pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cần đẩy mạnh xã hội hóa trong chăm sóc người cao tuổi
Khám bệnh cho người cao tuổi tại Trạm Y tế xã Định Biên, huyện Định Hóa, Thái Nguyên. Ảnh minh họa
Chú trọng vấn đề an sinh
Bà Nguyễn Thị Phương (thôn Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội) đã 64 tuổi nhưng vẫn phải sớm hôm làm công việc dọn vệ sinh cho các gia đình, các tòa nhà chung cư để lấy tiền lo cho chồng ốm đau. Bản thân bà Phương cũng bị bệnh đau khớp xương nên tiền kiếm được chủ yếu để chữa bệnh. Bà Phương cho biết, có những lần làm việc quá sức, các khớp xương đau nhức phải nghỉ để đi điều trị cả tháng, rất tốn kém.
"Hai vợ chồng tôi đều làm nông nghiệp, có ít đất chuyển đổi thì bán đi cho con cái làm ăn, chỉ còn lại căn nhà nhỏ và mảnh vườn để nuôi gà, trồng rau. Lương hưu không có, lại ốm đau nên dù tuổi đã cao nhưng tôi vẫn làm việc 8 tiếng/ngày. Thậm chí có ngày tôi làm đến tận đêm mới về. Tôi mong muốn Nhà nước có chế độ trợ cấp cho NCT", bà Phương tâm sự.
Ông Trương Xuân Cừ, Phó Chủ tịch Hội NCT Việt Nam, cho biết, hiện cả nước có hơn 12 triệu NCT, chiếm khoảng 11,95% dân số. Trong đó có gần 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên. Đáng lưu ý khoảng 70% số NCT thường sống ở nông thôn, không có tích lũy vật chất, đa số đều có bệnh cần được điều trị.
Hiện nay vấn đề an sinh xã hội chưa thể đáp ứng được tình trạng già hóa dân số. Mặc dù Đảng và Nhà nước từ rất lâu luôn chú trọng đến đối tượng này và đưa ra nhiều chính sách từ chăm sóc thể chất đến tinh thần và các phong trào cho NCT. Tuy nhiên, trợ cấp xã hội hiện nay cũng chỉ đáp ứng được 80% lượng NCT trên 80 tuổi và những người 75 tuổi có hoàn cảnh khó khăn, gia đình nghèo khó. Các vấn đề chính sách khám chữa bệnh tuy đã được chú trọng nhưng để có môi trường, chuyên môn phù hợp với những bệnh của NCT thì vẫn còn nhiều bất cập.
Cần hỗ trợ người cao tuổi khởi nghiệp
Quy định của Việt Nam hiện nay, NCT được tính từ 60 tuổi trở lên. Nếu là công chức nhà nước thì sẽ về hưu, người lao động tự do thì có thể tiếp tục sản xuất. Do nhu cầu lao động hiện nay, có những người 70 - 80 tuổi vẫn đang lao động, thậm chí nhiều người vẫn là chủ doanh nghiệp. Những lao động cao tuổi này hiện nay chưa có chính sách hỗ trợ nguồn lực phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển ngành nghề. Cùng với đó còn có những khó khăn như vay vốn, chuyển giao kỹ thuật...
Ông Đào Xuân Nay, Ủy viên BCH, Trưởng ban đại diện Hội NCT tỉnh Bình Thuận, cho rằng, hiện nay rất cần hỗ trợ vốn để NCT có thể sản xuất, kinh doanh, giúp họ tiếp tục cống hiến. "Cán bộ đến 60 tuổi là nghỉ hưu, khi về hưu rồi không còn tham gia hoạt động tại địa phương thì rất lãng phí vì họ có thể là những nhà trí thức, nhà khoa học. Cần có chính sách khuyến khích cho họ tiếp tục phát huy các sáng kiến, đóng góp trí tuệ cho đất nước. Bên cạnh đó, cần chăm sóc NCT về vật chất, tinh thần. Cần nâng cao phong trào văn hóa, văn nghệ ở các cơ sở. Địa phương cần tạo điều kiện để NCT có chỗ sinh hoạt cố định, có nơi vui chơi, giải trí để tăng tuổi thọ, sống vui khỏe, có ích", ông Đào Xuân Nay đề xuất.
Ông Trương Xuân Cừ cho biết, trong số hơn 12 triệu NCT, hiện chỉ có 4 triệu người có BHXH là được trợ cấp xã hội, vẫn còn 6,5 triệu NCT vẫn phải đi lao động để kiếm sống. Trước xu thế già hóa dân số nhanh như hiện nay thì việc làm cho NCT cũng là một vấn đề nan giải, bởi vẫn còn một lượng người 70-75 tuổi có sức khoẻ vẫn tiếp tục làm việc. Họ là những đối tượng cần được bảo trợ xã hội.
Nhìn nhận về vấn đề đẩy mạnh xã hội hóa trong chăm sóc NCT, ông Trương Xuân Cừ cho rằng, không còn giải pháp nào khác ngoài chính sách xã hội là tất yếu. Hình thức "tứ đại đồng đường" hiện nay đang giảm dần, các trung tâm dưỡng lão cần phải phát triển vì NCT với nhu cầu có không gian riêng, muốn ở riêng tăng nhanh.
Người cao tuổi cả nước phát huy tinh thần "tuổi cao-gương sáng"
Đó là nhấn mạnh của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 5/6, khi tới thăm, tặng quà mô hình người cao tuổi làm kinh tế giỏi tại Hợp tác xã Tân Minh Đức (xã Phạm Trấn, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương); thăm, tặng quà đại diện người cao tuổi tại tỉnh Hải Dương, nhân kỷ niệm 81 năm Ngày truyền thống Người cao tuổi Việt
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, người cao tuổi là tấm gương mẫu mực, là nòng cốt trong gia đình; đại diện cho phong trào đại đoàn kết trong xã hội. Tiếp nối truyền thống văn hóa đặc sắc của người Việt Nam "kính già, yêu trẻ", Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm, chăm sóc người cao tuổi với nhiều hoạt động như chăm sóc sức khỏe, xây dựng viện dưỡng lão, cơ sở chăm sóc lão khoa phục vụ người cao tuổi.
Chủ tịch nước mong muốn thời gian tới, Hội Người cao tuổi Việt Nam và các cấp Hội trong cả nước cần tập trung thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về người cao tuổi; hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích; tăng cường công tác bảo vệ quyền, chăm lo lợi ích của người cao tuổi.
Hội cần tích cực tham mưu các vấn đề về người cao tuổi trong thực hiện Chương trình Chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi đến năm 2030 và xây dựng hoàn thiện Chương trình mục tiêu quốc gia về người cao tuổi giai đoạn mới với nhiều kiến nghị, giải pháp thiết thực; thống nhất mô hình Hội người cao tuổi trên cả nước như ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (ngày 13/1/2022) nhân tiếp đoàn đại biểu Đại hội VI Hội Người cao tuổi Việt Nam.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mong muốn người cao tuổi cả nước phát huy tinh thần "tuổi cao-gương sáng" động viên, nhắc nhở gia đình, con cháu, thế hệ trẻ tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội, gìn giữ, phát huy truyền thống tốt đẹp Việt Nam, góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Chủ tịch nước đề nghị các cơ quan trung ương, bộ ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu cơ chế chính sách phù hợp, chủ động thích ứng với "kỷ nguyên người cao tuổi" trong bối cảnh già hóa dân số nước ta đang đến gần.
Quang Vũ - Mạnh Tú (TTXVN)