Phụ nữ Nhật Bản chống quấy rối trên các phương tiện giao thông công cộng

23/11/2019 - 11:27
Một loạt các sáng kiến chống lại kẻ sàm sỡ (chikan) ở Nhật đã ra đời. Nhiều người cài app điện thoại, ra dấu hay dùng mực vô hình để thoát khỏi những kẻ biến thái. Một trang web mới Chikan Radar cũng góp phần theo dõi các khu vực thường xảy ra hành vi quấy rối đối với phụ nữ ở Nhật Bản.
Đau đầu với tệ nạn quấy rối
 
Nhật Bản là một trong những quốc gia có nhu cầu sử dụng phương tiện giao thông công cộng cao nhất thế giới. Hình ảnh những chuyến tàu đầy ắp người trong giờ cao điểm không còn quá xa lạ. Nhiều tay "yêu râu xanh" cũng lợi dụng lúc đông đúc mà sờ soạng các hành khách nữ. Người phạm tội phải đối mặt với án tù lên tới 6 tháng hoặc phạt tiền lên tới 500.000 yên (4.620 USD). Trường hợp có bạo lực, án tù sẽ nâng lên 10 năm. Thế nhưng, theo điều tra, vẫn có 2.943 trường hợp báo cáo bị sàm sỡ ở Nhật năm 2017, chủ yếu ở Tokyo. 30% xảy ra trong khoảng thời gian từ 7 đến 9 giờ sáng trong giờ cao điểm buổi sáng. Hơn 50% các trường hợp quấy rối tình dục xảy ra trên tàu hỏa, và 20% xảy ra trong các nhà ga. 0,4% nạn nhân trong báo cáo là trẻ 10 tuổi, tiếp theo là 28,3% thanh thiếu niên, 42,6% nạn nhân ở độ tuổi 20, 11,3% ở độ tuổi 30, 3,3% ở độ tuổi 40, 1% ở độ tuổi 50. Theo một cuộc khảo sát, chỉ 10% số nạn nhân bị quấy rối báo với cảnh sát, đa phần vì họ ngại, xấu hổ hoặc sợ muộn học, làm.
 
Phụ nữ Nhật Bản dễ bị sàm sỡ trên tàu điện đông đúc

  

Từ nhiều năm trước, các công ty tàu hỏa Nhật Bản đã sắp xếp một số toa xe chỉ dành riêng cho phụ nữ như một nỗ lực bảo vệ nữ giới khỏi những kẻ quấy rối tình dục. Khi những toa tàu đặc biệt trên mới được chính thức đưa vào vận hành, hầu hết trẻ em gái, nữ sinh, nữ nhân viên… đều cảm thấy an tâm và thoải mái hơn khi di chuyển bằng tàu. Tuy nhiên, loại toa tàu này chưa phổ biến nên vẫn  còn những chị em khác lo lắng khi đi tàu.
 
Toa tàu dành riêng cho phụ nữ

 

 
Công ty Shachihata mới đây đã cho ra mắt sản phẩm mới có thể đánh dấu kẻ tấn công tình dục bằng cách đóng dấu vào tay chúng. Loại dấu chống sàm sỡ này sử dụng một loại mực đặc biệt, chỉ có thể nhìn thấy dưới tia UV. Đi kèm cùng con dấu là một bóng đèn đen có gắn thêm móc, được sử dụng để chiếu sáng con dấu trên tay kẻ tấn công, báo hiệu cho mọi người rằng có kẻ sàm sỡ ở gần. Sản phẩm trị giá 2.500 yên này có thể giúp xác định được thủ phạm của những vấn đề nhức nhối trên các tàu điện đông đúc ở Nhật Bản. Ông Hirofumi Mukai - Người phát ngôn của công ty Shachihata cho biết, sản phẩm này được thiết kế với mục đích răn đe, ngăn chặn hành động sàm sỡ. Công ty này cũng chia sẻ trên twitter rằng sản phẩm này là một bước nhỏ tiến đến một xã hội không có tội phạm, bao gồm cả sàm sỡ và các hành vi bạo lực.
 
Loại dấu chống sàm sỡ của Công ty Shachihata

  

Bà Yayoi Matsunaga - Người đứng đầu Trung tâm hoạt động phòng chống quấy rối Chikan Yokushi có trụ sở tại Osaka hoan nghênh hành động đầy ý nghĩa của công ty này. Chính bà Matsunaga đã phát động chiến dịch gây quỹ cộng đồng năm 2015 để làm ra những chiếc huy hiệu với thông điệp "Sàm sỡ là tội ác. Tôi sẽ không khóc thiếp đi". Theo một cuộc khảo sát, chúng đã phát huy hiệu quả: Gần 95% người mang huy hiệu đã không bị sàm sỡ trên phương tiện công cộng.
 
Ứng dụng theo dõi kẻ sàm sỡ
 
Tháng 8/2019, cô Nari Woo và Remon Katayama đã cho ra mắt "Chikan Radar", ứng dụng cho phép người dùng theo dõi các khu vực thường xảy ra hành vi quấy rối đối với phụ nữ và báo cáo kẻ sàm sỡ. Kể từ khi ra mắt vào tháng 8, 981 trường hợp đã được báo cáo ở khắp Nhật Bản. Có trụ sở tại Tokyo, công ty khởi nghiệp CNTT QCCCA Inc. là đơn vị điều hành các dịch vụ của trang web Chikan Radar, trong đó có bao gồm cả dịch vụ tư vấn chống quấy rối. Khi cô Nari Woo, người đứng đầu công ty QCCCA Inc., gửi một tweet để thông báo trang web mới này, đã có hơn 10.000 tin nhắn lại trên Twitter. “Tôi muốn việc tích lũy dữ liệu này sẽ hữu ích với các biện pháp phòng ngừa để dẫn đến xóa bỏ tình trạng quấy rối, lạm dụng tình dục ở nơi công cộng”, cô Nari Woo nói.
 
Cô Nari Woo (trái) và đồng nghiệp Remon Katayama đã cho ra mắt trang web "Chikan Radar"

  

Theo hướng dẫn của cô Nari Woo, trên trang web Chikan Radar, nạn nhân có thể nhấn nút để ghi lại sự cố bị quấy rối. Từ đó, trang web sẽ  chỉ ra vị trí đến ga tàu mà người dùng trong vụ tấn công thông qua việc theo dõi vị trí của người dùng. Dữ liệu này sau đó được hiển thị trên bản đồ. Thông tin là ẩn danh và không được kết nối với cảnh sát nếu không được phép của người cung cấp. Nếu người dùng đăng ký với chương trình thông qua ứng dụng nhắn tin miễn phí LINE, họ cũng có thể nhận lại dữ liệu về máy mình.
 
Cô Nari Woo cho biết, ý tưởng phát triển trang web đã xuất hiện trong cô từ cuộc thảo luận trực tuyến vào tháng 5 về các quyền hạn và những hạn chế của việc sử dụng chốt an toàn chống lại kẻ tấn công như một biện pháp bảo vệ bản thân trước những kẻ quấy rối tình dục. Thông thường trong các cuộc thảo luận về vấn đề này, trọng tâm là làm thế nào các nạn nhân có thể lên tiếng phản đối. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều người không dám lên tiếng do lo sợ. Cũng có những người từ bỏ việc báo cáo các sự cố trong giờ cao điểm buổi sáng do lo ngại rằng họ có thể bị trễ học hoặc các cuộc hẹn khác. “Từ những yếu tố này, công ty đã quyết định tạo một trang web sẽ sử dụng dữ liệu của nạn nhân, giúp họ thử giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng và tiến tới giải quyết triệt để vấn nạn quấy rối ở nơi công cộng hoặc trên các phương tiện công cộng. Chúng tôi sẽ  kêu gọi hợp tác từ các công ty điều hành đường sắt và cảnh sát một khi họ đã thu thập được một lượng dữ liệu nhất định, để sử dụng nó trong việc lắp đặt camera an ninh và thiết lập các cuộc tuần tra”, cô Nari Woo nói.
 
Ứng dụng "Chikan Radar" dễ sử dụng trên điện thoại

  

Hiện trang web Chikan Radar cung cấp bản đồ chung và biểu đồ hiển thị tổng số vụ quấy rối tình dục trên mỗi trạm xe buýt, nhà ga tàu điện ngầm. Chikan Radar đã thu thập được hơn 900 trường hợp quấy rối tình dục nơi công cộng. Đã có hơn 40.000 phụ nữ đăng ký sử dụng ứng dụng này. Đáng chú ý là do ảnh hưởng từ trang web Chikan Radar, phía cảnh sát thủ đô Tokyo cũng đã tạo ra một ứng dụng có tên Digi Police, cho phép người dùng kích hoạt và nó sẽ phát ra âm thanh "Dừng lại!", đồng thời màn hình điện thoại người dùng hiển thị nội dung: "Có kẻ quấy rối ở đây. Xin hãy giúp đỡ tôi!".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm