Hướng đến giải phóng 1/3 nguồn nhân lực
Chỉ trong một thời gian ngắn, Saudi Arabia đã dỡ bỏ nhiều lệnh cấm và cho phép phụ nữ đi bầu cử, được làm việc trong quân đội, được chơi thể thao và đi đến sân vận động. Đặc biệt, từ tháng 6/2018, lệnh cấm lái xe dành cho phụ nữ ở nước này cũng chính thức đi vào dĩ vãng.
Những nhà phân tích cho rằng nguyên nhân khiến Saudi Arabia đưa ra những quyết định trên là muốn cải tổ kinh tế, hơn là thúc đẩy sự bình đẳng giới. Thực tế, dù Thái tử Mohammed Bin Salman đã công bố với thế giới sẽ bãi bỏ lệnh cấm phụ nữ lái xe từ tháng 6 năm 2017. Tuy nhiên cho đến trước khi luật này có hiệu lực vào tháng 6/2018, những nhà hoạt động vì nữ quyền vẫn tiếp tục bị bắt giữ. Trong đó, có Loujain al-Hathloul, Eman al-Nafjan và Aziza al-Yousef, những người đấu tranh đòi quyền lái xe và chấm dứt giám hộ đối với phụ nữ.
Từ đó có thể thấy, những người lãnh đạo quốc gia này đã hiểu rằng Saudi Arabia không thể đạt được những bước tiến mới nếu một nửa công dân của họ bị bỏ mặc phía sau. Hơn nữa, các nguồn tài nguyên khai thác mãi rồi sẽ cạn kiệt, trong khi nguồn nhân lực không sử dụng sẽ bị mai một.
Ở Saudi Arabia, hơn một nửa số người tốt nghiệp đại học trở lên là nữ nhưng chỉ 20% trong số đó tham gia lực lượng lao động. Điều đó có nghĩa là 1/3 nguồn nhân lực của nước này vẫn chưa được khai thác. Những lệnh cấm này khiến nền kinh tế Saudi Arabia mất đi hàng tỉ USD mỗi năm.
Thân thiện với mẹ bỉm sữa
Không chỉ Saudi Arabia, nhiều quốc gia khác cũng đang thúc đẩy phụ nữ tham gia đóng góp vào xã hội. Điển hình như Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe đã tạo ra một môi trường làm việc thân thiện với phụ nữ, gia đình bằng việc tăng số lượng nhà giữ trẻ ở các công sở. Những chính sách này đã làm tỷ lệ lao động nữ trong độ tuổi 30 - 34 tăng hơn 25,2% so với 30 năm trước.
Thực tế, phụ nữ ở quốc gia mặt trời mọc phải chịu nhiều áp lực hơn nam giới về việc nội trợ, chăm sóc gia đình và con cái. Do vậy, muốn khuyến khích họ tham gia vào nền kinh tế hoặc đóng góp cho xã hội thì phải tạo cho họ tiếp cận những cơ hội ngang bằng với nam giới.
Việc cho con bú tại Quốc hội từng là một vấn đề nhạy cảm tại nhiều quốc gia nhưng giờ đây, ngày càng có nhiều nữ chính khách vượt qua “bức trần kính”. Đó là nghị sĩ Argentina Victoria Donda Perez (năm 2015), Thượng nghị sĩ Larissa Waters (năm 2017) và gần đây nhất là Bộ trưởng Y tế Canada - bà Karina Gould. Bà Gould nhanh chóng trở thành tâm điểm chú ý của dư luận khi cho con bú ngay tại buổi hội thảo, trong cuộc họp nghị viện ngày 21/6/2018.
Các nữ chính trị gia không chỉ tạo ra những tiền lệ tốt, mà họ còn có đóng góp rất lớn trong việc đấu tranh cho quyền bình đẳng của phụ nữ. Từng là một bà mẹ nuôi con nhỏ, mỗi lần đến sân bay, phải cho con bú trong nhà vệ sinh, bà Tammy Duckworth, Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Mỹ, đã đề xuất và đấu tranh cho việc ban hành quy định các sân bay phải có phòng mẹ cho con bú.
Sau hơn một năm kiên trì đeo đuổi, đến tháng 10/2018, đạo luật trên đã được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thông qua. Trong đó quy định, phòng cho con bú phải vừa đảm bảo tính riêng tư, vừa đảm bảo các phương tiện hỗ trợ cần thiết như bàn, ghế, ổ cắm điện...
Có thể nói, nếu như trước đây, bình đẳng giới được xem như một vấn đề đạo đức thì trong nền kinh tế toàn cầu ngày nay, việc loại bỏ những trở ngại để phụ nữ tham gia vào nền kinh tế đã trở thành là một mệnh lệnh mang tính chiến lược cho những quốc gia muốn tiến về phía trước.
Có nhiều bằng chứng cho thấy sự tham gia của phụ nữ vào thị trường lao động thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Viện McKinsey toàn cầu từng công bố rằng, nếu xóa bỏ khoảng cách về giới trong phát triển nguồn nhân lực có thể làm tăng GDP toàn cầu thêm khoảng 12 nghìn tỷ đô la vào năm 2025.
Trong 2 năm gần đây, 65 quốc gia đã ban hành gần 100 quyết định sửa luật có liên quan đến phụ nữ để họ có thêm cơ hội đóng góp vào sự phát triển kinh tế. Theo Ngân hàng Thế giới, 90% các nền kinh tế của thế giới (155 quốc gia) vẫn còn ít nhất một luật giới hạn cơ hội việc làm của phụ nữ. Trong đó, bao gồm các hạn chế về quyền sở hữu tài sản, quyền giám hộ của nam giới đối với họ trong nhiều lĩnh vực, trong đó có việc tiếp cận tín dụng ở các nước Hồi giáo. |