Giường trống trong giờ ngủ trưa ở trường mẫu giáo
Tại Chiết Giang, Trung Quốc, vào lúc 2 giờ chiều, khi hầu hết trẻ em ở trường mẫu giáo song ngữ Kid Castle đang ngủ trưa, có một giường bỏ trống. Chủ nhân của nó, bé Huai Miluo, 5 tuổi lại nghỉ học và đang dành cả ngày theo đuổi sự nghiệp của mình trong việc làm người mẫu.
Giữa các bức ảnh, Miluo trông giống thiên thần. Các trợ lý đang trang điểm cho cô bé chuẩn bị trình diễn bộ trang phục tiếp theo trong số hàng chục bộ cô bé sẽ mặc trong suốt cả ngày. Cô bé đã có khí thế của một cựu chiến binh trong ngành mẫu. Điều đó có nghĩa là bé đã là mẫu thời trang nhí cho các cửa hàng thời trang trực tuyến trong tám tháng nay, một khoảng thời gian đáng kể so với lứa tuổi của cô bé.
Miluo chỉ là một trong số hàng trăm ngàn trẻ em ở Trung Quốc bị cuốn hút bởi làn sóng ngành công nghiệp thương mại điện tử đang bùng nổ, bỏ lỡ thời gian chơi vẫn đang là yếu tố chủ yếu của trẻ em khi ở độ tuổi này. “Cháu thích ở trường mẫu giáo bởi vì có rất nhiều đồ chơi ở đó, nhưng mẹ đã đưa cháu đến đây”, Miluo nói.
Tự trang trải học phí từ lúc lên 5
Tại Catfree Kids, một studio nhiếp ảnh ở Hàng Châu chuyên chụp mẫu trẻ em. Trong căn phòng lớn, các bé đang được chụp với một bộ sưu tập và các đạo cụ lạ lùng. Thay vì được chơi đồ chơi ở trường mẫu giáo, các bé phải tập tạo dáng, diễn xuất, thay đổi các bộ quần áo và chụp hình trong ánh đèn nóng nực. Cô bé Miluo trông khá mệt mỏi, bé nói: “Cháu không muốn chụp ảnh nữa nhưng mẹ nói với cháu rằng cháu có thể kiếm tiền để mua đồ chơi và đồ ăn vặt mà cháu thích”.
Nghề mẫu trẻ em ở Trung Quốc có thể mang lại lợi nhuận cao. Một tháng sau khi Miluo trở thành một người mẫu nhí, Tan (mẹ cô bé) đã từ bỏ công việc của mình để đảm bảo cô và cô con gái có thể tham gia bất kỳ lời mời làm việc nào. Tan cho biết, số tiền Miluo kiếm được từ nghề mẫu nhí với thù lao từ 50- 80 NDT/ bộ và 50 bộ trang phục cô bé phải khoác lên mình mỗi ngày trở thành một khoản trợ cấp đáng kể cho chi phí của cả gia đình, thừa trang trải mức 10.000 NDT học phí cho mỗi học kỳ của Miluo ở trường mẫu giáo.
Lỗ hổng trong luật
Bắt đầu phát triển mạnh trong năm 2014, đến nay có hàng trăm ngàn bậc cha mẹ như Tan, những người đam mê biến con thành các ngôi sao, trên sàn catwalk hoặc trước camera. Ước tính có hàng ngàn studio chụp mẫu nhí ở Trung Quốc. Và đối với họ “mục tiêu kiếm tiền là mối quan tâm chính”.
Luật lao động của Trung Quốc không bao gồm ngành công nghiệp mẫu nhí, vì ít nhất trong mắt cha mẹ, các cơ quan chức năng, một đứa trẻ nhỏ trong trang phục dễ thương không cấu thành lao động trẻ em. Cũng không có quy định nào về ngành đảm bảo mức lương tối thiểu hoặc hạn chế số giờ trẻ có thể làm việc trong một ngày.
Bất chấp mọi thứ, lôi cuốn con vào “thế giới người lớn”
Miluo thường xuyên phải dành tám tiếng đồng hồ trong phòng thu. Trong buổi chụp hình gần đây, cô bé phải làm việc tới 11 giờ. Nhiệt độ bên ngoài khoảng 3 độ C, và Miluo trong mô hình váy mùa hè, đã hắt hơi vào buổi chiều mặc dù có điều hòa không khí chạy trong phòng. Mặc một chiếc áo khoác dày, mẹ bé nhắc con phải tập trung vào cảnh quay và làm theo hướng dẫn của nhiếp ảnh gia để họ có thể hoàn thành công việc một cách nhanh chóng.
Theo nhà tâm lý trị liệu Ji Longmei ở Thượng Hải, việc lôi cuốn một đứa trẻ trong độ tuổi từ 2 đến 7 bước chân vào “thế giới người lớn” có thể gây tổn hại đến sự hình thành cá tính và khả năng nhận thức của trẻ. Ji chia sẻ: “Tôi có thể hiểu được cha mẹ muốn cải thiện tính khí của con cái họ, nhưng từ bỏ quá nhiều thời gian để làm người mẫu trong giai đoạn vàng này sẽ là một sự lãng phí rất lớn”.
Bỏ qua các cảnh báo, số phụ huynh tiếp tục đổ xô tìm cách cho con vào nghề mẫu nhí ngày một tăng. Mỗi ngày, studio nơi Miluo chụp đón tiếp tới 20 em bé trong độ tuổi từ 3 đến 8. Tất cả các bé tham dự lần đầu trong một khóa học phải nộp 4.000 nhân dân tệ cho10 buổi học làm người mẫu.