pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phụ nữ góp phần đưa quan hệ Việt - Mỹ gần nhau hơn
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga chuyện trò cùng bà Virginia Foote - Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Hà Nội
Nguồn sức mạnh của giới nữ
Ngày 24/11, tại Hà Nội, Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn Việt - Mỹ "Thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong hội nhập quốc tế". Đây là một trong những hoạt động đối ngoại có ý nghĩa thiết thực trong năm 2020, góp phần làm phong phú thêm hoạt động của hai nước hướng tới kỷ niệm 25 năm quan hệ hợp tác Việt - Mỹ. Diễn đàn còn hướng đến hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế tích cực, hiệu quả trên các lĩnh vực.
Tại Diễn đàn, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga nhấn mạnh, trong quá trình hình thành và phát triển quan hệ Việt-Mỹ, không thể không nói đến vai trò quan trọng của giao lưu nhân dân, một nguồn sức mạnh đưa hai nước đến gần nhau, trong đó có sự tham gia, đóng góp tích cực của phụ nữ hai nước. Hiện nay, thế giới đang đứng trước những biến động, thách thức lớn từ chính trị, kinh tế đến những vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống như dịch bệnh, an ninh nguồn nước, biến đổi khí hậu. Cùng với những nỗ lực từ Chính phủ, nhân dân, phụ nữ hai nước cần tăng cường chia sẻ và giao lưu hơn nữa, đóng góp tích cực cho mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước, cho an ninh, hòa bình và thịnh vượng của mỗi nước cũng như của cả động đồng quốc tế.
"Với vai trò là tổ chức đại diện cho phụ nữ Việt Nam, trong những năm qua, Hội LHPN Việt Nam đã có nhiều hoạt động giao lưu nhân dân, góp phần tạo nền tảng thực chất và củng cố cho quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ. Hội chủ động kết nối với các tổ chức, cá nhân phụ nữ và đón tiếp nhiều đoàn phụ nữ Mỹ sang thăm và làm việc tại Việt Nam. Đồng thời, cử các đoàn sang thăm, tìm hiểu phong trào phụ nữ, kinh nghiệm phát triển của phụ nữ Mỹ trên các lĩnh vực như lãnh đạo nữ, phụ nữ trong khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), phòng chống bạo lực giới…", Chủ tịch Hà Thị Nga chia sẻ.
Các đơn vị trực thuộc Hội như Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Nhà xuất bản Phụ nữ, Báo Phụ nữ Việt Nam, Công ty THNN tài chính Vi mô một thành viên -TYM, Học viện Phụ nữ Việt Nam… đã hợp tác với nhiều đối tác Mỹ trên các lĩnh vực văn hóa, xuất bản, kinh tế, thông tin và giáo dục, tăng cường sự hiểu biết và hợp tác giữa phụ nữ và nhân dân hai nước.
Hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế
Với mục đích tăng cường giao lưu nhân dân Việt-Mỹ và hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế tích cực, hiệu quả trên các lĩnh vực, Diễn đàn sẽ được tiến hành với hai phiên thảo luận: Hỗ trợ phụ nữ hội nhập kinh tế quốc tế; Phát huy vai trò của phụ nữ trong giao lưu nhân dân Việt – Mỹ. Đây sẽ là dịp để chúng ta nhìn lại hoạt động giao lưu nhân dân và phụ nữ hai nước thời gian qua, đưa ra khuyến nghị, đề xuất phát huy hơn nữa vai trò của phụ nữ trong giao lưu nhân dân thời gian tới, đóng góp vào quan hệ đối tác toàn diện Việt-Mỹ.
Tại Diễn đàn, đại biểu hai nước trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp hỗ trợ phụ nữ tăng cường tham gia hội nhập kinh tế quốc tế và giao lưu nhân dân để tiếng nói phụ nữ được lắng nghe đầy đủ, đồng thời phụ nữ có thể vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội từ hội nhập quốc tế. Diễn đàn cũng tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân của Việt Nam và Mỹ kết nối, giao lưu tăng cường hợp tác, góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện Việt – Mỹ.
Phó Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Christopher Klein chia sẻ, Hoa Kỳ tự hào là đối tác cam kết lâu dài trong việc thúc đẩy sự nghiệp bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ ở Việt Nam và trên thế giới. Theo ông, nhân tố chính của mối quan hệ song phương này là cam kết chung của chúng ta trong việc trao quyền cho phụ nữ được tham gia và lãnh đạo trong cả khu vực công và tư. Điều này cho phép chúng ta khai thác một nguồn tài năng to lớn vốn được sử dụng chưa nhiều trong lịch sử. Đây cũng là một bước đi hợp lý trong việc đảm bảo thịnh vượng được tiếp nối không chỉ của hai quốc gia mà của cảnhân dân hai nước chúng ta.
Chính phủ Hoa Kỳ đã đưa việc trao quyền kinh tế cho phụ nữ như một ưu tiên trong Chiến lược An ninh Quốc gia của Hoa Kỳ. Chiến lược An ninh Quốc gia nêu rõ: Các tổ chức trao quyền cho phụ nữ tham gia đầy đủ vào đời sống dân sự và kinh tế" sẽ "thịnh vượng và hòa bình hơn". Hoa Kỳ sẽ "hỗ trợ các nỗ lực thúc đẩy bình đẳng của phụ nữ, bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em gái, đồng thời thúc đẩy các chương trình trao quyền cho phụ nữ và thanh niên".
Hoa Kỳ đã khởi động Sáng kiến Thịnh vượng và Phát triển Toàn cầu của Phụ nữ (W-GDP), phương pháp tiếp cận toàn chính phủ đầu tiên nhằm trao quyền kinh tế cho phụ nữ toàn cầu. Sáng kiến này nhằm mục đích trao quyền kinh tế cho 50 triệu phụ nữ ở các nước đang phát triển vào năm 2025 thông qua ba trụ cột chính: Phụ nữ thịnh vượng trong lực lượng lao động; Phụ nữ thành công với tư cách doanh nhân; Phụ nữ được hỗ trợ trong nền kinh tế.
Theo W-GDP, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đang hợp tác với khu vực tài chính để giải quyết vấn đề tiếp cận tài chính mà phụ nữ Việt Nam phải đối mặt. USAID cũng đang phối hợp chặt chẽ với Hội LHPN Việt Nam để khởi động hoạt động tiên phong trị giá 39,5 triệu USD của Chính phủ Hoa Kỳ, nâng cao năng lực khu vực tư nhân để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và đang phát triển, tập trung vào các doanh nhân nữ.
Còn ông Michael DiGregorio - Trưởng Đại diện Quỹ Châu Á tại Việt Nam nhắc đến những người phụ nữ góp phần trong quá trình hội nhập của Việt Nam như bà Judy Ladinsky, bà Tôn Nữ Thị Ninh…
"Tôi không biết bà Ninh cho đến khi tôi làm việc cho Quỹ Ford. Chúng tôi đã bắt đầu tài trợ cho Hội Nạn nhân chất độc màu da cam Việt Nam vào đầu năm 2004 nhưng không biết có nên tiếp tục hay không hay làm thế nào để tiếp tục. Charles Bailey, đại diện của Quỹ Ford, đã nói chuyện với bà Ninh về điều này và tôi nghe Charles kể, bà ấy nói, "khi Hoa Kỳ yêu cầu chúng tôi giúp đỡ để tìm kiếm người Mỹ mất tích- chương trình MIA, chúng tôi hiểu điều này như bất kỳ người Việt Nam nào cũng vậy mong muốn của gia đình là tìm được hài cốt của con trai và con gái của họ. Chúng tôi mong đợi phản hồi nhân đạo tương tự từ phía Hoa Kỳ liên quan đến tác động của chất độc màu da cam ". Đó là thời điểm quyết định đối với Quỹ Ford vì dựa trên ý kiến của bà Ninh, Charles quyết định tiếp tục công việc của chúng tôi. Điều đó dẫn đến sự hỗ trợ cho một công ty có tên là Hatfield đang nghiên cứu về các điểm nóng điôxin. Phần còn lại là lịch sử", ông Michael DiGregorio tâm sự.
*Ông Michale Robert DiGregorio từ đầu những năm 2000 khi còn là Giám đốc chương trình Văn hóa, Giáo dục của Quỹ Ford tại Việt Nam đã tích cực hỗ trợ Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, góp phần giúp Bảo tàng phát triển trở thành một trong những điểm tham quan du lịch hàng đầu của Việt Nam. Với tư cách là Trưởng đại diện Quỹ Châu Á tại Việt Nam, từ năm 2015 đến nay, ông đã tích cực hỗ trợ các hoạt động nhằm góp phần tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lãnh đạo và ra quyết định, tăng tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân 2 nhiệm kỳ và hỗ trợ thành lập, thúc đẩy hoạt động Mạng lưới lãnh đạo nữ UVBCH khối Bộ, ngành.
Hiện nay, Quỹ Châu Á dưới sự lãnh đạo của ông đang hỗ trợ Hội thực hiện Dự án nâng cao kỹ năng sử dụng kỹ thuật số cho cán bộ và thành viên Quỹ TYM giúp phụ nữ nghèo và cận nghèo sử dụng ứng dụng số trong cuộc sống và quản lý kinh doanh.
Để ghi nhận những đóng góp, Hội LHPN Việt Nam quyết định trao tặng Kỷ niệm chương "Vì sự phát triển của phụ nữ Việt Nam" cho ông Michael DiGregorio.