Bản đồ phụ nữ tham chính 2020: Tỷ lệ nữ bộ trưởng ở mức cao nhất mọi thời đại

Nhu Thụy
13/04/2020 - 10:15
Bản đồ phụ nữ tham chính 2020: Tỷ lệ nữ bộ trưởng ở mức cao nhất mọi thời đại

Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin (giữa) và các lãnh đạo nữ

Bản đồ Phụ nữ tham chính năm 2020 của Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) và Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) cho thấy, phụ nữ có xu hướng tham gia ngày càng sâu rộng hơn vào đời sống chính trị-xã hội của các nước.

Trao quyền cho phụ nữ được thể hiện dưới nhiều hình thức: Trao quyền năng kinh tế, trao quyền giáo dục, quyền văn hóa, xã hội, trao quyền năng chính trị. Thúc đẩy phụ nữ tham chính là trao quyền cho phụ nữ về mặt chính trị, đảm bảo sự đại diện bình đẳng của phụ nữ trong chính trị. Đây chính là vấn đề cốt lõi gắn liền với sự thịnh vượng và phát triển bền vững của một quốc gia. Thế giới đang thay đổi một cách nhanh chóng và trong những năm gần đây, nhiều phụ nữ đang trở thành những nhà lãnh đạo.

Hiện 20 quốc gia có phụ nữ làm nguyên thủ quốc gia và chính phủ. Từ ngày 1/1/2020, 6,6% nguyên thủ quốc gia được bầu là phụ nữ (10/152) và 6,2% nữ lãnh đạo chính phủ (12/193). Tuy nhiên, hơn1/2 nữ lãnh đạo đến từ các nước châu Âu. Gần như tất cả các chính phủ ở các quốc gia Bắc Âu như Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy đều do phụ nữ đứng đầu. 3 nữ nguyên thủ quốc gia hoặc chính phủ đang tại vị ở châu Mỹ, 3 người ở châu Á (Bangladesh, Nepal, Singapore), 1 người ở châu Phi (Ethiopia) và 1 người ở Thái Bình Dương (New Zealand). Không có quốc gia nào trong khu vực các quốc gia Arab có phụ nữ đứng đầu chính phủ.

Nổi bật là bà Angela Merkel, 66 tuổi, Thủ tướng Đức. Bà Merkel tiếp tục trở thành người đứng đầu bảng xếp hạng 100 phụ nữ có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2019 của tạp chí Forbes (Mỹ). Từ năm 2005 đến nay, bà đảm nhiệm vị trí Thủ tướng Đức, điều hành nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Bà Merkel có lập trường mở cửa với người di cư và luôn nỗ lực để đưa Đức trở thành quốc gia có vai trò dẫn đầu tại châu Âu. Không chỉ vừa có nữ thủ tướng trẻ nhất thế giới, Phần Lan còn là nước hiện có 5 phụ nữ giữ cương vị cao nhất.

Tỷ lệ nữ bộ trưởng trên thế giới cũng ở mức cao nhất mọi thời đại với 21,3% (851/4.003), cao hơn 7,1% so với năm 2005 (14,2%). Hầu hết các nữ bộ trưởng quản lý về các vấn đề đầu tư, môi trường, các vấn đề gia đình và xã hội. Bản đồ "Phụ nữ trong chính trị" cũng chỉ ra rằng, phụ nữ hiện chiếm 50% ở các vị trí bộ trưởng tại 14 quốc gia, cụ thể là Tây Ban Nha (66,7%); Phần Lan (61,1%); Nicaragua (58,8%); Colombia (57,9%); Áo (57,1%); Peru (55%); Thụy Điển (54,5%); Rwanda (53,6%); Albania (53,3%); Pháp (52,9%), còn ở Andorra, Canada, Costa Rica, Guinea-Bissau đều 50%.

Bắc Âu đứng đầu về chỉ số quyền lực của nữ giới

Thực tế, quốc hội nào có nhiều phụ nữ tham gia thì nhiều chính sách, pháp luật được xây dựng để bảo vệ con người và môi trường hơn ở những quốc hội có ít đại diện là nữ. Đặc biệt, phụ nữ quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề của phụ nữ và trẻ em - thế hệ tương lai của đất nước. Tỷ lệ nữ chủ tịch quốc hội trên thế giới là 20,5% vào năm 2020. Con số này gấp đôi so với 25 năm trước. Năm 2019, lần đầu tiên 7 quốc gia đã bầu chủ tịch quốc hội là Andorra, Belarus, Congo, Indonesia, Kazakhstan, Malawi và Togo. 

Bản đồ phụ nữ tham chính 2020: Tỷ lệ nữ bộ trưởng ở mức cao nhất mọi thời đại - Ảnh 1.

Bản đồ phụ nữ tham chính trên thế giới

Sau 25 năm thực hiện Tuyên bố Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh, tỷ lệ phụ nữ trung bình trong quốc hội trên toàn cầu là 25%, tăng gấp đôi so với năm 1995. Rwanda là cơ quan lập pháp thân thiện với nữ giới nhất với tỷ lệ phụ nữ trong Quốc hội chiếm tới gần 64%. Xếp vị trí kế tiếp là Cuba (53,2%) và Bolivia (53,1%). Các quốc gia Mỹ Latinh và Caribbe cũng có thêm 4 nước trong top 10 là Mexico (48,2%), Grenada (46,7%), Nicaragua (45,7%) và Costa Rica (45,6%).

Các nước còn lại trong top 10 có 2 quốc gia châu Phi khác là Namibia (46,2%) và Nam Phi (42,7%). Thụy Điển hiện có 46,1% nữ giới trong quốc hội.

Tỷ lệ phụ nữ trong quốc hội các nước Bắc Âu đứng đầu thế giới với 42,3% khiến khu vực này luôn chiếm thứ hạng cao về chỉ số quyền lực của phụ nữ và bình đẳng giới. Các nước khu vực này luôn tích cực xây dựng và phát triển bộ máy quốc gia chuyên trách trong chính phủ về bình đẳng giới hoặc về sự tiến bộ của phụ nữ với các mô hình khá đa dạng như Bộ Bình đẳng giới hoặc phụ trách về lĩnh vực bình đẳng giới (Phần Lan, Na Uy...), Thanh tra bình đẳng giới (Phần Lan,Thụy Điển...).

Tiếp sau Bắc Âu là châu Mỹ (30,3%), phần còn lại của châu Âu (26,5%), châu Phi cận Sahara (23,8%), châu Á (19,7%) và các quốc gia Arab (18,7%) tụt xuống dưới mức trung bình toàn cầu. Các quốc gia Thái Bình Dương có thành tích tệ nhất với 15,5% nữ giới trong quốc hội.


Nguồn: (Theo UN Women, weforum.org)
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm