pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phụ nữ La Ha "giữ lửa" văn hóa truyền thống

Giữa một buổi sớm tháng Ba, người dân bản Ten Che, xã Mường Sại, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La, gùi măng từ rừng trở về. Măng mọc là tín hiệu thiêng - là lúc tổ chức lễ hội Pang A Nụn Ban, để dâng măng đầu mùa lên trời đất, thần rừng và tổ tiên. Những đôi chân trần đã dẫm lên đất ẩm, hướng về rừng tre. Phụ nữ là những người đầu tiên nhận biết mùa măng. Không chỉ vì họ cần thực phẩm, mà vì họ có một thứ bản năng gắn với mùa, với đất, với cây.


“Măng mọc là rừng đang nói. Không ai hiểu rừng bằng đàn bà La Ha đâu", chị Lò Thị Hến ở bản Huổi Hẹ, xã Nậm Ét, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La, nói khi bước chân thoăn thoắt vào rừng hái măng

Trong gian nhà sàn gỗ pơ mu, mâm lễ Pang A đang được chuẩn bị.
Những bàn tay đàn bà thoăn thoắt gói măng, nấu xôi, múc rượu cần. Nhưng quan trọng hơn cả là việc chọn cây măng đầu mùa - thứ không thể thiếu trong lễ cúng.


Trong lễ cúng Pang A không thể thiếu cây Xặng Bók, làm từ cây móc và cây chuối rừng, trong đó cây móc tượng trưng cho trâu đen, cây chuối tượng trưng cho trâu trắng.

Phần lễ chủ yếu mời các vị tổ tiên, các vị thần linh, âm binh giúp đỡ cứu chữa bệnh cho tộc người về dự lễ, hưởng lộc của các con nuôi, với mong muốn các vị thần linh về phù hộ cho dân tộc La Ha luôn khỏe mạnh, ít ốm đau, mách bảo cho con người một số bài thuốc từ thiên nhiên có khả năng chữa bệnh.

Thầy cúng Lò Văn Hội cúng trời, đất, xin thần linh, ma bản cho tổ chức lễ Pang A

Tiếp đến, mọi người bắt đầu múa tăng bu, đánh trống, tung khăn múa xung quanh cây xặng bók, nghiêng ngả di chuyển theo nhịp gõ của tăng bu hết sức sôi nổi, rộn ràng.



Múa tăng bu (tức múa dỗ ống) là điệu múa truyền thống của người La Ha, phản ánh một loại hình nông nghiệp cổ xưa (chọc lỗ tra hạt), cổ vũ cho công việc sản xuất của người dân miền núi.

Những ống tre được dỗ xuống tấm ván, tạo nhịp điệu rộn ràng cho các điệu múa.
Vũ điệu Pang A không cần sân khấu. Nó diễn ra ở sân bản, trên nền đất, dưới mái trời. Những thiếu nữ La Ha trong váy áo thổ cẩm, xoay nhịp cùng tiếng trống tay, mô phỏng măng nhú, măng vươn, măng đâm qua đất.
Người La Ha không cố "bảo tồn" Pang A. Họ sống với nó, như một hơi thở, như một cách tự nhiên nhất. Giữa dòng chảy gấp gáp của hiện đại, Pang A Nụn Ban như một khoảnh khắc chậm rãi, nơi con người được kết nối lại với tự nhiên bằng tình yêu nguyên thủy. Và người phụ nữ La Ha, bằng sự bền bỉ, lặng lẽ, đã giữ sợi dây ấy suốt bao đời.
Người La Ha và lễ hội Pang A Nụn Ban