chương trình. Vì thế, khó có chuyện học trường kém thì con mình kém hay học trường tốt thì con mình mới giỏi giang, thông minh.
Cha mẹ cần cân nhắc chọn trường phù hợp với con và hài hòa mọi yếu tố. Ảnh minh họa |
Phụ huynh không nên quá cầu kì và mất thời gian khi chọn trường cho con, nhất là ở tiểu học. Đơn giản là bởi ở cấp học này, trẻ chỉ cần đọc thông viết thạo, làm tính cộng trừ nhân chia và vài phép đổi đơn giản là có thể đã hoàn thành mục tiêu rồi.
Theo các chuyên gia, nếu cha mẹ không chọn trường học một cách hợp lý, khoa học, vô tình sẽ khiến cho con thêm áp lực. Thực tế cho thấy, càng đông học sinh đôi khi sẽ làm cô giáo mất khả năng kiểm soát tình hình và con còn có thể bị sức ép thành tích nặng nề. Vì thế, việc vào trường điểm không phải là lựa chọn tối ưu.
Thay vì chọn trường điểm, trường chuẩn, cha mẹ cần chọn trường phù hợp theo các tiêu chí như khả năng thích ứng của con, môi trường giáo dục, điều kiện của gia đình... Một trong các ưu tiên hàng đầu là nên chọn trường gần nhà để con có thể tự đi đến trường và học được tính tự lập.
Ngoài ra, nên chọn những trường có nhiều học sinh lễ phép, ngoan ngoãn, điều này cho thấy môi trường đạo đức của ngôi trường đó rất ổn - đây là một trong những tiêu chí quan trọng phụ huynh cần lưu tâm.