Phụ huynh phải "cõng" thêm phí tại trung tâm dạy thêm

Thu Anh
09/04/2025 - 14:56
Phụ huynh phải "cõng" thêm phí tại trung tâm dạy thêm

Ảnh minh họa: VOV

Sau gần 2 tháng triển khai quy định mới về dạy thêm, học thêm, tình trạng phụ huynh phải “cõng” thêm phí tại các lớp học thêm ở trung tâm ngoài nhà trường đòi hỏi cơ quan quản lý giáo dục cần có giải pháp phù hợp.

Học sinh vất vưởng học thêm ở nhà dân

Thực tế, để đối phó với các kỳ thi sắp tới, nhiều phụ huynh vẫn phải tìm lớp học thêm ngoài nhà trường cho con của mình khi các trường học đều ký kết không thu tiền dạy thêm trong trường học. Nắm bắt được nhu cầu này, ngay sau khi Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực, hàng loạt trung tâm dạy thêm mọc lên. Một phòng học vài chục mét vuông cũng là trung tâm, người dạy vẫn là giáo viên trong trường công nhưng theo hình thức cô này dạy lớp kia, cô kia dạy lớp này. Vì phải "cõng" thêm phí thuê trung tâm nên tiền học thêm tăng vọt.

Tại quận Hoàng Mai (Hà Nội), một phụ huynh có con học tại trường THCS Hạ Đình phản ánh, trước kia học thêm trong trường, học sinh phải đóng 20.000-30.000 đồng/buổi, còn nay ra trung tâm giá tăng gấp đôi (khoảng 50.000-70.000 nghìn đồng/buổi). Điều khiến phụ huynh băn khoăn là trong khi lớp học đủ điều kiện học tập thì bỏ không, giáo viên và học sinh kéo nhau ra trung tâm, chi phí tăng, vậy việc triển khai Thông tư 29 có đạt được mục tiêu đặt ra?

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Thành phố Hà Nội, cho hay sau một thời gian Thông tư 29 có hiệu lực, tính chủ động của học sinh đã tăng lên, các em không bắt buộc phải chạy theo lịch trình học thêm kín mít. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Thông tư 29 cũng nảy sinh một số vấn đề: Số lượng trung tâm có chức năng dạy thêm, học thêm trên địa bàn thành phố Hà Nội tăng vọt, ước tính hiện có khoảng 15.000 trung tâm và hộ kinh doanh liên quan đến dạy thêm, học thêm. "Qua khảo sát, mức thu phí học thêm cao hơn so với trước đây. Tất nhiên đây đều là sự tự nguyện", ông Cương nói.

Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cũng cho biết, hiện Sở GD-ĐT Thành phố đã tổ chức hơn 10 đoàn kiểm tra hơn 30 trường từ tiểu học đến THPT trên địa bàn. Cùng với đó, Thành phố ghi nhận số đơn vị dạy thêm ở thời điểm thực hiện Thông tư 29 có hơn 10.000 cơ sở.

Việc bùng nổ các trung tâm dạy thêm dẫn tới việc khó kiểm soát điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo an toàn cho người học. Ông Lê Duy Định, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai, băn khoăn: "Khi chúng tôi tổ chức đi kiểm tra thực tế tại các nơi tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường thì thấy rằng, nhiều nơi cơ sở vật chất, phòng chật hẹp, nóng; bàn ghế xộc xệch, ánh sáng phòng dạy ít, thường nằm sâu trong hẻm, chủ yếu là tận dụng nhà dân để tổ chức...".

Cần giải pháp để triển khai hiệu quả Thông tư 29

"Điều khó khăn hiện nay là chúng ta chưa có chế tài xử lý vi phạm liên quan dạy thêm, học thêm. Áp lực thời gian và nguồn lực kiểm tra ở cấp xã rất khó khăn, số lượng người thực thi nhiệm vụ ít", Giám đốc Sở GD-ĐT Thành phố Hà Nội nhấn mạnh. Theo ông Trần Thế Cương, Bộ GD-ĐT cần có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này hoặc bổ sung quy định xử phạt trong Thông tư 29 để các địa phương có cơ sở thực hiện.

Ông Nguyễn Quốc Bảo đề xuất, để đảm bảo tính công bằng, minh bạch của việc dạy thêm, học thêm, cần triển khai toàn diện công tác kiểm tra, đánh giá, bởi đâu đó vẫn còn một số trường dùng điểm số để yêu cầu học sinh tham gia học thêm. "Có thể xem xét, rà soát lại thông tư khác về kiểm tra, đánh giá; kiểm tra đánh giá tập trung sử dụng ngân hàng đề thi của Bộ hoặc Sở xây dựng trên cơ sở phù hợp hoặc sử dụng các đơn vị khảo thí độc lập để tổ chức các đợt thi ở các trường học. Từ đó, có thể kiểm tra, giám sát việc thầy cô tổ chức giảng dạy có đảm bảo mục tiêu chương trình, kiến thức, kỹ năng hay không", ông Quốc đề xuất.

Trong quá trình triển khai quy định về dạy thêm phải đề cao vai trò của cán bộ quản lý các cấp, từ lãnh đạo Sở, lãnh đạo Phòng, hiệu trưởng, thầy cô; đề cao lòng tự trọng của giáo viên và cán bộ quản lý; đề cao tinh thần tự chủ, tự giác, tự học của học sinh và cuối cùng, tăng cường phối hợp giữa gia đình, địa phương và xã hội trong công tác giáo dục.

"Đặc biệt, phải đổi mới việc kiểm tra đánh giá, đề thi phù hợp theo chương trình, tuyệt đối đừng để học sinh phải ra trung tâm học chương trình chính khóa. Nếu ra đề thi tuyển sinh lớp 10, đề thi tốt nghiệp quá khó, đánh đố, buộc học sinh phải học thêm thì đó là một sự lãng phí, nghĩa là chúng ta chưa hoàn thành nhiệm vụ. Đề thi phải phù hợp với học sinh, phù hợp với chương trình", Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh.

* Trước những vấn đề phát sinh, để thực hiện tốt Thông tư 29, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng nêu rõ "5 không và 4 đề cao". Đó là: Không "đánh trống bỏ dùi"; không thỏa hiệp; không khoan nhượng; không biến tướng; không nói khó mà không làm.

* Có 7 tỉnh chưa thực hiện nghiêm túc quy định về thời gian báo cáo tình hình triển khai Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm, gửi báo cáo muộn so với quy định, gồm: Quảng Ninh, Đắk Lắk, Đồng Nai, Tiền Giang, Tây Ninh, Vĩnh Phúc và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm