Phụ nữ Điện Biên: Những "kiến trúc sư" thầm lặng xây dựng nông thôn mới

Ngọc Ánh
25/07/2025 - 10:21
Phụ nữ Điện Biên: Những "kiến trúc sư" thầm lặng xây dựng nông thôn mới

Hội viên Hội LHPN tỉnh Điện Biên tham gia quét dọn vệ sinh môi trường.

Những con đường bê tông sạch đẹp, những tuyến đường hoa rực rỡ… phong trào phụ nữ Điện Biên chung tay xây dựng nông thôn mới (NTM) đang tạo nên những hành động tích cực và lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.

Những hoạt động thiết thực

Trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Hội LHPN tỉnh Điện Biên đang đảm nhiệm 2 nhiệm vụ trọng tâm là hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và gìn giữ các giá trị gia đình Việt.

Những nhiệm vụ này được triển khai thông qua 2 cuộc vận động lớn là "5 không, 3 sạch" và "5 có, 3 sạch". Trên cơ sở đó, các cấp Hội đã linh hoạt lồng ghép nội dung tuyên truyền vào các hoạt động hội, vận dụng sáng tạo để phù hợp với điều kiện đặc thù từng vùng miền, phát huy tối đa tiềm năng của mỗi địa phương.

Một trong những mô hình mang lại hiệu quả rõ nét là hướng dẫn phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình bằng chế phẩm sinh học IMO4. Với hơn 1.000 hội viên tham gia, mô hình này không chỉ giúp cải tạo đất, tăng năng suất rau màu mà còn nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong từng gia đình.

Song hành với các hoạt động môi trường, phong trào phụ nữ khởi nghiệp cũng ngày càng phát triển mạnh mẽ. Thông qua các lớp tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ tiếp cận vốn vay, xây dựng kế hoạch kinh doanh, nhiều chị em đã tự tin khởi sự kinh doanh từ những sản phẩm đặc trưng của địa phương như: Thổ cẩm dân tộc Mông, chè sạch Tủa Chùa, mật ong rừng Mường Nhé…

Nhiều tổ hợp tác, nhóm sản xuất do phụ nữ làm chủ đã được thành lập, từng bước hình thành chuỗi giá trị, kết nối với thị trường tiêu thụ. Qua đó, phong trào đã góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, khơi dậy tinh thần tự chủ, sáng tạo trong phát triển kinh tế của chị em vùng cao.

Phụ nữ Điện Biên: Những "kiến trúc sư" thầm lặng xây dựng nông thôn mới- Ảnh 1.

Hội viên Hội LHPN tỉnh Điện Biên chăm sóc đường hoa.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, phụ nữ Điện Biên còn là những người giữ lửa cho bản sắc văn hóa dân tộc. Các mô hình như "Đường hoa phụ nữ", "Đoạn đường tự quản", "Tổ phụ nữ phát triển du lịch cộng đồng", "Thu gom rác thải làm sạch đồng ruộng", "Xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh" được triển khai rộng khắp, vừa thiết thực với đời sống, vừa gắn với truyền thống, bản sắc từng bản làng.

Đáng chú ý hơn, ở nhiều địa phương, phụ nữ đã mạnh dạn phát triển mô hình du lịch cộng đồng, mở homestay, làm hướng dẫn viên, chế biến món ăn truyền thống phục vụ du khách. Qua đó, góp phần quảng bá văn hóa dân tộc, trực tiếp mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình và địa phương.

Để phong trào đi vào chiều sâu, công tác đào tạo cán bộ Hội cũng được tỉnh Điện Biên đặc biệt chú trọng. Trong năm qua, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn chuyên đề về xây dựng NTM cho 80 cán bộ hội cơ sở, tập trung nâng cao kỹ năng vận động, tổ chức phong trào, xây dựng mô hình phù hợp thực tế.

Công tác tuyên truyền cũng không ngừng đổi mới. Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu chương trình xây dựng NTM thu hút hơn 8.600 lượt hội viên tham gia. Các lớp tập huấn về khởi nghiệp, du lịch cộng đồng, kỹ năng làm mẹ, xây dựng gia đình hạnh phúc... cũng được tổ chức đều khắp, đáp ứng sát nhu cầu thực tế.

Sức sống từ những cuộc vận động

Phong trào phụ nữ Điện Biên chung tay xây dựng NTM không dừng lại ở khẩu hiệu mà đã thấm sâu trong từng hành động, từng bước chân của chị em. Qua đó, họ đang góp phần thay đổi diện mạo quê hương, vun đắp một vùng nông thôn trù phú, bền vững và đậm đà bản sắc.

Sau khi được phổ biến về chương trình "5 không, 3 sạch" do Hội LHPN xã Xa Dung (Điện Biên) phát động, chị Lò Thị Hồng (36 tuổi, trú tại xã Xa Dung) đã chủ động tìm hiểu và đăng ký tham gia với mong muốn xây dựng một mái ấm thực sự văn minh, hạnh phúc.

Theo chị Hồng, ban đầu, việc thay đổi những thói quen cũ không hề dễ dàng, nhưng với sự kiên trì và quyết tâm, cộng với sự động viên của các chị em hội viên nên gia đình chị đã dần đạt được những tiêu chí của chương trình.

"Trước đây, kinh tế của vợ chồng tôi chủ yếu dựa vào nương rẫy nên nhiều khi không đủ ăn. Khi tham gia chương trình "5 không, 3 sạch", tôi được giới thiệu, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt do xã tổ chức", chị Hồng chia sẻ.

Phụ nữ Điện Biên: Những "kiến trúc sư" thầm lặng xây dựng nông thôn mới- Ảnh 2.

Cán bộ Hội LHPN xã Nậm Khăn, huyện Nậm Pồ (cũ) tuyên truyền về tín dụng chính sách xã hội.

Với những kiến thức học tập được, vợ chồng chị Hồng mạnh dạn vay vốn mở trang trại chăn nuôi gà, vịt kết hợp với trồng rau sạch. Từ đó, kinh tế gia đình chị Hồng khá hơn trước, 2 người con được học hành đầy đủ hơn. Anh chị thoát khỏi diện cận nghèo và có tích lũy.

Bên cạnh phát triển kinh tế, gia đình chị Hồng cũng luôn gương mẫu chấp hành mọi quy định của pháp luật, không mắc các tệ nạn xã hội. Vợ chồng chị thường xuyên giáo dục con cái về lối sống lành mạnh, tránh xa các thói hư tật xấu, đặc biệt là các tệ nạn liên quan đến ma túy, cờ bạc.

Cũng giống như gia đình chị Hồng, gia đình chị Xa Thị Lượm (45 tuổi, trú tại xã Mường Nhé, Điện Biên) cũng được hưởng lợi từ phong trào phụ nữ Điện Biên chung tay xây dựng NTM.

Chị Lượm kể, ở nơi chị sinh sống, rác thải hữu cơ, từng là một nỗi trăn trở lớn của nhiều hộ gia đình. Rác thải hữu cơ nếu không được xử lý đúng cách sẽ gây mùi hôi, thu hút côn trùng và ảnh hưởng đến môi trường sống.

Chị Lượm luôn mong muốn tìm một giải pháp bền vững cho lượng rác thải hữu cơ hàng ngày từ gia đình mình, bao gồm thức ăn thừa, rau củ hỏng, vỏ trái cây... May mắn thay, chị đã được giới thiệu về chương trình hướng dẫn phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình bằng chế phẩm sinh học IMO4.

Phụ nữ Điện Biên: Những "kiến trúc sư" thầm lặng xây dựng nông thôn mới- Ảnh 3.

Những năm gần đây, phong trào phụ nữ khởi nghiệp ở Điện Biên ngày càng phát triển mạnh mẽ. Ảnh: Vũ Lợi.

"Ban đầu, tôi còn khá e ngại vì nghĩ rằng việc xử lý rác tại nhà sẽ phức tạp và mất vệ sinh. Tuy nhiên, sau buổi tập huấn chuyên sâu, tôi đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ. Các cán bộ môi trường đã hướng dẫn rất tỉ mỉ, tận tình", chị Lượm chia sẻ.

Theo đó, chị Lượm được cán bộ hướng dẫn cách phân biệt rác hữu cơ (thức ăn thừa, rau củ quả, vỏ trứng...) và rác vô cơ (nhựa, thủy tinh, kim loại...). Chị được giải thích về chế phẩm sinh học IMO4, thành phần và cách thức hoạt động của các vi sinh vật có lợi trong việc phân hủy chất hữu cơ, khử mùi hôi và tạo ra phân bón. Chị cũng được hướng dẫn cách pha chế IMO4 từ các nguyên liệu đơn giản như gạo, đường đen, nước sạch, và men vi sinh…

Sau một thời gian áp dụng, gia đình chị Lượm đã đạt được những kết quả bất ngờ như lượng rác thải cần mang đi xử lý đã giảm đi rõ rệt, chỉ còn chủ yếu là rác vô cơ. Toàn bộ phân bón hữu cơ thu được từ quá trình ủ đã được chị sử dụng để bón cho vườn rau nhỏ của gia đình. Những luống rau xanh tốt, không cần dùng phân hóa học, giúp gia đình chị có nguồn rau sạch an toàn. Nước IMO cũng được dùng để tưới cây cảnh, hoa.

"Không chỉ tôi, nhiều hộ gia đình khác khi tham gia lớp tập huấn cũng đều áp dụng phương pháp này và đạt được những kết quả ngoài mong đợi", chị Lượm hào hứng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm