Phu nhân Chủ tịch nước Nguyễn Thị Hiền mặc Kimono, thưởng thức trà đạo Nhật Bản

04/06/2018 - 10:00
Nhân chuyến thăm cấp Nhà nước đến Nhật Bản cùng Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ ngày 29/5 tới 2/6 theo lời mời của Nhà Vua và Hoàng hậu Nhật Bản, Phu nhân Nguyễn Thị Hiền đã trải nghiệm mặc áo Kimono - quốc phục của Nhật Bản - và dự buổi trà đạo cùng với các nghệ nhân trà đạo Nhật Bản.
Quốc phục Nhật Bản
Văn hóa lâu đời, đậm đà bản sắc dân tộc, kết hợp hài hòa cái mới và cái cũ tạo nên nét đặc trưng riêng biệt. Nếu nhắc đến áo dài, thế giới nghĩ về hình ảnh đằm thắm và thướt tha của người phụ nữ Việt Nam thì khi nói đến Kimono, mỗi chúng ta sẽ không thể không nghĩ về xứ Phù Tang với hình ảnh người phụ nữ Nhật Bản đẹp, kiêu sa dưới những cánh hoa anh đào mỏng manh. Với bề dày lịch sử, văn hóa đặc sắc và độc đáo của dân tộc, người dân Nhật Bản biết cách gìn giữ, dung hòa và phát huy những nét đẹp truyền thống trong sự phát triển chung ấy, đặc biệt là hình ảnh về bộ quốc phục Kimono. Có lẽ vì thế, chiếc Kimono của Nhật Bản thực sự đã tạo nên một câu chuyện thú vị bởi kiểu dáng độc đáo, cách mặc và quá trình để làm nên một bộ Kimono khá cầu kỳ.
 
Phu nhân Chủ tịch nước Nguyễn Thị Hiền mặc Kimono - quốc phục của Nhật Bản

 

Mỗi bộ Kimono đều được làm thủ công và mang tính đơn chiếc. Đó là một tác phẩm nghệ thuật công phu, tỉ mẩn từ khâu chọn vải, kết hợp màu sắc, trang trí hoa văn và lựa chọn các phụ kiện đi cùng. Thiết kế của bộ Kimono vô cùng đặc biệt và độc đáo với 8 mảnh ghép với nhau và cho phép điều chỉnh kích thước phù hợp với người mặc. Chính vì vậy, đôi khi một bộ Kimono sẽ gắn bó với chủ nhân của nó suốt cả cuộc đời.
 
Nhân chuyến thăm Nhật Bản vừa qua, Phu nhân Nguyễn Thị Hiền đã có trải nghiệm cùng những người dân Nhật Bản: mặc áo Kimono - quốc phục của Nhật Bản để thấy những nét tương đồng giữa hai nền văn hóa Á Đông, tạo nên sự gắn kết hai nước như mối quan hệ hữu nghị và truyền thống 45 năm qua giữa Việt Nam - Nhật Bản.
 
Nghệ thuật trà đạo
Nghệ thuật trà đạo Nhật Bản được biết đến như “chiếc hộp văn hóa truyền thống của Nhật Bản” bởi sự xuất hiện của gốm sứ, tranh khảm, tre trúc trong trà cụ, nghệ thuật ẩm thực trong những chiếc bánh Wagashi được dùng khi uống trà và cả những giá trị văn hóa trong không gian trà thất.
 
Theo truyền thống, một buổi thưởng thức trà sẽ có những quy định đặc biệt như về các nghi lễ trước, trong và sau khi thưởng thức trà. Điều đặc biệt, chủ nhà và những vị khách tham gia tiệc trà đều phải mặc trang phục Kimono truyền thống.
 
Đối với chủ nhà, sau khi mời khách đến tham dự tiệc trà, tại ngưỡng cửa đón khách, chủ nhà sẽ mặc chiếc Tsukesage - 1 trong 8 loại Kimono truyền thống mà người Nhật thường mặc đón tiếp khách một cách nhẹ nhàng, lịch sự. Tsukesage thường được người Nhật mặc vào các buổi tiệc trà đạo, cắm hoa và đám cưới của bạn bè. Áo sẽ được trang trí bằng những hoa văn chạy dọc theo thân và lưng áo rồi gặp nhau ở đỉnh vai.
 
Trong trang phục Kimono truyền thống, tiệc trà sẽ được bắt đầu với những nghi thức đặc biệt như vệ sinh cá nhân, bài trí phòng trà, thanh tẩy dụng cụ, pha trà, thưởng thức trà... Mỗi  tiệc trà lớn thường kéo dài hơn 4 tiếng đồng hồ và khách sẽ được phục vụ những chiếc bánh ngọt xinh xắn có hình dạng và màu sắc tùy theo dịp lễ, hay mùa trong khi đợi chủ nhà pha trà. 
Phu nhân Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Thị Hiền (giữa) dự buổi trà đạo trong áo dài truyền thống Việt Nam 

 

Tuy nhiên, hiện nay, người Nhật thay đổi cách ăn mặc, cũng như do cuộc sống bận rộn, nên những người tham dự trà đạo có thể mặc trang phục bình thường, nhưng chủ nhà vẫn mặc áo Kimono để thể hiện nét truyền thống ấy. Với người Nhật, trà đạo là một hình thức uống trà để giải trí trong một bầu không gian tĩnh lặng, mà cả người chủ lẫn khách đều hướng đến sự thư giãn tinh thần và sự hòa hợp với thiên nhiên. Tinh thần của trà đạo được biết đến qua 4 chữ “Hòa, kính, thanh, tịch”.
 
Sự tương đồng trong văn hóa Việt Nam - Nhật Bản đã được thể hiện đặc sắc khi Phu nhân Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Thị Hiền mặc chiếc áo dài truyền thống của Việt Nam và dự buổi trà đạo cùng với các nghệ nhân trà đạo Nhật Bản. Sự kết hợp giữa chiếc áo dài Việt Nam với nghệ thuật trà đạo Nhật Bản đã tạo nên sự kết nối truyền thống giữa văn hóa Việt - Nhật, giống như mối quan hệ dài lâu giữa hai nước.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm