Phụ nữ chủ động ứng phó với mùa mưa bão 2020

Trần Hiếu
28/07/2020 - 17:49
Phụ nữ chủ động ứng phó với mùa mưa bão 2020

Bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa, tan hoang sau cơn lũ tháng 8/2019

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong năm 2020, cả nước có khoảng 5-6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Hội LHPN nhiều địa phương đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương lên các phương án sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra.

Theo thống kê của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Thanh Hóa, từ đầu năm 2020 tới nay, thiên tai đã làm 7 ngôi nhà bị thiệt hại hoàn toàn, 909 nhà bị thiệt hại một phần.

Để triển khai ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chuẩn bị các phương án, kịch bản và sẵn sàng về lực lượng, vật tư, phương tiện, dự trữ thiết yếu. Đồng thời, kiểm tra, rà soát hệ thống đê điều, hồ đập, công trình phòng, chống sạt lở, tiêu thoát nước, sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn cho người và tài sản tại các khu vực dân cư có nguy cơ rủi ro cao. Tỉnh cũng tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ". Ngành nông nghiệp tỉnh đã điều chỉnh cơ cấu cây trồng, mùa vụ, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp phù hợp với đặc điểm từng vùng.

Chị Đào Thị Sen (xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) cho biết, Vĩnh Hòa là một trong những địa phương thường bị ảnh hưởng của thiên tai. Để ứng phó với mưa bão, gia đình chị đã chằng chống nhà cửa, chuẩn bị củi khô, gạo, vài can nước sạch, đặc biệt là hóa chất khử trùng. "Nhà tôi thường bị ảnh hưởng do thiên tai, ngập úng. Vì thế, năm nay tôi chuẩn bị sẵn các nhu yếu phẩm đủ để dùng trong những ngày mưa lũ", chị Sen chia sẻ.

Phụ nữ chủ động ứng phó với mùa mưa bão 2020 - Ảnh 1.

Mưa lớn trong 2 ngày 24 & 25/6 vừa qua gây ngập lụt tại thị trấn Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng

Cao Bằng là tỉnh miền núi cũng chịu ảnh hưởng của nhiều loại hình thiên tai. Theo báo cáo của UBND tỉnh Cao Bằng, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 16 đợt thiên tai làm 3 người chết, 2 người bị thương; 6.343 nhà ở bị thiệt hại, 14 tuyến giao thông liên xã, xóm bị sạt lở nhiều điểm, mặt đường bị xói trôi... Tổng giá trị thiệt hại 65 tỷ đồng.

Để chủ động ứng phó với thiên tai, UBND tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo chính quyền địa phương di dời các hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở đất, vùng thường xảy ra lũ quét. Công tác phòng tránh thiên tai cũng được thực hiện theo phương châm "4 tại chỗ", các công trình kè chống sạt lở, đập, hồ chứa nước được kiểm tra, rà soát thường xuyên. Tỉnh cũng xây dựng và củng cố lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai ở cơ sở; tăng cường công tác tập huấn, diễn tập, truyền thông, tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai.

Hướng dẫn cách ứng phó với thiên tai qua những buổi sinh hoạt

Bà Ngô Thị Hồng Hảo, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa, cho biết, phụ nữ, trẻ em là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi thiên tai. Vì vậy, trước mùa mưa bão hàng năm, các cấp Hội trong tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương lên các phương án sẵn sàng đối phó. Theo đó, Hội LHPN các cấp đã tổ chức tuyên truyền về cách ứng phó với thiên tai lồng ghép trong những buổi sinh hoạt. Cán bộ Hội tới từng hộ gia đình để tuyên truyền, phát tờ rơi nhằm phổ biến những biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong mùa mưa lũ; cùng các cấp chính quyền đến nhà người dân kiểm tra công tác chuẩn bị, chằng chống nhà cửa, khuyến cáo người dân chuẩn bị sẵn thực phẩm khô, có thể để lâu.

Hội cũng đã lên các phương án nếu địa phương xảy ra thiên tai. Theo đó, sau thiên tai, Hội vận động cán bộ hội viên đến thăm hỏi, chia sẻ, giúp đỡ những gia đình bị ảnh hưởng do mưa bão, hỗ trợ ngày công. Ngoài ra, Hội cũng phối hợp với cán bộ y tế cấp phát phèn chua, Cloramin B, Crerin, thuốc trị nước ăn chân, thuốc nhỏ mắt và hóa chất diệt ruồi muỗi nhằm hạn chế nguy cơ dịch bệnh lây lan...

Còn theo bà Nông Thị Tuyết, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Cao Bằng, công tác phối hợp giữa các đơn vị, ban, ngành địa phương phổ biến, tuyên truyền cho người dân chủ động phòng, chống thiên tai rất được chú trọng. Tại những nơi thường xảy ra lũ quét, sạt lở đất, Hội phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền người dân di dời đến nơi an toàn. "Ngoài ra, để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về hoa màu, trước mùa mưa lũ, Hội phối hợp với chính quyền chủ động thông báo cho người dân sản xuất và thu hoạch hoa màu đúng lịch thời vụ, không sản xuất vụ mùa ở các khu vực trũng, thường xuyên ngập úng. Tại nhiều nơi ở Cao Bằng, Hội LHPN đã thành lập các tổ, đội để sẵn sàng hỗ trợ người dân, phụ nữ bị ảnh hưởng do thiên tai", bà Nông Thị Tuyết cho biết.

Theo ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), trong 6 tháng đầu năm, trên cả nước, thiên tai đã làm 47 người chết, 130 người bị thương; 1.765 nhà sập, 59.961 nhà bị hư hại, tốc mái; 108.458ha lúa và hoa màu bị ảnh hưởng. Tổng thiệt hại do thiên tai ước tính 3.383 tỷ đồng.
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm