Phụ nữ Afghanistan vội vã tìm mua khăn Burqa khi Taliban trở lại

Kim Ngọc
17/08/2021 - 19:45
Phụ nữ Afghanistan vội vã tìm mua khăn Burqa khi Taliban trở lại

Nhiều phụ nữ Afghanistan vội tìm mua khăn choàng Burqa dù Taliban không đưa ra qui định bắt buộc. Ảnh: Getty

Sự trở lại nắm quyền của Taliban khiến nhiều phụ nữ Afghanistan vội vã tìm mua khăn Burqa. Nỗi lo lắng về những tiến bộ về quyền phụ nữ của nước này đạt được 20 năm qua có nguy cơ bị xóa sổ.

Cuối tuần qua, thủ đô Kabul của Afghanistan đã rơi vào tay Taliban. Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani vội vã rời khỏi đất nước đến một địa điểm không được tiết lộ. Các thành viên Taliban tiến vào phủ tổng thống, tuyên bố sẽ thành lập một "tiểu vương quốc Hồi giáo" Afghanistan. Hàng ngàn người Afghanistan cố gắng chạy trốn.

Trên thực tế, không ai sợ hãi sự trở lại của Taliban hơn phụ nữ Afghanistan. Taliban từng nổi tiếng về sự tàn bạo và khắc nghiệt trong việc áp đặt luật Hồi giáo trong 5 năm cầm quyền ở Afghanistan cho đến khi bị lật đổ vào năm 2001. 

Trong 20 năm qua kể từ khi Taliban bị lật đổ, quyền phụ nữ ở Afghanistan đã có nhiều tiến bộ. tuy nhiên, với sự trở lại năm quyền của Taliban, nhiều người lo sợ, những tiến bộ về quyền của phụ nữ đạt được thời gian qua sẽ mau chóng đổ sông đổ bể.

Sự im lặng đầy sợ hãi về Taliban

Sau khi biết tin ngài Ashraf Ghani rời Afghasnistan, Taliban chiếm dinh tổng thống, Aaisha - một người đưa tin nổi tiếng kiêm dẫn chương trình chính trị ở Afghanistan cho biết cô cảm giác những nỗ lực trong cuộc sống của mình sụp đổ chỉ trong vài giây.

"Trong nhiều năm, tôi làm công việc của một nhà báo để nâng cao tiếng nói của người Afghanistan, đặc biệt là phụ nữ Afghanistan. Nhưng giờ đây danh tính của chúng tôi đang bị hủy hoại, trong khi chúng tôi không làm gì để phải chịu đựng điều này", Aaisha nói.

Cô tiếp lời: "Trong một ngày qua, cuộc sống của chúng tôi đã thay đổi và chúng tôi bị giam cầm trong nhà, cái chết luôn đe dọa chúng tôi. Chúng tôi thấy sự im lặng đầy sợ hãi về Taliban xung quanh".

Hiện thực tàn khốc phụ nữ Afghanistan đang phải đối mặt - Ảnh 1.

Một số phụ nữ Afghanistan đang đi trên đường vào tháng 6/2021. Ảnh: Getty

Theo đó, nhiều nhà báo ở Kabul cho biết họ bị Taliban đến và đã khám xét nhà. Một nữ nhà báo giấu tên đang chạy trốn Taliban nói: "Không ai ủng hộ các nhà báo nữ ở Afghanistan. Chúng tôi sợ nếu Taliban tìm ra chúng tôi, họ sẽ giết chúng tôi. Ngay cả khi họ để chúng tôi sống, chúng tôi vẫn không thể quay lại làm việc. Điều này thực sự là một thách thức tài chính đối với một phụ nữ sống một mình như tôi".

Không biết nên ở lại hay rời đi khi Taliban trở lại

Sau khi Taliban chiếm thủ đô, hàng trăm người đổ xô đến sân bay quốc tế Kabul trong tuyệt vọng với nỗ lực chạy trốn. Massouna Tajik, 22 tuổi đang phân vân giữa việc lên máy bay đến một đất nước khác trở thành một người tị nạn hay ở lại Afghanistan dưới sự cai trị của Taliban, bỏ hết tất cả những gì đã xây dựng và đạt được trong 20 năm qua.

Mất ngủ, đói khổ và sợ hãi, Tajik dành hàng giờ đồng hồ chờ đợi chuyến bay mà cô sợ rằng sẽ không bao giờ đến với những nghi vấn chưa có câu trả lời.

"Tôi đang ở sân bay, đang đợi chuyến bay nhưng tôi không biết đi đâu. Tôi ở đây, bối rối, đói khát và tuyệt vọng. Tôi không biết điều gì đang đến? Tôi sẽ đi đâu? Tôi sẽ trải qua những ngày tháng tiếp theo như thế nào? Ai sẽ hỗ trợ gia đình tôi", Tajiknói với Associated Press qua điện thoại.

Tajik là nhà phân tích dữ liệu cho một nhà thầu Hoa Kỳ giúp đỡ các doanh nghiệp Afghanistan. Cô có tên trong danh sách sơ tán tới Hoa Kỳ hoặc Mexico, nhưng không biết thêm bất kì thông tin gì.

Vội vã tìm mua khăn Burqa

Theo The Guardian, mặc dù Taliban không đưa ra các quy định mới đối với cư dân Kabul, nhưng nhiều tay súng đã sử dụng loa tại một nhà thờ Hồi giáo ở phía tây thành phố và thông báo rằng phụ nữ nên choàng khăn Burqa che phủ toàn bộ cơ thể hoặc mang những chiếc khăn choàng toàn thân hijab.

Hiện thực tàn khốc phụ nữ Afghanistan đang phải đối mặt - Ảnh 2.

Phụ nữ Afghanistan trùm khăn Burqa, đang đi ở ngoại ô Jalalabad vào năm 2013. Ảnh: AFP

Nhiều phụ nữ ở Kabul không có khăn Burqa đã cố gắng tìm kiếm chúng. "Đối với tôi, Burqa luôn là dấu hiệu của chế độ nô lệ. Giống như một con chim bị mắc kẹt trong lồng, tôi chưa bao giờ tưởng tượng ra phải mặc chúng. Nhưng hiện tại, nếu tôi muốn sống, tôi nghĩ rằng tôi phải mang chúng", một phụ nữ tên Negin nói.

"Tôi không có khăn Burqa, không biết mua chúng ở đâu nhưng nhiều người đang tìm mua chúng. Phụ nữ mua Burqa vì nó cứu sống họ và giúp họ loại bỏ những mối đe dọa".

Lo ngại quyền phụ nữ bị đe dọa bởi những phần tử cực đoan

Fawzia Koofi, nhà hoạt động vì quyền phụ nữ, nói: "Phụ nữ ở Afghanistan là đối tượng gặp nguy hiểm nhất hoặc có nguy cơ cao nhất của đất nước". Bà lưu ý những tên tội phạm mà Taliban đã giải phóng khỏi các nhà tù để trở thành những tay súng giờ đây là một mối đe dọa, cùng với những kẻ khó chịu với việc phụ nữ trở nên có địa vị hơn trong 20 năm qua. Koofi nói rằng tương lai của phụ nữ ở Afghanistan có vẻ "đen tối".

Theo đó, trước những năm 1970, quyền của phụ nữ ở Afghanistan được cho là bắt kịp với nhiều quốc gia phương Tây khác. Phụ nữ Afghanistan có quyền bầu cử vào năm 1919, chỉ một năm sau phụ nữ ở Anh. Phân biệt giới tính được bãi bỏ vào những năm 1950, những năm 1960 hiến pháp mới cho phép phụ nữ tham gia chính trị. Từ những năm 1970 trở đi, sự bất ổn trong khu vực đã khiến những quyền này dần bị tụt lùi.

Sự cai trị của Taliban trong những năm 1990 đã khiến quyền phụ nữ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Taliban đã thực thi luật Sharia cực đoan, phụ nữ bị cấm được tiếp cận giáo dục, tham gia lực lượng lao động, ra khỏi nhà mà không có nam giới đi cùng, để lộ da ở nơi công cộng cũng như tham gia bất kỳ hoạt động chính trị nào.

Phụ nữ Afghanistan vội vã tìm mua khăn Burqa khi Taliban trở lại - Ảnh 3.

Ảnh: AFP

Thời gian 20 năm qua đã chứng kiến sự tiến bộ vượt bậc của phụ nữ ở Afghanistan. Các phong trào của phụ nữ không còn bị hạn chế về mặt pháp lý, phụ nữ không bị bắt buộc phải trùm Burqa, nhưng có thể tự do lựa chọn, nếu họ muốn. Hiến pháp năm 2003 bảo vệ quyền của phụ nữ và Hiến pháp năm 2009 đã thông qua luật Xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ. Nó đảm bảo rằng 27% trong số 250 ghế trong quốc hội Afghanistan được dành cho phụ nữ. 

Giáo dục hiện đang được mở cho phụ nữ và sự tham gia của phụ nữ đã đạt mức cao 65%, với hàng triệu trẻ em gái được đến trường và hàng nghìn nữ sinh đang học đại học. 

Khoảng 22% lực lượng lao động Afghanistan hiện nay là phụ nữ với một số người nắm giữ các vị trí quyền lực trong chính trị, tư pháp và quân đội. Có hơn 200 nữ thẩm phán ở Afghanistan. Tính đến tháng 4 năm 2021, đã có hơn 4.000 phụ nữ là thành viên cơ quan lập pháp.

Nguồn: Tổng hợp
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm