Phụ nữ đóng vai trò then chốt thúc đẩy phát triển bao trùm, bền vững

26/04/2018 - 19:50
Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tại Lễ Khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ Toàn cầu 2018 ở Sydney (Australia) tối 26/4.
pct-nuoc-ngoc-thinh-tai-hoi-nghi-thuong-dinh-phu-nu-toan-cau-2.jpg
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh (thứ 4 từ phải sang), nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa (bìa phải) tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ Toàn cầu 2018

Với chủ đề Xây dựng các nền kinh tế chia sẻ giá trị chung, Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ Toàn cầu năm nay đã thu hút sự tham gia của hơn 1.200 đại biểu đến từ hơn 65 quốc gia, gồm đại diện Lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ, lãnh đạo các tổ chức phụ nữ và các nữ doanh nhân từ khắp các châu lục. Đoàn Việt Nam gồm có lãnh đạo các bộ ngành, địa phương và các nữ doanh nhân thuộc các ngành chế biến thực phẩm, dệt may, dược phẩm, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ…

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh là diễn giả chính tại Lễ Khai mạc Hội nghị. Phó Chủ tịch nước đánh giá cao những đóng góp của Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ Toàn cầu suốt 3 thập kỷ qua trong nỗ lực thúc đẩy vai trò của phụ nữ trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, tăng cường kết nối giữa các nữ doanh nhân trên toàn cầu. Phó Chủ tịch nước hoan nghênh tính thời sự của các chủ đề hội nghị hàng năm, đặc biệt là chủ đề của hội nghị năm nay. 
pctc.jpg
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ Toàn cầu 2018

Phó Chủ tịch nước khẳng định tầm quan trọng của tăng cường liên kết khu vực và toàn cầu, nhấn mạnh đây là một xu thế không thể đảo ngược, đã và đang tạo ra những cơ hội to lớn cho doanh nghiệp và quốc gia phát huy tối đa sức mạnh của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu. Phó Chủ tịch nước cũng chia sẻ những đóng góp tích cực của Việt Nam trong việc kiến tạo những giá trị chung của nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là thông qua các sáng kiến trong khuôn khổ năm APEC 2017 vừa qua. Bên cạnh đó, nhằm nâng cao vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế, trong khuôn khổ APEC 2017, Việt Nam đã thúc đẩy nhiều hoạt động, trong đó có "Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC", đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các thành viên APEC với sáng kiến “Hướng dẫn lồng ghép giới trong APEC”.

Phó Chủ tịch nước cho rằng phụ nữ đóng vai trò then chốt trong thúc đẩy quản trị toàn cầu, phát triển bao trùm, bền vững và xây dựng những nền kinh tế chia sẻ giá trị chung. Phó Chủ tịch nước đề cao những đóng góp của phụ nữ Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là việc phụ nữ chiếm tới 48% lực lượng lao động và khoảng 25% CEO hoặc thành viên hội đồng quản trị ở Việt Nam. Một mặt khẳng định việc tham gia các liên kết khu vực và toàn cầu đã và đang hỗ trợ phụ nữ Việt Nam tiếp cận các mô hình phát triển bền vững, khoa học - công nghệ, nguồn tri thức của nhân loại; mặt khác, Phó Chủ tịch nước cũng cho rằng phụ nữ Việt Nam còn phải vượt qua nhiều khó khăn, nhất là việc tiếp cận vốn và các kỹ năng mới để bắt kịp với những chuyển động mạnh mẽ của nền kinh tế thế giới.
 
pct-nuoc-ngoc-thinh-tai-hoi-nghi-thuong-dinh-phu-nu-toan-cau-4.jpg
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cùng các nữ lãnh đạo quan trọng khác trong hội nghị

Phó Chủ tịch nước kêu gọi phụ nữ hãy đi đầu trong việc thúc đẩy liên kết kinh tế, hợp tác quốc tế, tăng cường kết nối giữa các doanh nhân. Trong quá trình xây dựng các giá trị chung mà các nền kinh tế đang hướng tới từ cấp độ tiểu vùng, khu vực, cho tới liên khu vực và toàn cầu, việc bảo đảm bình đẳng giới và tăng cường cơ hội cho phụ nữ phải luôn được xem là một trong những trụ cột ưu tiên, trong đó cần xác định rõ vai trò của Chính phủ và doanh nghiệp trong việc tạo hành lang cho phụ nữ tiếp cận nguồn lực sản xuất, kinh doanh và tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia năng động trên thương trường, từ đó phụ nữ chắc chắn sẽ có những đóng góp quan trọng vào việc xây dựng một nền quản trị toàn cầu tiên tiến, phát triển các nền kinh tế bền vững, bao trùm, hướng về người dân. 

pct-nuoc-ngoc-thinh-tai-hoi-nghi-thuong-dinh-phu-nu-toan-cau-3.jpg
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh bắt tay Bộ trưởng Ngoại giao Australia Julie Bishop

Theo Phó Chủ tịch nước, phụ nữ cần tự trang bị và cập nhất các kiến thức, kỹ năng mới, không để kỷ nguyên số và Cách mạng 4.0 bỏ lại phía sau. Phó Chủ tịch nước cũng khẳng định, bảo đảm bình đẳng giới, tăng cường cơ hội cho phụ nữ cần luôn được xem là một trong những trụ cột ưu tiên trong chính sách của các quốc gia, trong đó phụ nữ cần được tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trong tiếp cận nguồn lực sản xuất, kinh doanh, tham gia thương trường.

Cùng ngày, Đoàn Việt Nam đã tham gia, đóng góp tích cực tại các hoạt động của Hội nghị, trong đó có Phiên thảo luận bàn tròn cấp Bộ trưởng về vai trò của đối tác công - tư trong thúc đẩy cơ hội kinh tế cho phụ nữ và trẻ em gái, Diễn đàn Thị trưởng và Lãnh đạo địa phương, Phiên thảo luận về hợp tác kinh doanh với Australia. Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai và Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam về lồng ghép vấn đề giới trong chính sách tài chính dành cho doanh nghiệp, cũng như việc huy động các nguồn lực trong xã hội triển khai các dự án bảo đảm bình đẳng giới trong ngành giáo dục. 
irene-natividad.jpg
Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ Toàn cầu Irene Natividad

Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ Toàn cầu Irene Natividad và các đại biểu quốc tế đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm bình đẳng giới. Các đại biểu cũng hoan nghênh các sáng kiến của Việt Nam nhằm tăng cường kết nối nữ doanh nhân trong khu vực, đặc biệt là sáng kiến thành lập mạng lưới nữ doanh nhân trong khuôn khổ ASEAN.

Bên lề Hội nghị, đoàn Việt Nam tiến hành Phiên thảo luận bàn tròn với Australia về bình đẳng giới. Lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cùng các quan chức Australia trao đổi kinh nghiệm thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, đặc biệt là các biện pháp nhằm khuyến khích vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong lĩnh vực kinh doanh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm