Sáng 17/7, tại tỉnh Bắc Kạn, 46 nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số đã gặp gỡ, kết nối với đại diện các tổ chức Chính phủ, phi Chính phủ và doanh nghiệp nhằm nắm bắt các cơ hội ứng dụng công nghệ của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong việc kinh doanh sản xuất và thoát nghèo.
Trọng tâm của sự kiện “Gặp gỡ và kết nối” lần này là chương trình “Trao quyền tự chủ kinh tế cho Phụ nữ dân tộc thiểu số thông qua ứng dụng công nghệ 4.0” với sự hỗ trợ của Văn phòng đại diện Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNDP). Chương trình được cho là sẽ tạo điều kiện cho 450 phụ nữ dân tộc thiểu số có thể tự mở rộng kinh doanh sản xuất và thoát nghèo.
Cụ thể, thông qua chương, các nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số nghèo và các đối tác kinh doanh, nhà đầu tư, các nhà hoạch định chính sách của Chính phủ, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ có cơ hội được kết nối, làm quen trong “Hành trình tăng tốc” (Accelerator Lab Journey), dựa trên sáng kiến 3M (Match, Mentoring and Move – Kết nối, Đồng hành và Phát triển).
Tính riêng tỉnh Bắc Kạn, dân tộc thiểu số chiếm tới 95% các hộ nghèo đa chiều. Sinh kế chủ yếu của đồng bào dân tộc thiểu số là các hoạt động sản xuất nông nghiệp với năng suất thấp, với nhiều hạn chế trong việc tiếp cận thị trường, nguồn lực tài chính và các giải pháp tài chính hiện đại, cũng như công nghệ mới.
Thêm vào đó, năng suất và sinh kế của họ còn hay bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ lụt trong khi đó, cơ hội tiếp cận với giải pháp bảo hiểm vi mô lại rất hạn chế. Ví dụ trong năm 2017, thiệt hại do thiên tai mà họ phải hứng chịu được ước tính lên tới 7,3 triệu USD.
Mặc dù hiện nay Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong giảm nghèo đa chiều (với 6 triệu người thoát nghèo trong giai đoạn 4 năm từ 2012 đến 2016), tuy nhiên, thách thức đặt ra trong thời điểm hiện tại là cần giải quyết tình trạng nghèo thâm căn cố đế, tập trung chủ yếu ở nhóm dân tộc thiểu số sinh sống trong các vùng địa lý khó khăn.