Phụ nữ dân tộc Mông địu con mới 9 tháng tuổi tới lớp học xóa mù chữ

Kim Ngân
25/05/2025 - 11:02
Phụ nữ dân tộc Mông địu con mới 9 tháng tuổi tới lớp học xóa mù chữ

Nhờ các lớp học do BĐBP tổ chức, hàng nghìn phụ nữ đã biết chữ, có cơ hội phát triển bản thân. Ảnh: Hải Thượng

Do điều kiện kinh tế quá khó khăn, cùng những định kiến và sự bất bình đẳng giới, nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số vùng biên giới không được học hành dẫn tới "3 không": không biết đọc, không biết viết, không biết nói tiếng Việt.

Xuất phát từ thực tế đó, lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã phối hợp với ngành giáo dục các địa phương biên giới mở hàng nghìn lớp học xóa mù chữ giúp phụ nữ nghèo có cơ hội phát triển bản thân, nâng cao chất lượng sống.

Hình ảnh khiến tôi ấn tượng nhất trong lần thăm lớp học xóa mù chữ ở bản Pu Hao, xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La do Đồn Biên phòng Mường Lạn tổ chức là một phụ nữ trẻ địu con đi học. Tất cả học viên trong lớp đều là phụ nữ người dân tộc Mông. Một số chị em đi học có con đi cùng, nhưng đặc biệt nhất là chị Giàng Thị Sồng với cậu con trai mới 9 tháng tuổi. Chị Sồng cặm cụi viết chữ rồi cùng cả lớp đồng thanh đánh vần từng con chữ trong khi con trai chị say giấc nồng trên lưng. Cán bộ Biên phòng đứng lớp chia sẻ, chị Sồng thường xuyên địu con đi học.

Chị Sồng mới 20 tuổi nhưng đã có 2 con, một bé 2 tuổi và một bé 9 tháng tuổi. Chồng chị luôn động viên chị đi học nhưng không thể trông cả hai nên đêm nào đi học chị cũng phải địu con theo. "Bé rất ngoan, ít khuấy khóc, có khi ngủ cả buổi trên lưng tôi vì thế tôi vẫn học bài được"- chị Sồng chia sẻ.

Cũng như nhiều phụ nữ khác ở xã Mường Lạn, do hoàn cảnh gia đình đông con, thiếu ăn, thiếu mặc, chị Sồng không được đi học. Hơn 20 mùa xuân trôi qua, ước mơ biết đọc, biết viết lúc nào cũng thôi thúc chị. Cơ hội mở ra khi Đồn Biên phòng Mường Lạn - BĐBP Sơn La mở lớp xóa mù chữ, chị quyết định xin tham gia dù con còn rất nhỏ.

Chị Sồng tâm sự: "Không biết chữ rất vất vả. Tôi muốn đi học để biết đọc, biết viết, mở mang hiểu biết. Khi biết chữ, tôi sẽ đọc được hướng dẫn sử dụng thuốc cho con mỗi khi con bị ốm, biết xem hạn dùng các loại thực phẩm, đồ dùng trong gia đình".

Một hình ảnh khác khiến tôi ấn tượng không kém là người phụ nữ khoảng 30 tuổi với những miếng cao dán to trên trán và thái dương. Đó là chị Giàng Thị Dế ở bản Phá Thóng, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp. 7 giờ tối mới đến giờ học nhưng chị Dế đến từ rất sớm để tranh thủ chép bài.

Hỏi chuyện mới biết, mấy hôm vừa rồi, nhà chị có việc bận nên chị không thể đến lớp. Hôm nay mặc dù rất mệt nhưng chị vẫn cố gắng đi học vì không muốn bỏ lỡ thêm buổi học nào nữa.

Chị Dế chia sẻ: "Trước kia, đời sống của gia đình tôi khó khăn. Hồi đó không có đường, không có điện, không có trường nên tôi và mọi người không có điều kiện học hành đầy đủ. Không biết chữ giống như người không có mắt vậy. Đi bệnh viện, bác sĩ bảo ký tên mình không biết viết như thế nào nên rất xấu hổ. Bác sĩ hướng dẫn sang phòng nọ phòng kia, mình cũng không biết đọc biển tên nên toàn đi nhầm. Vì thế khi bộ đội thông báo mở lớp học chữ, tôi đăng ký tham gia ngay".

Cũng theo chị Dế, điều khiến chị thích đến lớp là các thầy giáo Biên phòng chỉ dạy rất tận tâm và dễ hiểu. "Thầy giáo Biên phòng dạy dễ hiểu lắm. Trước đây, mình không biết phân biệt chữ "n" với chữ "m", thầy bảo chữ "n" nó có hai chân còn chữ "m" thì có ba chân, từ đó, mình không bao giờ nhầm lẫn hai chữ đó nữa. Nhờ thầy giáo Biên phòng mà mình học chữ nhanh hơn, nói chuyện được với nhiều người hơn", chị Dế tâm sự.

Hình ảnh của chị Dế và chị Sồng cho thấy khát khao được đi học để biết con chữ luôn thường trực trong những người phụ nữ Mông mù chữ. Họ đã gạt bỏ mặc cảm, tự ti để đi tìm con đường mang đến ánh sáng cho mình. Thấu hiểu mong ước chính đáng đó, BĐBP đã và đang tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương và ngành giáo dục mở các lớp xóa mù chữ trên dọc đường biên Tổ quốc.

Hiện nay, các đơn vị Biên phòng đang nuôi dưỡng và đỡ đầu hàng nghìn học sinh có hoàn cảnh khó khăn để các em có điều kiện học hành đầy đủ. Ảnh: Bích Nguyên

Hiện nay, các đơn vị Biên phòng đang nuôi dưỡng và đỡ đầu hàng nghìn học sinh có hoàn cảnh khó khăn để các em có điều kiện học hành đầy đủ. Ảnh: Bích Nguyên

Trên tuyến biên giới Hà Giang, những ngày cuối tháng 4, các xã biên giới Na Khê, Bạch Đích, Thắng Mố, Phú Lũng của huyện Yên Minh đã đồng loạt khai giảng các lớp xóa mù chữ cho người dân. Đối tượng tham gia lớp học chủ yếu là người già, phụ nữ chưa biết chữ từ 15 đến 60 tuổi.

Công tác tổ chức lớp học được các đồn Biên phòng phối hợp với ngành giáo dục thực hiện rất bài bản. Đầu tiên là rà soát, thống kê số người chưa biết chữ. Trên cơ sở khảo sát thực tế, BĐBP cùng công an xã, chính quyền địa phương đến từng họ để vận động, đồng thời khảo sát địa điểm và cơ sở vật chất để mở lớp. Tiêu chí đặt ra là địa điểm mở lớp phải thuận tiện cho người dân, đảm bảo ánh sáng và cơ sở vật chất thiết yếu. Để phù hợp với thói quen sinh hoạt và lao động của người dân, các lớp học đều được tổ chức vào buổi tối. Những người lính Biên phòng có trách nhiệm đôn đốc, giúp đỡ học viên tới học.

Thực hiện chủ trương xóa mù chữ, phổ cập giáo dục, huyện Yên Minh đã rà soát được 507 đối tượng mù chữ mức độ 1. Đến nay, khai giảng được 16 lớp với 372 học viên tham gia.

Không chỉ Yên Minh, các huyện khác của tỉnh Hà Giang cũng đã tiến hành mở các lớp xóa mù chữ theo kế hoạch thực hiện công tác xóa mù chữ tại khu vực biên giới năm 2025. Số liệu thống kê cho thấy, tính đến ngày đến 19/5/2025, toàn tỉnh Hà Giang đã mở và tổ chức khai giảng được 65 lớp xóa mù chữ với gần 1.500 học viên tham gia.

Còn tại biên giới Nghệ An, thời điểm này, đêm đêm, các lớp học của các "Thầy giáo quân hàm xanh" vẫn sáng đèn. Lớp học mới nhất được khai giảng ngày 9/5/2025 trên địa bàn Đồn Biên phòng Tri Lễ với mục tiêu xóa mù chữ cho 11 phụ nữ người dân tộc Mông ở bản Piêng Vai, xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn. Theo chương trình, khóa học kéo dài 1 năm do các cán bộ Đồn Biên phòng Mỹ Lý và nhà trường trực tiếp lên lớp, giảng dạy. Chương trình học gồm 2 môn Toán và Tiếng Việt. Lớp học được mở nhằm giúp đỡ đồng bào, nhất là phụ nữ dân tộc Mông tại bản Piêng Vai biết đọc, biết viết, tính toán, góp phần nâng cao kiến thức, thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở địa bàn khu vực biên giới.

Thiếu tá Nguyễn Xuân Hóa, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Mỹ Lý cho biết: Theo kế hoạch tổ chức lớp học, để không ảnh hưởng nhiều đến lao động sản xuất và sinh hoạt của bà con, lớp được tổ chức học tập vào các tối từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

Chung tay cùng ngành giáo dục thực hiện chương trình phổ cập giáo dục, từ năm 2019 đến năm 2024, các đơn vị Biên phòng đã xóa mù chữ cho 2.737 học viên và phổ cập giáo dục cho 3.308 học viên, phần lớn là phụ nữ các dân tộc thiểu số. Đồng thời vận động 16.688 học sinh bỏ học trở lại trường...

Song song với việc dạy chữ, những người lính quân hàm xanh còn lồng ghép tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hướng dẫn các học viên áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt để phát triển kinh tế, tích cực cùng với BĐBP tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Cùng với công tác xóa mù chữ, BĐBP cũng triển khai chương trình "Nâng bước em tới trường, con nuôi Đồn Biên phòng" nhằm đỡ đầu các em học sinh nghèo, học sinh mồ côi, học sinh có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội tiếp tục được học tập.

Hiện nay, các đơn vị Biên phòng đang đỡ đầu, giúp đỡ 2.844 cháu học sinh nghèo ở khu vực biên giới (trong đó có 87 cháu học sinh nước bạn Lào và 99 cháu học sinh Campuchia) với mức hỗ trợ 500.000 đồng/cháu/tháng; nhận nuôi dưỡng 354 cháu học sinh tại các đồn Biên phòng. Ngoài ra, thực hiện Dự án "Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường", các đơn vị nhận nuôi 400 cháu, nhận hỗ trợ 5.437 học sinh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm