pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phụ nữ cần khẳng định 'chỗ đứng', tham gia sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị
Thực tế hiện nay, phụ nữ có đóng góp rất quan trọng trong tổng thu nhập hộ (58%) và tham gia vào quyết định các hoạt động sinh kế trong gia đình. Số doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ của Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực bán buôn và bán lẻ (55%), tiếp theo là công nghiệp chế biến, chế tạo (15%); xây dựng (7%); và vận tải kho bãi (7%). Vì thế phụ nữ ngày nay cần liên kết chặt chẽ với nhau để cùng phát triển.
GS.TS. Nguyễn Phú Son, trường Đại học Cần Thơ, cho rằng: Liên kết là cả một quá trình, không nên làm theo phong trào. Trong liên kết phải nêu cao chữ tín; không thể tồn tại bền vững nếu làm theo kiểu ăn xổi ở thì. Các đơn vị trong chuỗi liên kết phải tạo dựng được niềm tin, thông tin phải minh bạch giữa doanh nghiệp và nông dân sản xuất.
Theo nhiều chuyên gia, hoạt động sản xuất hàng hóa trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay còn không ít bất cập; đặc biệt là các hộ gia đình, tổ hợp tác còn hạn chế trong nhận thức về an toàn thực phẩm. Tình trạng mua, bán, sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc trong sản xuất, bảo quản, chế biến thực phẩm, việc sử dụng chất cấm, chất kháng sinh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm còn xảy ra.
Tại diễn đàn về kinh doanh thực phẩm an toàn và kết nối sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản của chuỗi được tổ chức mới đây, ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, cho biết: Nhu cầu và đòi hỏi với hàng hóa của người tiêu dùng, đặc biệt là nông sản an toàn ngày càng khắt khe hơn. Hà Nội với khoảng 10 triệu dân, có nhu cầu rất lớn về lương thực, thực phẩm an toàn, chất lượng cao.
Tuy vậy, sự liên kết, kết nối giữa các cơ sở, đơn vị sản xuất với các doanh nghiệp phân phối hiện nay vẫn còn những hạn chế, chưa được thực hiện thường xuyên. Mạng lưới phân phối lớn nhưng người nông dân vẫn khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm; Sự liên kết, kết nối giữa cơ sở, đơn vị sản xuất với doanh nghiệp phân phối chưa được thực hiện thường xuyên; Người tiêu dùng Thủ đô, đặc biệt là hội viên phụ nữ - những người quyết định bữa ăn gia đình, còn hạn chế trong việc tiếp cận các sản phẩm nông sản theo chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn.
Sản xuất nông nghiệp của Hà Nội hiện mới đáp ứng khoảng 60% nhu cầu; cụ thể như thịt gà Hà Nội mới sản xuất được khoảng 60% nhu cầu; gạo đáp ứng 35%; thịt bò 15%; thủy, hải sản đáp ứng 40%; rau củ quả đáp ứng 65%... Số còn lại phải nhập từ các tỉnh, thành phố khác và nhập khẩu. Đây chính là dư địa để đẩy mạnh việc hợp tác, phát triển sản xuất nông nghiệp, trao đổi sản phẩm nông sản giữa Hà Nội với các địa phương và giữa Hà Nội với các nước. Đồng thời tăng cường liên kết sản xuất theo chuỗi của các hội viên, phụ nữ tăng cường kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Bà Phạm Thị Tố Oanh, Trưởng Ban Chính sách và phát triển hợp tác xã, Liên minh hợp tác xã Việt Nam, cho rằng: Xây dựng thương hiệu trong quá trình liên kết sản xuất, cạnh việc làm thương hiệu và truy xuất nguồn gốc rất quan trọng khi bán sản phẩm thị trường. Ngoài sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap thì hướng đến GlobalGAP, sản xuất hữu cơ… các hợp tác xã cần định hướng cho vùng đó sản xuất sản phẩm sạch gì? Các hộ liên kết với nhau thì mới tạo ra những sản phẩm đồng nhất về chất lượng, tạo giá trị thành công".