Phụ nữ các dân tộc tỉnh Yên Bái mạnh dạn khởi nghiệp

Thanh Khiết
19/10/2022 - 16:27
Phụ nữ các dân tộc tỉnh Yên Bái mạnh dạn khởi nghiệp

Chị Mai Thị Thông - xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên (ngoài cùng bên phải) giới thiệu sản phẩm thuốc nam người Dao với khách tham quan gian hàng trưng bày tại Ngày hội sáng tạo khởi nghiệp năm 2022.

Hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững được Hội LHPN tỉnh Yên Bái xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, lâu dài của Hội. Phụ nữ Yên Bái ngày càng quan tâm đến hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, ngày càng khát khao, mạnh dạn khởi nghiệp để nâng cao quyền năng kinh tế và khẳng định năng lực, vị thế của bản thân, vượt qua mọi rào cản, định kiến giới.

Những người "biến ý tưởng" thành hiện thực

Là 1 trong 5 ý tưởng được giải A tại cuộc thi "Ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp" năm 2022 do Hội LHPN tỉnh Yên Bái tổ chức, ý tưởng biến cây thuốc nam người Dao thành sản phẩm hàng hóa của chị Mai Thị Thông, thôn Tháp Cái, xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên, . 

Chia sẻ về ý tưởng này, chị Thông cho biết: "Tôi mong muốn mang giá trị của cây thuốc Nam người Dao đến với thị trường để chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho mọi người. Đối tượng chính muốn hướng tới là phụ nữ sau khi sinh; đồng thời cũng là để bảo tồn những cây thuốc quý, giúp chị em tận dụng một số cây dược liệu quý của địa phương để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo".

Thịt hun khói là sản phẩm có rất nhiều cơ sở, hộ gia đình sản xuất trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ. Song, chị Lường Thi Hoàn - thôn Đêu 2, xã Nghĩa An vẫn lựa chọn kinh doanh sản phẩm này và xây dựng một thương hiệu riêng cho mình. Ý tưởng "Sản xuất và kinh doanh thịt hun khói thương hiệu Bà Cháy" mà chị Hoàn mang tới cuộc thi đã đạt giải A. "Khi chưa có kinh nghiệm để sản xuất và kinh doanh thịt hun khói, tôi đã nhiều lần chế biến không được như mong muốn. Bằng sự kiên trì, tìm tòi và học hỏi, đến nay, tôi và gia đình đã đưa sản phẩm ra thị trường, bước đầu được nhiều người tiêu dùng tin tưởng và lựa chọn. 

Giờ đây, cơ sở sản xuất đã tạo việc làm thường xuyên cho 5 hội viên, phụ nữ. Tuy nhiên, sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ, sản phẩm chưa có thương hiệu nên chưa tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng; chưa mở rộng được thị trường. 

Vì vậy, tôi mong muốn Hội LHPN các cấp hỗ trợ kinh phí để mở rộng quy mô sản xuất và kinh doanh, tìm cách mở rộng thị trường cho sản phẩm của mình" - chị Hoàn chia sẻ.

Phụ nữ các dân tộc tỉnh Yên Bái mạnh dạn khởi nghiệp - Ảnh 1.

Chị Giàng Thị Nhà, Chủ tịch Hội LHPN xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn nhận giải đặc biệt cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp” năm 2022

Với ý tưởng "Sản xuất và phát triển sản phẩm thêu dệt thổ cẩm của đồng bào Mông", chị Giàng Thị Nhà, Chủ tịch Hội LHPN xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn đã đạt giải đặc biệt của cuộc thi năm 2022. Là người trẻ nhưng yêu văn hóa dân tộc, chị Nhà mong muốn bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc Mông phù hợp với nếp sống văn minh trong thời đại mới và đem lại thu nhập cho đồng bào Mông xã Suối Giàng. 

Nhà đã thành lập Tổ hợp tác sản xuất và thêu dệt thổ cẩm của đồng bào Mông; cùng các chị em động viên các cụ cao tuổi sưu tầm nghiên cứu kỹ thuật, các công đoạn làm vải để truyền dạy cho thế hệ trẻ; nghiên cứu nhu cầu thị trường để sản xuất nhiều loại sản phẩm có tính ứng dụng cao... 

Hiện nay, Tổ hợp tác đang làm ra các sản phẩm như váy, áo, mũ, khăn, chăn, ga gối, rèm, túi xách thêu thổ cẩm được thực hiện 100% bằng phương pháp thủ công. "Tôi rất mong muốn nhận được sự quan tâm của các cấp Hội về hỗ trợ vốn, hỗ trợ kết nối bao tiêu sản phẩm để mô hình Tổ hợp tác sản xuất và phát triển sản phẩm thêu dệt thổ cẩm dân tộc Mông có chỗ đứng vững chắc trên thị trường tỉnh Yên Bái và nhiều tỉnh khác trên địa bàn cả nước" - chị Giàng Thị Nhà cho biết. Là ý tưởng khởi nghiệp chất chứa cả tình yêu văn hóa dân tộc, ý tưởng khởi nghiệp giành giải đặc biệt trong cuộc thi năm nay trở thành nguồn động viên lớn cho chị Nhà và các chị em tiếp tục phát triển tổ hợp tác của mình.

Có thể nói, cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp nằm trong các hoạt động của Đề án 939 là một hoạt động ý nghĩa khơi dậy được tiềm năng, khát khao khởi nghiệp làm giàu chính đáng của phụ nữ các dân tộc tỉnh Yên Bái. Mỗi ý tưởng, dự án đều thể hiện bản sắc, lợi thế của các địa phương. Nhiều chị em là người dân tộc thiểu số cũng đã mạnh dạn xây dựng các ý tưởng khởi nghiệp từ những hỗ trợ của các cấp Hội.

Phụ nữ các dân tộc tỉnh Yên Bái mạnh dạn khởi nghiệp - Ảnh 2.

Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh Yên Bái thăm quan các gian hàng quảng bá, xúc tiến thương mại tiêu thụ các sản phẩm vùng miền của địa phương trong Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp năm 2022

Đồng hành với chị em khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh

Thực hiện Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, giai đoạn 2017 - 2025" (Đề án 939) của Thủ tướng Chính phủ, các cấp Hội đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ đổi mới, sáng tạo, khởi sự, phát triển kinh doanh và khởi nghiệp. 

Tiêu biểu như: Tổ chức các hoạt động Ngày phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, nâng cao năng lực kinh doanh cho phụ nữ có ý tưởng khả thi, nữ chủ doanh nghiệp, thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác mới thành lập; phối hợp hỗ trợ thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ; phối hợp tổ chức các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm, tháo gỡ khó khăn trong khởi sự, khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp; chủ động khai thác các nguồn lực tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ, giúp hội viên có ý tưởng khởi nghiệp được tiếp cận các nguồn lực về vốn, pháp lý, khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại, xây dựng nhãn hiệu, sản phẩm OCOP… 

Bằng nhiều giải pháp hữu hiệu, đến nay, nhiều phụ nữ có ý tưởng khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp được Hội giúp đỡ và khởi nghiệp thành công. Đặc biệt, các cấp Hội đã tuyên truyền, vận động, hỗ trợ thành lập mới 29 doanh nghiệp; 35 hợp tác xã, 671 tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ... góp phần nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ theo tinh thần nghị quyết đại hội phụ nữ các cấp đề ra.

Cuộc thi "Ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp" là một trong những hoạt động quan trọng của Hội LHPN tỉnh nhằm thực hiện có hiệu quả Đề án 939, nhằm phát hiện và hỗ trợ hiện thực hóa các dự án, ý tưởng khởi nghiệp của chị em phụ nữ trong tỉnh. Trong 4 năm qua, cuộc thi đã nhận được trên 80 ý tưởng, dự án trên nhiều lĩnh vực và thuộc nhiều đối tượng khác nhau tham dự ở tỉnh và ở Trung ương. Thông qua cuộc thi mong muốn tìm kiếm các ý tưởng để hỗ trợ hiện thực hóa phát triển sản phẩm truyền thống, sản phẩm OCOP của tỉnh và sẽ là nguồn để Hội LHPN tỉnh tiếp tục giới thiệu tham gia cuộc thi do Trung ương Hội tổ chức.

Trong số 26 ý tưởng, dự án dự thi của năm 2022, có nhiều đề án, ý tưởng là của hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ kinh doanh; đặc biệt là có các ý tưởng đã tham gia Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP), đạt chuẩn từ 3 sao. Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Bích Nhiệm khẳng định: "Điều đó cho thấy rằng, các chị em đang ngày càng quan tâm đến hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của các cấp Hội cũng như thể hiện mạnh mẽ rằng phụ nữ trong tỉnh ngày càng khát khao, mạnh dạn khởi nghiệp để nâng cao quyền năng kinh tế và khẳng định năng lực, vị thế của bản thân, vượt qua mọi rào cản, định kiến giới".


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm