Phụ nữ Đắk Lắk sát cánh với Bộ đội Biên phòng đồng hành cùng phụ nữ biên cương

HKD (thực hiện)
19/08/2023 - 14:47
Phụ nữ Đắk Lắk sát cánh với Bộ đội Biên phòng đồng hành cùng phụ nữ biên cương

Bà Tô Thị Tâm, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk

Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2021 - 2025 được phối hợp giữa Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh tại 4 xã biên giới đã từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho phụ nữ vùng biên.

Bà Tô Thị Tâm, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk, khẳng định, chương trình là động lực quan trọng để chị em động viên gia đình, người thân tiếp tục nêu cao ý thức, trách nhiệm, sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền, lực lượng biên phòng bảo vệ vững chắc vùng biên cương của Tổ quốc. 

Để hiểu hơn về những kết quả đạt được, Báo PNVN đã có cuộc trao đổi với bà Tô Thị Tâm về chương trình.

PV: Thưa bà, trong những năm qua, chương trình phối kết hợp giữa Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã được triển khai như thế nào?

Bà Tô Thị Tâm: Thực hiện chương trình phố hợp giữa 2 đơn vị, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh ký kết, ban hành kế hoạch phối hợp về tổ chức thực hiện Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương", giai đoạn 2021-2025. Chỉ đạo các cấp Hội phụ nữ trực thuộc triển khai, thực hiện chương trình phù hợp với tình hình thực tế: tiếp tục khai thác tối đa Cổng thông tin của Hội, các trang Zalo, Facebook, áo truyền thông in logo "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương"… nhằm chuyển tải thông điệp, quảng bá, tạo sự lan tỏa đến cán bộ, hội viên, phụ nữ về mục đích, ý nghĩa của chương trình đến với cộng đồng xã hội. 

Bên cạnh đó, hai đơn vị tích cực huy động các nguồn lực xã hội chung tay góp sức thực hiện có hiệu quả chương trình. Các cấp Hội trong tỉnh đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương cùng cấp tích cực khai thác, vận động các nguồn vốn từ các chương trình, đề án, dự án của Hội, của các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh và vận động hội viên, phụ nữ trong toàn tỉnh hỗ trợ phụ nữ vùng biên cương nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về sinh kế, vốn vay khởi nghiệp. 

Hàng năm, các Cụm thi đua được phân công phụ trách đã đồng hành cùng Hội LHPN 4 xã biên giới tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm nâng cao nhận thức, đời sống vật chất tinh thần cho phụ nữ, trẻ em nghèo, như "Trao yêu thương về biên cương", "Nắng ấm biên cương", "Tết biên phòng ấm lòng dân bản", "Xuân biên giới", "Ngày hội bánh chưng xanh", "Gian hàng 0đ", "Nâng bước em tới trường - Con nuôi Đồn biên phòng", Ngày hội khởi nghiệp "Chợ vùng biên"...

Phụ nữ Đắk Lắk sát cánh với Bộ đội Biên phòng đồng hành cùng phụ nữ biên cương - Ảnh 1.

Tặng quà cho phụ nữ vùng biên có hoàn cảnh khó khăn

PV: Sau 3 năm thực hiện, kết quả của chương trình ra sao?

Bà Tô Thị Tâm: Hội LHPN tỉnh và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã phối hợp chỉ đạo Hội LHPN các huyện và các đồn Biên phòng vận động cán bộ, chiến sĩ, hội viên, phụ nữ và cộng đồng phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái. Các cấp Hội đã tổ chức tư vấn được 12 buổi/156 hội viên của, thôn, buôn các xã biên giới, với các nội dung: Chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và trẻ em gái, các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, phòng tránh nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, phòng chống bạo lực gia đình, chăm sóc sức khoẻ sinh sản, vệ sinh môi trường, chăm sóc phụ nữ và trẻ em gái… tiến hành đối thoại, chia sẻ kinh nghiệm và khảo sát để có kế hoạch hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế.

Tỉnh Đắk Lắk có đoạn biên giới dài 71,972 km, tiếp giáp với tỉnh Mondulkiri, Vương quốc Campuchia; khu vực biên giới (KVBG) của tỉnh gồm 4 xã (38 thôn, buôn) thuộc 2 huyện Ea Súp và Buôn Đôn, có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; có 26 dân tộc anh em sinh sống, với tổng dân số 6.720 hộ; dân tộc Kinh chiếm 60,7%, dân tộc thiểu số chiếm 39,3%, tổng số hội viên phụ nữ là 3.346; có 7 đồn biên phòng và 1 Tiểu đoàn HL-CĐ đóng quân ở khu vực biên giới.

Các cấp Hội vận động các nhà hảo tâm, hội viên, phụ nữ phối hợp với đồn biên phòng tổ chức trao 28 mô hình sinh kế cho 28 hội viên phụ nữ nghèo xã biên giới (vượt chỉ tiêu đề ra). Đồng thời, hướng dẫn hội viên, phụ nữ tiếp tục duy trì hiệu quả các mô hình sinh kế đang hoạt động có hiệu quả tại địa bàn để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Hỗ trợ 14 lượt phụ nữ vay vốn từ quỹ "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" với mức vay tối đa 20.000.000 đồng/chị; tín chấp với các tổ chức tín dụng, khai thác nguồn vốn từ các chương trình, đề án hỗ trợ 13 chị vay vốn khởi nghiệp với tổng số 221 triệu đồng để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống; ra mắt mô hình "Tín dụng tiết kiệm tự quản" nhằm tạo thói quen trong quản lý, sử dụng tài chính cho phụ nữ dân tộc thiểu số vùng biên giới.

Phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức 11 lớp dạy nghề cho 347 chị, giới thiệu việc làm cho 155 chị. Các hoạt động của Hội đã góp phần quan trọng giúp cho phụ nữ nghèo vùng biên có sinh kế ổn định, vươn lên trong cuộc sống.

Phụ nữ Đắk Lắk sát cánh với Bộ đội Biên phòng đồng hành cùng phụ nữ biên cương - Ảnh 3.

Khám chữa bệnh cho phụ nữ các xã vùn biên giới tỉnh Đắk Lắk

Phối hợp chặt chẽ với các đồn Biên phòng, các ban, ngành, đoàn thể địa phương tích cực vận động các nguồn lực hỗ trợ thực hiện các mô hình sinh kế bền vững cho phụ nữ nghèo, các mô hình phát triển kinh tế - xã hội như: Trao vốn khởi nghiệp cho hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn; tư vấn, chăm sóc sức khỏe; xây dựng nhà ở cho phụ nữ nghèo. Tích cực hưởng ứng "Tháng cao điểm nhắn tin ủng hộ Chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương"…, vận động tham gia nhắn tin ủng hộ Chương trình huy động sự đóng góp của cộng đồng chung tay vì phụ nữ nghèo biên giới…, góp phần giúp hội viên, phụ nữ, nhân dân từng bước thay đổi nhận thức, cách nghĩ, cách làm trong việc chuyển đổi giống vật nuôi, cây trồng, nhất là vật nuôi, cây trồng bản địa, có giá trị kinh tế cao để tăng năng suất lao động, phát triển kinh tế hộ gia đình, tạo công ăn, việc làm cho người dân, thúc đẩy sự phát triển bền vững trong sản xuất nông nghiệp.

Hội LHPN tỉnh phối hợp tổ chức 6 lớp tập huấn về kỹ năng tuyên truyền, vận động, nghiệp vụ công tác Hội và 2 Đề án 938 và 939 cho 100% Chủ tịch, Phó Chủ tịch, các Chi/tổ Hội của 4 xã; truyền thông, tư vấn pháp luật cho 350 cán bộ Hội, hội viên, phụ nữ và các Tổ trưởng, Tổ hòa giải ở cơ sở, Ban Chủ nhiệm các mô hình, câu lạc bộ, 4/4 xã biên giới tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, đồng diễn áo dài, đồng diễn dân vũ thể dục thể thao nhân các ngày lễ lớn của đất nước, của Hội nhằm cải thiện đời sống tinh thần và thu hút, tập hợp phụ nữ tham gia vào tổ chức Hội; hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng và ra mắt CLB "Nhảy sạp" với 22 thành viên tại Chi hội thôn Nhạp, xã Ia Lốp; duy trì các CLB "phụ nữ vui khoẻ", Câu lạc bộ "Phụ nữ khoẻ đẹp" và Câu lạc bộ "Bước chân duyên dáng".

PV: Trong quá trình thực hiện, các cấp Hội đã tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng các hoạt động vào việc chăm lo lợi ích thiết thực của phụ nữ vùng biên ra sao?

Bà Tô Thị Tâm: Các cấp Hội đã tích cực hướng các hoạt động vào việc chăm lo lợi ích thiết thực của phụ nữ vùng biên; tập trung xây dựng các mô hình tập hợp, thu hút hội viên như: Phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc", "Phụ nữ sản xuất kinh doanh giỏi",v"Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế"; Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch"; phát triển và nhân rộng mô hình "Giáo dục phòng chống suy dinh dưỡng cho bà mẹ có con suy dinh dưỡng" gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam. 

Phụ nữ Đắk Lắk sát cánh với Bộ đội Biên phòng đồng hành cùng phụ nữ biên cương - Ảnh 4.

Hội LHPN Đắk Lắk biểu dương "Mẹ đỡ đầu" tiêu biểu năm 2023

Song song với việc chăm lo đời sống, phát triển kinh tế, Hội còn chú trọng xây dựng lực lượng hội viên nòng cốt; phối hợp xây dựng, củng cố đội ngũ cán bộ Hội cơ sở và chăm lo phát triển hội viên mới đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; tham mưu công tác đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý ở địa phương có cơ cấu hợp lý trong cấp ủy, chính quyền. Phát huy vai trò của cán bộ BĐBP tăng cường giữ chức danh phó bí thư đảng ủy xã, đảng viên tham gia sinh hoạt chi bộ thôn, buôn các xã biên giới trong tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền địa phương củng cố, kiện toàn các cấp Hội phụ nữ đảm bảo số lượng, chất lượng, hoạt động có nề nếp. Mở các lớp tập huấn, diễn đàn, giao lưu học hỏi kinh nghiệm, trao đổi, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của hội viên phụ nữ; tham gia các tổ hòa giải ở thôn, buôn để giải quyết kịp thời những vấn đề bất cập nảy sinh trong hội viên phụ nữ.

PV: Xin bà cho biết, bên cạnh việc chú trọng công tác phối hợp trong đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động thì công tác an sinh xã hội đã có những bước tiến triển như thế nào?

Bà Tô Thị Tâm: Hai ngành đã phối hợp chặt chẽ, tham mưu cho các cấp, các ngành thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, mô hình phát triển kinh tế - xã hội, giúp nhân dân và hội viên phụ nữ giảm nghèo bền vững, thực hiện chính sách an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân ở địa bàn biên giới, như: Mô hình "Ánh sáng vùng biên", "Tiếng loa Biên phòng"; Chương trình "Xuân Biên phòng - Ấm lòng dân bản", "Tết vì người nghèo", "Xuân ấm áp, Tết sum vầy", "Trung thu cho em", "Mái ấm cho phụ nữ nghèo nơi biên giới", duy trì hoạt động hiệu quả các trạm quân, dân y chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Trong thời gian qua, Hội LHPN và BĐBP tỉnh đã phối hợp vận động cán bộ chiến sĩ, hội viên hội phụ nữ, các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng 22 công trình vệ sinh, 1 công trình nước sạch, 1 công trình "Giếng nước biên cương", 3 mái ấm biên cương, cùng hàng nghìn phần quà hỗ trợ, động viên gia đình hội viên, phục nữ, trẻ em nghèo, gia đình chính sách…

Đặc biệt, trong công tác phòng, chống dịch Covid -19, Hội đã chỉ đạo các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh, đặc biệt là Hội Phụ nữ Công an, Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự và Hội phụ nữ Biên phòng tỉnh vận động các phần quà, nhu yếu phẩm với tổng giá trị tiền hơn 550.000.000đ để hỗ trợ, tặng nhân dân và các lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ trên tuyến đầu phòng chống dịch và đóng chốt trên biên giới vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, chung tay bảo vệ vững chắc đường biên, mốc giới và chung sức đồng lòng, quyết tâm phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Thực hiện chương trình "Mẹ đỡ đầu" do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động, Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh đã nhận đỡ đầu 8 em có hoàn cảnh khó khăn, mô côi cha, mẹ. Qua các hoạt động, tổng trị giá các nguồn vận động hỗ trợ phụ nữ xã biên giới 4 tỉ 245 triệu 885 ngàn đồng…

Cấp ủy, chỉ huy các cấp trong BĐBP tỉnh cũng đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, giáo dục, y tế; nhất là các Đề án của Chính phủ về "Xoá mù chữ"; "Đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập"; duy trì hiệu quả Chương trình "Nâng bước em tới trường - Con nuôi Đồn Biên phòng", triển khai Dự án "Cán bộ, chiến sỹ Quân đội nâng bước em tới trường"; chú trọng tham mưu xây dựng, công nhận "Gia đình văn hóa", "Thôn, buôn văn hóa"; đẩy mạnh công tác thông tin - truyền thông, vận động hội viên, nhân dân, đồng bào các dân tộc thực hiện nếp sống có văn hóa, vệ sinh phòng dịch, bài trừ hủ tục, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, giữ gìn bản sắc văn hóa ở khu vực biên giới; tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ tham gia công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập... góp phần nâng cao trình độ dân trí, chất lượng cuộc sống của nhân dân ở khu vực biên giới.

Phụ nữ Đắk Lắk sát cánh với Bộ đội Biên phòng đồng hành cùng phụ nữ biên cương - Ảnh 5.

Gặp mặt, giao lưu, tặng quà cho các con đỡ đầu của Hội

PV: Ở giai đoạn tiếp theo đến năm 2025, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương"của hai đơn vị là gì?

Bà Tô Thị Tâm: Từ nay đến năm 2025, Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương"phối hợp giữa Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tiếp tục tập trung vào 5 nhiệm vụ trọng tâm đó là:

Tiếp tục phối hợp chỉ đạo các cấp Hội, các Đồn Biên phòng tổ chức các hoạt động truyền thông về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, kiến thức về chăm sóc sức khỏe, nuôi dạy con, tổ chức tốt cuộc sống gia đình; tham gia phòng, chống, giải quyết một số vấn đề xã hội bức xúc liên quan đến phụ nữ và trẻ em thường xảy ra ở địa bàn biên giới, nhất là vấn đề vượt biên trái phép, buôn người, tội phạm ma túy, bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em gái.

Tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả mô hình sinh kế phát triển bền vững; mô hình tín dụng, tiết kiệm tạo thói quen trong quản lý, sử dụng tài chính cho phụ nữ dân tộc thiểu số xã biên giới.

Tiếp tục nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của tổ chức Hội phụ nữ ở cơ sở vùng biên giới; hướng dẫn kỹ năng tổ chức, điều hành, sinh hoạt và triển khai công tác Hội cho đội ngũ cán bộ Hội cơ sở.

Tiếp tục vận động, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình bình đẳng, hạnh phúc bền vững.

Tiếp tục phối hợp vận động nguồn lực tổ chức các hoạt động an sinh xã hội tại các xã biên giới; đẩy mạnh các hoạt động giúp các hộ nghèo, cận nghèo do phụ nữ làm chủ hộ ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm