Phụ nữ Hàn Quốc trữ đông trứng để trì hoãn sinh con

Gia Khanh
07/06/2022 - 12:01
Phụ nữ Hàn Quốc trữ đông trứng để trì hoãn sinh con

Bên trong một cơ sở trữ đông trứng tại Seoul, Hàn Quốc

Những khó khăn từ đại dịch Covid-19 đã khiến áp lực tài chính đè nặng lên nhiều phụ nữ trẻ ở “xứ sở kim chi”. Họ đang trì hoãn việc có con và không ít người lựa chọn giải pháp trữ đông trứng.

Phải kết hôn mới được sử dụng trứng đông lạnh

Một gian hàng bắt mắt trong trung tâm thương mại ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc, có vẻ ngoài trông như cửa hàng bán lẻ khác. Tuy nhiên, đây là một cơ sở y tế chuyên thực hiện trữ đông trứng cho những người muốn trì hoãn kế hoạch sinh nở. Lim Eun-young (34 tuổi), một nhân viên văn phòng, cho biết: "Tôi và bạn trai mới quen nhau được vài tháng. Chúng tôi bắt đầu tìm nhà và lập kế hoạch kết hôn, tất cả sẽ mất một khoảng thời gian đáng kể. Vì vậy, bây giờ không phải thời điểm tốt để tôi kết hôn. Tôi cảm thấy yên tâm khi trữ đông trứng để sau này có thể sinh đứa con khỏe mạnh".

Lim là 1 trong 1.200 phụ nữ đã đông lạnh trứng ở cơ sở y tế này trong năm 2021. Con số này tăng gấp đôi so với năm 2020. Chi phí trữ đông trứng là khoảng 1.300 - 2.200 USD (tùy tình trạng sức khỏe). Ngoài ra, họ phải trả một khoản phí bảo quản mỗi năm.

Lim Eun-young, một người đã trữ đông trứng

Lim Eun-young, một người đã trữ đông trứng

Số người quan tâm tới phương pháp trữ đông trứng tăng vọt tại Hàn Quốc cho thấy rõ khó khăn mà phụ nữ nước này đang đối mặt, khi mà chi phí nuôi một đứa trẻ tốn kém và phụ nữ phải kết hôn mới được sử dụng trứng đông lạnh. Trước đó, tại Hàn Quốc, việc bảo quản tế bào trứng bằng phương pháp trữ đông thường được áp dụng với những phụ nữ phải tiến hành phương pháp bức xạ trị liệu để điều trị ung thư và các căn bệnh khác nhằm đề phòng nguy cơ bị mất khả năng sinh sản sau điều trị. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều phụ nữ Hàn Quốc có xu hướng kết hôn muộn. Hệ quả là họ khó mang thai hơn sau khi kết hôn. Vì vậy, phụ nữ tại quốc gia này đã được phép bảo quản đông lạnh tế bào trứng nếu họ lo lắng sẽ bị giảm sút chức năng sinh sản vì tuổi tác và các vấn đề khác.

Theo một số chuyên gia xã hội học, Chính phủ Hàn Quốc nên có cái nhìn cởi mở hơn về quyền tự do sinh nở của phụ nữ. Hiện nay, Chính phủ Hàn Quốc cho phép phụ nữ chủ động trữ đông trứng. Tuy nhiên, họ chỉ có thể sử dụng trứng khi đã kết hôn hợp pháp. Giáo sư Jung Jae-hoon, trường Đại học Phụ nữ Seoul, nhận định: "Tôi nghĩ lựa chọn sinh nở là quyền của phụ nữ và quyền đó cần được công nhận một cách đầy đủ, bất kể cô ấy đã kết hôn hay chưa".

Thế hệ sợ lấy chồng, sinh con

Theo Cơ quan thống kê Hàn Quốc, tỷ lệ sinh ở nước này đang ở mức thấp nhất trong lịch sử: 192.500 trẻ năm 2021. Cuộc khảo sát công bố ngày 9/5 vừa qua của Viện Phát triển Hàn Quốc cho thấy 52,4% người Hàn Quốc ở độ tuổi 20 chưa kết hôn cho rằng việc không sinh con sau khi cưới là vẫn ổn.

Ngày càng nhiều phụ nữ Hàn Quốc hoãn việc sinh con, thậm chí là quyết định không sinh con. Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc cho biết, họ đang nghiên cứu thêm các biện pháp để thúc đẩy văn hóa gia đình bền vững và tăng tỷ lệ sinh của quốc gia này. Năm 2021, chính phủ Hàn Quốc đã chi 46,7 nghìn tỷ won (tương đương hơn 800 nghìn tỷ đồng) để thúc đẩy các chính sách nhằm giải quyết tỷ lệ sinh thấp của đất nước. Mặc dù Chính phủ nước này liên tiếp tung gói hỗ trợ tài chính nhằm khuyến khích người dân sinh con nhưng hiệu quả lại không như ý muốn.

Phần lớn nguyên nhân khiến người Hàn Quốc không muốn có con là do hệ thống giáo dục có tính cạnh tranh cao và đắt đỏ. Chi phí nhà ở cao cũng khiến phụ nữ Hàn Quốc không muốn sinh con. Hiện nay, một căn hộ trung bình ở Seoul có giá ước tính bằng 19 năm thu nhập của một hộ gia đình trung bình. Con số này năm 2017 là 11 năm.

Cho So-Young, một y tá 32 tuổi, người dự định trữ đông trứng của mình vào tháng 7 tới, mong muốn sẽ có được nơi ở tốt hơn trước khi có con. "Nếu bây giờ tôi kết hôn và sinh con, tôi không thể cho con tôi môi trường như tôi đã có khi lớn lên. Tôi muốn có nhà ở tốt hơn, khu phố tốt hơn và thức ăn ngon hơn", cô nói.

Nguồn: Korea Herald, Reuters
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm