Phụ nữ Iraq khai thác dầu mỏ: Chấp nhận nguy hiểm để xóa bỏ lãnh địa riêng của nam giới

Nhu Thụy
22/03/2021 - 19:40
Phụ nữ Iraq khai thác dầu mỏ: Chấp nhận nguy hiểm để xóa bỏ lãnh địa riêng của nam giới
Ngày càng có nhiều phụ nữ trẻ Iraq quyết tâm dấn thân vào lĩnh vực trước đây được cho là của riêng nam giới: Khai thác dầu mỏ.
Không còn là lãnh địa riêng của nam giới

Khi trời vừa tảng sáng, Ayat Rawthan tạm kết thúc công việc xuyên đêm của mình trên một giàn khoan dầu ở phía Nam Iraq. Đây là nơi có trữ lượng dầu thô khổng lồ đóng góp phần lớn vào nền kinh tế của Iraq. Cô Rawthan thả thiết bị cảm biến xuống một giếng sâu tối om để tìm dầu.

Phụ nữ Iraq vượt qua định kiến để chinh phục “vàng đen” - Ảnh 1.

Hoạt động khai thác dầu ở Iraq

Tại một địa điểm khác ở tỉnh Basra, Zainab Amjad đang giám sát việc lắp đặt các ống khoan lớn được sử dụng để khoan sâu xuống lòng đất. Những thiết bị này sẽ truyền các dữ liệu quan trọng tới những màn hình được bố trí cách đó không xa để phân tích, thu thập thông tin về địa tầng của các lớp đá. Cô Amjad sẽ đọc và giải mã các thông số xuất hiện liên tục trên đó.

Cả Ayat Rawthan và Zainab Amjad đều mới 24 tuổi. Họ là những phụ nữ dám từ bỏ công việc văn phòng nhàn nhã để dấn thân vào ngành công nghiệp dầu mỏ. Với chiếc mũ bảo hộ trên đầu, họ trực tiếp có mặt tại các giàn khoan và giếng dầu, nơi trước đây được xem là "lãnh địa" của nam giới. Họ thuộc thế hệ phụ nữ hiện đại và tài năng, thách thức định kiến của giới kỹ sư dầu khí vốn luôn cho rằng, phụ nữ không thể có chỗ ở công việc nặng nhọc và phức tạp này. "Quyết tâm của họ trong tìm việc làm ở một ngành công nghiệp lâu nay vẫn do nam giới thống trị chính là một ví dụ điển hình về cách thức mà ngày càng có nhiều người trẻ đi ngược lại với những định kiến đã ăn sâu bám rễ tại trung tâm dầu mỏ ở miền Nam Iraq", hãng tin AP nhấn mạnh.

Giờ làm việc của Amjad và Rawthan tại các mỏ dầu thường kéo dài và điều kiện thời tiết lại khắc nghiệt. Amjad và Rawthan thường làm việc dưới cái nắng gắt trong khi các đồng nghiệp nam thắc mắc: "Tại sao các cô phải chịu khổ sở ở chốn này như vậy? Môi trường làm việc ở đây chỉ có nam giới mới chịu đựng được". Thế nhưng Amjad vẫn theo đuổi công việc đó.

Phụ nữ Iraq vượt qua định kiến để chinh phục “vàng đen” - Ảnh 2.

Kỹ sư Zainab Amjad

Kinh tế của Iraq "lên xuống" theo thị trường dầu mỏ. 90% nguồn thu của Iraq là từ dầu mỏ và phần lớn sản lượng dầu thô là khai thác ở khu vực miền Nam. Hàng thập niên chiến tranh, bất ổn xã hội đã khiến ngành sản xuất dầu ở Iraq bị đình trệ. Sau khi giá dầu giảm mạnh do tác động của đại dịch Covid-19 và các tranh cãi quốc tế, nền kinh tế Iraq đang cho thấy dấu hiệu phục hồi. Theo số liệu của Bộ Dầu mỏ Iraq, sản lượng xuất khẩu dầu mỏ của nước này vào tháng 1/2021 đạt 2,868 triệu thùng/ngày, với mức 53USD/thùng. Iraq là nhà sản xuất dầu lớn thứ hai trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

Chính vì tầm quan trọng của ngành công nghiệp dầu mỏ đối với sự sống còn của nền kinh tế quốc gia mà các chương trình đào tạo ngành hóa dầu trong các trường đại học luôn chỉ dành cho những sinh viên tài năng. Hai nữ kỹ sư Zainab Amjad và Ayat Rawthan chính là những người nằm trong top 5% những sinh viên xuất sắc nhất tốt nghiệp trường Đại học Dầu khí Basra năm 2018. "Tôi học một cách điên cuồng để không ngừng nâng cao kiến thức cho bản thân", Amjad chia sẻ.

Chỉ có làm việc gấp đôi, gấp ba nam giới...

Để có thể được làm việc trong lĩnh vực dầu khí, Amjad xác định phải kiếm được việc làm tại một công ty dầu khí quốc tế. Để có cơ hội đó, cô phải thật sự xuất sắc và vượt trội. Cô không chọn các doanh nghiệp nhà nước của Iraq bởi nếu xin vào đó, cô sẽ chỉ được giao làm công việc văn phòng. Khi tập đoàn Schlumberger có trụ sở tại bang Texas (Mỹ) thông báo tuyển nhân viên, cô đã ngay lập tức nắm bắt cơ hội. Trải qua nhiều vòng thi, Amjad mới được vào vòng phỏng vấn cuối cùng. Chỉ sau 2 tháng, Amjad đã đổi được chiếc mũ bảo hộ trên đầu mình từ màu xanh sang màu trắng, đánh dấu một sự thăng tiến từ vị trí tập sự trở thành một giám sát viên.

Phụ nữ Iraq vượt qua định kiến để chinh phục “vàng đen” - Ảnh 3.

Kỹ sư Ayat Rawthan

Rawthan hiện làm việc cho tập đoàn Schlumberger. Công việc của cô là thu thập dữ liệu từ các giếng dầu để xác định hướng khoan tiếp theo. Có lần khi cả nhóm nhận một dự án khó, cô đã thức trắng nhiều đêm chỉ để đọc từng bản vẽ, nghiên cứu từng chi tiết để đảm bảo bản thân hiểu rõ từng công đoạn trong toàn bộ hệ thống ống khoan dầu. Những nỗ lực vượt bậc của cô đã được đền đáp xứng đáng: Giờ đây cô là kỹ sư trưởng của Schlumberger.

Rawthan đã làm việc chăm chỉ bất kể ngày đêm với suy nghĩ đơn giản rằng: "Chỉ có làm việc gấp đôi, gấp ba nam giới thì mới có thể vượt qua được họ trong công việc". Bất chấp những lời bàn ra tán vào, những lời chế giễu cô về kế hoạch chinh phục những hệ thống khai thác dầu phức tạp, cô cho rằng mình không được phép dừng lại. Rawthan nhận được sự ủng hộ của bố mẹ. Mẹ cô là một kỹ sư xây dựng dân dụng, còn bố cô là thuyền trưởng một tàu chở dầu. "Khi nào những mũi khoan còn xuyên sâu xuống lòng đất để tìm mạch dầu thì tôi còn tiếp tục làm việc ở đây", Rawthan quả quyết.

Ngoài sự vất vả, Amjad và Rawthan còn phải đối mặt với hiểm nguy. Hoạt động khai thác, kinh doanh dầu ở Iraq thường là mục tiêu tấn công của các thành phần khủng bố. Các cơ sở và đường ống dẫn dầu của Iraq thường bị các phần tử IS tấn công, bất chấp an ninh trên cả nước đã được cải thiện sau khi chính phủ tuyên bố đánh bại hoàn toàn lực lượng IS vào cuối năm 2017. Những cuộc biểu tình bên ngoài các mỏ dầu do các bộ lạc bất mãn và những người thất nghiệp tiến hành có thể làm gián đoạn công việc, đôi khi leo thang thành bạo lực nhằm vào đội ngũ lao động tại đây. Tuy nhiên, những người phụ nữ này sẵn sàng đối mặt với khó khăn, thậm chí họ còn không có thời gian để nghĩ đến vấn đề đó. "Hoạt động khoan dầu sẽ không bao giờ dừng lại", cô Amjad khẳng định.

Nguồn: AP, NYPost
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm