Phụ nữ khi khởi nghiệp luôn có sự thấu đáo, chỉn chu

Đình Hưng
16/09/2023 - 17:56
Phụ nữ khi khởi nghiệp luôn có sự thấu đáo, chỉn chu

Chủ một Dự án khởi nghiệp đang giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng

Khi khởi nghiệp, người phụ nữ có sự thấu đáo, chỉn chu trong xây dựng kinh doanh, làm tới nơi tới chốn.

Đây là chia sẻ của ThS. Phan Đình Tuấn Anh, sáng lập viên Công ty Đầu tư khởi nghiệp và cố vấn đổi mới sáng tạo, tại vòng Chung kết Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp cấp vùng miền Nam vừa được TƯ Hội LHPN Việt Nam tại tỉnh Bến Tre. ThS Phan Đình Tuấn Anh cũng là thành viên Hội đồng Ban giám khảo Cuộc thi.

Theo ông Tuấn Anh, Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2023 với chủ đề "Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa" đã "chạm" đến được với những phụ nữ khởi nghiệp ở các ngõ ngách, ở cấp phường xã, khi họ ít có cơ hội được tiếp cận với những cuộc thi khởi nghiệp quy mô lớn.

Thông qua cuộc thi, các chị em có cơ hội, điều kiện và nguồn lực để cải thiện sinh kế; tiến đến việc tự chủ kinh tế góp phần thực hiện bình đẳng giới.

Phụ nữ khi khởi nghiệp luôn có sự thấu đáo, chỉnh chu - Ảnh 1.

ThS. Phan Đình Tuấn Anh, sáng lập viên Công ty Đầu tư khởi nghiệp và cố vấn đổi mới sáng tạo

+ Ông đánh giá thế nào về tiềm năng, lợi thế, cũng như thách thức của phụ nữ khi khởi nghiệp gắn với tài nguyên bản địa?

ThS Phan Đình Tuấn Anh: Tôi thấy rằng, các chị em khi khởi nghiệp hiểu được nguồn tài nguyên bản địa của địa phương, đặc tính của vùng nguyên liệu. Thử thách đặt ra là làm thế nào để chuyển đổi nguồn nguyên liệu của địa phương thành sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Nhìn chung, với các sản phẩm khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa, người phụ nữ mới chỉ mới dừng lại ở việc bán cái mình có chứ chưa bán cái khách hàng cần. Theo tôi, điều mà nhiều chị em đang thiếu là họ chưa được trang bị để hình thành một mô hình kinh doanh hoàn chỉnh; các chị có thể phát triển được sản phẩm nhưng chưa phát triển được mô hình kinh doanh xoay quanh sản phẩm. Các chị em phụ nữ cần được hỗ trợ để biết cách xây dựng được mô hình kinh doanh.

+ Vậy những vấn đề khác như nguồn vốn, kiến thức và pháp lý khởi nghiệp thì sao, thưa ông ?

ThS Phan Đình Tuấn Anh: Thật ra, nguồn vốn ở Việt Nam không còn khó khăn như trước. Tôi cho rằng, vấn đề hiện nay là các chị em chưa tiếp cận được các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp một cách sâu rộng. Có rất nhiều chương trình hỗ trợ khởi nghiệp trong và ngoài nước, với các tiêu chí khác nhau như hỗ trợ vốn, tiếp cận chuyên gia… nhưng đa phần chị em chưa được tiếp cận thông tin về các chương trình này.

Phụ nữ khi khởi nghiệp luôn có sự thấu đáo, chỉnh chu - Ảnh 2.

ThS. Phan Đình Tuấn Anh (bìa phải) trao biểu trưng của Cuộc thi cho tác giả Dự án đạt giải khuyến khích

Bên cạnh đó, các dự án khởi nghiệp ở nước ta còn đánh giá rất chủ quan về vấn đề pháp lý. Về cơ bản hành lang pháp lý và quy định pháp luật hiện nay ở nước ta đủ để bảo vệ các dự án; nhưng thường các dự án, chủ doanh nghiệp thiếu kiến thức về vấn đề này nên khi xảy ra vấn đề mới xử lý. Các vấn đề cơ bản thường gặp như đăng ký sở hữu trí tuệ, hợp đồng góp vốn, hợp đồng lao động… Điều này dẫn đến việc nhiều dự án khi đến giai đoạn trình bày để kêu gọi, thu hút vốn thì tỉ lệ thành công thấp. Nguyên nhân không phải vì chất lượng sản phẩm mà do khi rà soát, thẩm định pháp lý có quá nhiều rủi ro nên bị nhà đầu tư từ chối.

+ Thực tế, bán hàng trên sàn thương mại điện tử cũng là vấn đề khiến nhiều chị em khởi nghiệp băn khoăn, ông có đánh giá gì về việc này?

ThS Phan Đình Tuấn Anh: Hiện tại, mức độ nhận biết và quan tâm về thương mại điện tử của cả người bán và người mua ở nước ta đều thuộc hàng cao nhất ở khu vực. Nhưng mức độ hiểu được vai trò của thương mại điện tử như một kênh phân phối của doanh nghiệp thì các chị em chưa hiểu đúng. Hiện giờ, nhiều chị em hiểu thương mại điện tử là bán hàng online, nhờ người livestream bán hàng… Trong khi, thương mại điện tử thực chất là kênh phân phối trực tuyến, bổ trợ cho kênh phân phối truyền thống.

Phụ nữ khi khởi nghiệp luôn có sự thấu đáo, chỉnh chu - Ảnh 3.

Lãnh đạo TƯ Hội LHPN Việt Nam, lãnh đạo UBND tỉnh Bến Tre, Hội đồng Ban giám khảo cuộc thi cùng các 12 dự án khởi nghiệp tiêu biểu cấp vùng khu vực miền Nam

Thương mại điện tử không phải chỉ dành cho doanh nghiệp lớn mà còn là giải pháp dành cho các hộ kinh doanh, người kinh doanh cá nhân đưa sản phẩm ra thị trường.

+ Theo ông, khi phụ nữ khởi nghiệp thì cần phải lưu ý những điều gì?

Khi khởi nghiệp, chị em cần nhìn vào thị trường, từ đó sẽ giúp định hình mô hình kinh doanh phù hợp.

Theo tôi, phụ nữ khởi nghiệp có thuận lợi, đó là cảm nhận về thị trường tốt hơn nam giới. Đây cũng chính là lợi thế rất lớn khi các chị đưa sản phẩm ra thị trường. Khi khởi nghiệp, người phụ nữ có độ thấu đáo, chỉnh chu trong xây dựng kinh doanh; làm tới nơi tới chốn. Những doanh nghiệp do phụ nữ làm lãnh đạo thì sự chỉnh chu, chịu thương chịu khó luôn được thể hiện một cách rõ ràng.

Khởi nghiệp trong gian đoạn đầu phải chịu rất nhiều khổ cực chứ không đơn giản, nó không phải là hình ảnh chúng ta thường thấy trên intermet là chỉ cần một cái ba lô và laptop là có thể thành công.

Cảm ơn ông đã chia sẻ !

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm