pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phụ nữ Đồng Tháp khởi nghiệp góp phần giảm nghèo bền vững
Hội viên phụ nữ phát triển kinh tế gia đình
Đời sống ngày càng đi lên
Trong thời gian qua, nhiều hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã tích cực khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh giúp cho kinh tế gia đình ngày càng được nâng lên; góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Tại xã Long Khánh B (huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp), tinh thần khởi nghiệp lan tỏa trong đông đảo hội viên, phụ nữ trên địa bàn. Trong đó, điển hình như chị Võ Thị Dung Em (45 tuổi) khởi nghiệp với nghề bắp sấy xốp và đã đạt được những hiệu quả tích cực. Theo đó, nguyên liệu sản xuất được chị mua chính từ những người nông dân trồng bắp ở cù lao Long Khánh.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất, chị đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư máy móc, bao bì… nâng cao chất lượng sản phẩm. Từ đó, giúp cho thị trường của sản phẩm ngày càng được mở rộng, không chỉ giới hạn trên địa bàn mà còn đến với người tiêu dùng ở nhiều tỉnh thành trên cả nước như An Giang, TPHCM…
Trong khi đó, với mong muốn giúp đỡ gia đình, tạo ra sản phẩm mới cho địa phương, chị Phan Thị Thúy Lan, ngụ xã Định An (huyện Lấp Vò) cũng đã khởi nghiệp với sản phẩm khô cá tra.
Chị Lan mạnh dạn đầu tư máy sấy, máy hút chân không, làm sản phẩm cá tra phi lê. Nhằm mở rộng thị trường, ngoài việc tăng cường sản xuất, chị còn hoàn chỉnh các khâu đăng ký nhãn hiệu, bao bì, đóng gói để tiến tới giới thiệu đưa sản phẩm vào các kênh siêu thị trong và ngoài tỉnh.
Qua đó, giúp cho sản phẩm cá tra phi lê thương hiệu khô cá tra phi lê Ngọc Diệp của cơ sở do chị Lan làm chủ đạt OCOP. Bình quân mỗi tháng, cơ sở của chị Lan bán ra thị trường hàng trăm ký cá tra phi lê, giúp cho kinh tế của gia đình ngày càng đi lên.
Hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế
Hội LHPN tỉnh Đồng Tháp cho biết, các cấp Hội phụ nữ trên địa bàn đã tập trung hỗ trợ nâng cao nhận thức cho phụ nữ về chính sách liên quan đến phát triển nghề nghiệp, khởi nghiệp, phát triển kinh tế. Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, phát huy thế mạnh sở trường, hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp của chị em. Đồng thời đặt ra các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện như hỗ trợ phụ nữ kiến thức, kỹ năng quản lý và điều hành sản xuất kinh doanh; lựa chọn các ý tưởng, mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh khả thi. Bên cạnh đó, tạo lập mạng lưới kết nối các phụ nữ có dự án khởi nghiệp với nhau và phụ nữ khởi nghiệp với doanh nghiệp để đồng hành, hỗ trợ.
Sau thời gian triển khai, bước đầu đã làm thay đổi nhận thức của cán bộ, hội viên phụ nữ đi đôi với vai trò tham gia phát triển kinh tế, mạnh dạn tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để khởi nghiệp, thay đổi thói quen sản xuất nhỏ lẻ, chú trọng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm và áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất.
Trong thời gian qua, các cấp Hội trong tỉnh đã tổ chức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, khuyến khích khơi dậy tinh thần tự lực, tự tin trong khởi nghiệp; tạo động lực cho phụ nữ trong khởi nghiệp, sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, phấn đấu làm giàu. Thay đổi nhận thức, hành vi của phụ nữ, thực hiện "sản xuất sạch, chế biến sạch, tiêu dùng sạch".
Để hỗ trợ kết nối sản phẩm khởi nghiệp, Hội LHPN tỉnh Đồng Tháp đề xuất UBND tỉnh thành lập phòng trưng bày giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ. Từ mô hình phòng trưng bày, các cấp Hội địa phương đã nhân rộng, khai trương các quầy hàng, cửa hàng giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp tại các huyện, thành phố. Duy trì 10 câu lạc bộ khởi nghiệp của Hội LHPN huyện, thành phố… Qua đó, đã kết nối, giới thiệu sản phẩm tạo thu nhập; đồng thời nắm bắt nhu cầu người tiêu dùng, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp tại địa phương.
Với những hoạt động của các cấp Hội, trong thời gian qua, đã hỗ trợ phát triển và thành lập 127 tổ hợp tác với hơn 1.700 thành viên; phối hợp thành lập 18 hợp tác xã có phụ nữ tham gia hội đồng quản trị với 2.510 thành viên; hỗ trợ thành lập 7 doanh nghiệp nữ. Qua đó, đã giúp cho đời sống của hội viên, phụ nữ ngày càng được nâng lên; góp phần vào giảm nghèo bền vững.