pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phụ nữ Hậu Giang tích cực tham gia hỗ trợ tiêu thụ, vận chuyển nông sản
Hội viên phụ nữ tích cực hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 tiêu thụ nông sản
Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện trên địa bàn tỉnh, việc sản xuất, tiêu thụ nông sản của người dân gặp nhiều khó khăn do phải thực hiện giãn cách xã hội nhằm kiểm soát tình hình, ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Bà Cù Thị Vẽ, hội viên phụ nữ ở ấp Cầu Xáng, xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp (Hậ Giang), cho biết: “Ngay thời điểm thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, gia đình tôi có đến 6 công bắp đang đến độ thu hoạch. Tuy nhiên, lúc đó thương lái không thể vào địa bàn thu mua nên tôi rất lo rẫy bắp không bán được sẽ thu lỗ nặng”. Biết được hoàn cảnh bà Vẽ đang gặp khó do bắp đến ngày thu hoạch mà chưa có nơi tiêu thụ, từ đó Hội LHPN xã Tân Bình đã hỗ trợ gia đình bà bán bắp. “Nhờ Hội LHPN xã bán giúp nên 6 công bắp của nhà tôi thu về được 20 triệu đồng. Tuy so với thời điểm trước dịch nguồn thu chưa bằng một nửa nhưng cũng còn may là thu hồi được vốn”, bà Vẽ phấn khởi nói.
“Để hỗ trợ tiêu thụ được nông sản tồn đọng trong thời điểm thực hiện giãn cách xã hội, chúng tôi yêu cầu các chi hội thường xuyên nắm bắt tình hình nông sản không bán được của hội viên trên địa bàn các ấp để có hướng hỗ trợ tìm đầu ra”, bà Dương Thị Thanh Thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp cho biết.
Việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong hội viên chủ yếu được Hội LHPN xã Tân Bình thực hiện thông qua việc đăng bán các mặt hàng nông sản trên nhóm mạng xã hội của Hội và tài khoản cá nhân cán bộ. Ngoài việc tìm các thương lái thu mua, cán bộ hội còn làm đầu mối giúp các hội viên trao đổi, mua bán nông sản giữa các ấp, các xã lân cận.
Bên cạnh đó, do tình hình dịch bệnh phức tạp, người dân tuân thủ tuyệt đối không di chuyển khi không thực sự cần thiết nên cán bộ hội còn hỗ trợ hội viên vận chuyển hàng hóa nông sản từ nhà ra các chợ hoặc các chốt kiểm dịch để giao cho thương lái hoặc người mua.
Đến nay, các cấp hội trong huyện đã hỗ trợ tiêu thụ trên 16 tấn nông sản các loại cho hội viên và người dân trên địa bàn huyện. Qua đây cũng góp phần giúp giảm bớt khó khăn về kinh tế cho nhiều hội viên, người dân huyện nhà trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Chủ tịch Hội LHPN thành phố Vị Thanh thông tin: “Trong thời điểm thành phố thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, việc sản xuất, tiêu thụ nông sản của hội viên và người dân gặp nhiều khó khăn. Từ đó, Hội chủ động phối hợp cùng Mặt trận và các đoàn thể, các nhóm thiện nguyện tổ chức mô hình hỗ trợ thu hoạch và tiêu thụ nông sản cho người dân trên địa bàn”.
Cũng theo bà Ánh, để thực hiện mô hình hỗ trợ thu hoạch và tiêu thụ nông sản, đơn vị đã chỉ đạo các cơ sở hội quan tâm rà soát số lượng nông sản không tiêu thụ được trong hội viên, người dân và kịp thời báo cáo về Hội LHPN thành phố. Hội còn phối hợp các đơn vị tham gia hỗ trợ tiêu thụ nông sản vận động kinh phí và tổ chức các đợt thu mua nông sản với mức thỏa thuận theo nhà vườn đặt ra. Đồng thời, vận động cán bộ hội cơ sở tham gia hỗ trợ công thu hoạch.
Nguồn nông sản thu mua hỗ trợ sẽ được Hội trao tặng lại những “gian hàng 0 đồng”, bếp ăn hỗ trợ tuyến đầu chống dịch và địa phương cần nguồn nông sản cho người dân đang ở vùng cách ly y tế trong và ngoài tỉnh. Như vậy, tính từ ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đến nay, Hội đã góp phần cùng địa phương tiêu thụ hơn 40 tấn nông sản các loại cho hội viên, người dân trên địa bàn thành phố.
Không chỉ huyện Phụng Hiệp và thành phố Vị Thanh mà hội phụ nữ các huyện, thị, thành khác trong toàn tỉnh cũng tích cực, chủ động triển khai, thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ kết nối, tiêu thụ nông sản cho hội viên và người dân. Đây là hoạt động thiết thực, rất ý nghĩa nhằm phát huy tinh thần tương thân, tương ái, hỗ trợ hội viên, phụ nữ và người dân tỉnh nhà vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Thông qua hoạt động kết nối, hỗ trợ tiêu thụ nông sản còn khẳng định vai trò của Hội LHPN các cấp trong việc tích cực tham gia thực hiện tốt “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng, chống dịch, vừa góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.