Phụ huynh, sinh viên thêm gánh nặng khi các trường đại học tăng học phí

Hà Lê
06/07/2022 - 14:04
Phụ huynh, sinh viên thêm gánh nặng khi các trường đại học tăng học phí

Ảnh minh họa

Cả nước có khoảng 240 cơ sở giáo dục đại học. Với cơ chế tự chủ theo Luật Giáo dục đại học sửa đổi có hiệu lực từ năm 2019, trong khoảng gần 2 năm qua, học phí đại học bắt đầu tăng và đang tăng mạnh vào trước mùa tuyển sinh năm nay. Điều này sẽ tăng thêm gánh nặng cho phụ huynh nghèo trong bối cảnh giá cả “leo thang” hiện nay.

Phía Bắc: Nhiều trường tăng gấp đôi

Theo thông báo của trường ĐH Luật Hà Nội, mức học phí mới áp dụng với sinh viên chính quy tuyển sinh trong năm học tới là 572 ngàn đồng/tín chỉ hệ đại trà và trên 1,6 triệu đồng/tín chỉ với hệ chất lượng cao, trong khi mức thu cũ lần lượt là 280 ngàn đồng/tín chỉ và 990 ngàn đồng/tín chỉ.

Theo đề án tuyển sinh năm 2022 của ĐH Quốc gia Hà Nội, học phí dự kiến với sinh viên chính quy các chương trình đào tạo chuẩn từ 12 đến 24,5 triệu đồng/năm và từ 30-60 triệu đồng/năm với các chương trình đào tạo đặc thù, chương trình đào tạo chất lượng cao trình độ đại học. Trong khi đó, năm học 2021-2022 có mức học phí chương trình chuẩn chỉ trong khoảng 9,8 - 14,3 triệu đồng/năm/sinh viên.

Trường Đại học Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết từ năm học tới, học phí là 4,2 triệu đồng/tháng, mỗi năm sau tăng thêm 200.000 đồng/tháng. Sinh viên nhập học năm 2022 cần nộp khoảng 180 triệu đồng trong 4 năm. So với mức đang được trường áp dụng trong năm học 2021-2022 là 3,5 triệu đồng/tháng, mức thu mới tăng 0,7-1,3 triệu đồng/tháng.

Mức học phí mới của trường Đại học Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) ở các chương trình chuẩn là 715 ngàn đồng/tín chỉ, cao hơn mức cũ 315 ngàn đồng (gấp 2,26 lần).

Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng đưa ra mức học phí mới theo tín chỉ. Trừ các ngành đào tạo giảng viên lý luận chính trị được miễn, học phí hệ đại trà là 440.000 đồng/tín chỉ, hệ chất lượng cao 1,32 triệu đồng/tín chỉ. Hai mức này tăng lần lượt gần 60% và hơn 70% so với học phí năm 2021.

Chương trình đại học chính quy tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền có tổng 143 tín chỉ. Với mức học phí mới, sinh viên cần nộp 63-188 triệu đồng trong 4 năm học.

Trường ĐH Y Hà Nội cũng vừa công bố mức học phí năm 2022. Ở bậc đại học, mức thu cao nhất là ngành Điều dưỡng chương trình tiên tiến với 3,7 triệu đồng/tháng. Ở hệ đại trà, các ngành Răng Hàm Mặt, Y khoa, Y học cổ truyền, Y học dự phòng có mức thu 2,45 triệu đồng/tháng. Các ngành còn lại thu 1,85 triệu đồng/tháng.

Phía Nam: Có trường tăng gấp 3

Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch công bố mức thu dự kiến cao nhất là 44,3 triệu đồng/năm với ngành Y khoa, Dược học, Răng Hàm Mặt. Các ngành còn lại, học phí cao nhất không quá 41 triệu đồng/năm. So với khi trường chưa tự chủ, mức thu này tăng gần 3 lần.

Trường ĐH Bách khoa TPHCM dự kiến thu 25 triệu đồng/năm với khối đại trà. Các năm tiếp theo tăng lên 27,5-30 triệu đồng. Mức thu này tăng 2-3 triệu đồng so với năm ngoái.

Trường ĐH Công nghệ Thông tin TPHCM công bố mức học phí chương trình đại trà tăng theo lộ trình từ 29-42 triệu đồng từ năm nay đến 2025. Với chương trình tiên tiến, học phí theo lộ trình tương ứng 45-55 triệu đồng/năm; chương trình liên kết 80-138 triệu đồng.

Với Khoa Y của ĐH Quốc gia TPHCM (100% ngành đào tạo chất lượng cao), học phí Y khoa 66-72,6 triệu đồng/năm; Dược 60-66,5 triệu; Răng Hàm Mặt 96,8-106 triệu đồng/năm. Học phí năm sau cao hơn năm trước trung bình 10%.

Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM), học phí mới của chương trình đại trà thu 16-24 triệu đồng; tăng khoảng gấp đôi. Chương trình chất lượng cao thu 60 triệu đồng/năm.

Các trường đại học tư vốn đã có học phí cao nhưng vẫn tăng nhẹ. Học phí năm tới ở Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM khoảng 75 triệu đồng/năm (gồm 4 học kỳ), tăng 5 triệu đồng/năm…

Cần quan tâm tới chính sách hỗ trợ sinh viên

Trong bối cảnh học phí tăng đồng loạt như hiện nay, đặc biệt ở những ngành cần thu hút người giỏi, rất cần phải có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích người giỏi. Cụ thể là chính sách miễn giảm học phí cho sinh viên diện chính sách xã hội, sinh viên nghèo, chính sách học bổng, đặc biệt là cơ chế thu hút người giỏi. Bên cạnh đó là chính sách tín dụng để hỗ trợ sinh viên vay tiền đóng học phí.

Áp dụng theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ

Theo Nghị định 81, từ năm học 2022-2023, mức trần học phí với trường đại học công lập chưa tự chủ cũng sẽ tăng vọt ở các ngành đào tạo, trừ ngành nghệ thuật.

Với quy định mới, khối ngành sẽ có mức học phí tăng nhiều nhất là Y, Dược (tăng trên 70%). Những ngành khác có thể tăng từ 15% đến 30%.

Nhưng với các trường đã thực hiện tự chủ tài chính trong chi thường xuyên, mức học phí mới có thể cao hơn 2 lần so với mức trần của trường chưa tự chủ. Nếu trường tự chủ cả chi thường xuyên và chi đầu tư thì mức học phí mới có thể bằng 2,5-3 lần so với mức trần của trường chưa tự chủ.

Theo Nghị định 81, các trường tư thục và dân lập được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí và giá các dịch vụ khác đảm bảo bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý nhưng tỷ lệ tăng học phí mỗi năm không được vượt quá 15%.

Theo ông Trần Nam, Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM), bên cạnh mức học phí điều chỉnh tăng lên, trường cũng đã có hỗ trợ học phí cho một số ngành học khoa học cơ bản. "Hiện trường đã đàm phán với một số đối tác thiết kế chương trình cho sinh viên vay vốn không lãi suất trong 4 năm học. Cùng với đó, trường kết nối với một số doanh nghiệp, các quỹ học bổng quốc tế để hỗ trợ học bổng cho sinh viên", ông Nam cho biết.

Về vấn đề hỗ trợ sinh viên, GS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TPHCM, cho rằng ngoài việc các trường có chính sách học bổng cho những sinh viên khó khăn, chia ra nhiều kỳ học để dễ đóng thì cần đẩy mạnh chính sách tín dụng, người học cần được vay chi phí đi học không lãi suất hoặc lãi suất thấp, sau khi ra trường sẽ hoàn trả dần.

ĐH Quốc gia TPHCM cũng có quỹ phát triển cho sinh viên khó khăn về tài chính được vay ưu đãi học tập với lãi suất 0%. Song, lượng sinh viên được tiếp cận từ nguồn này chưa nhiều.

Nhìn lại thời gian qua, tín dụng cho sinh viên vẫn còn nhiều bất cập, thấy rõ nhất là thủ tục còn rườm rà, khó khăn, chưa tiếp cận được đúng đối tượng cần cho vay.

Các trung tâm hỗ trợ việc làm, khởi nghiệp sớm cũng được nhiều trường đại học chú ý hơn sau việc tăng học phí để giúp sinh viên có công việc tạm thời trang trải chi phí trong quá trình học tập. Nhưng việc này cũng "lợi bất cập hại" vì nếu sa đà vào công việc kiếm sống, sinh viên sẽ khó toàn tâm toàn ý cho việc học tập. Việc "làm thêm" cần được cân đối với thời gian học tập và sức khoẻ. Bên cạnh đó khuyến khích những công việc để "một công đôi việc", rèn kỹ năng, bổ trợ cho sinh viên những năng lực gần với nghề đang học.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm