Nhiều phụ nữ Nhật Bản đã bày tỏ sự tức giận do bị các công ty đề nghị đeo kính áp tròng thay vì kính mắt khi đến chỗ làm. "Cấm đeo kính" trở thành từ khóa phổ biến trên mạng xã hội Nhật Bản từ hôm 6/11 sau phóng sự của Nippon TV về việc các công ty bắt nhân viên nữ đeo kính áp tròng thay vì kính mắt. Trong thời gian đồng hành cùng #KuToo - chiến dịch chống lại đạo luật bắt buộc phụ nữ Nhật Bản đi giày cao gót, nhà báo Ikuko Takeshita của tờ Business Insider nhận được nhiều phản hồi khác về việc bị cấm sử dụng kính cận khi đi làm, đặc biệt đối với nhân viên nữ. Lý do chính khiến cho cộng đồng mạng “dậy sóng” thời gian gần đây là các nhà hàng Nhật Bản cho rằng kính cận không phù hợp với trang phục kimono. Không ít nhà hàng ở Nhật Bản cấm nhân viên, đặc biệt là nữ, đeo kính cận với lý lẽ họ có thể làm rơi vào đồ ăn của thực khách hoặc tạo ra ánh nhìn thiếu tôn trọng.
Một người dùng Twitter cho biết, sếp cũ của cô nói rằng đeo kính không hấp dẫn được khách hàng, trong khi người khác bày tỏ sự đau đớn mà cô phải chịu đựng mỗi khi đeo kính áp tròng dù vừa phục hồi tình trạng nhiễm trùng mắt. Theo tìm hiểu của Nippon TV và Business Insider, các công ty trên nhiều lĩnh vực đều có cách giải thích khác nhau về việc cấm phụ nữ đeo kính như lý do an toàn với nhân viên hàng không hay nhân viên trong ngành làm đẹp cần cho khách hàng thấy đầy đủ lớp trang điểm. Một số chuỗi bán lẻ cho rằng những nhân viên đeo kính mang lại "cảm giác lạnh lùng" cho khách hàng.
Sau khi những chia sẻ trên lan truyền trong cộng đồng mạng, làn sóng phản đối quy định về trang phục nói chung và kính cận nói riêng của các nhà hàng xứ sở hoa anh đào xuất hiện. Nhiều người cho rằng, Nhật Bản đang quá coi trọng hình thức bên ngoài của các nhân viên nữ thay vì năng lực và kinh nghiệm của họ. Đồng thời, vấn đề này thể hiện việc phân biệt đối xử đối với phái nữ tại nơi làm việc trong xã hội Nhật Bản. "Những lý do cho việc cấm phụ nữ đeo kính đều thực sự vô nghĩa. Vấn đề này không liên quan gì tới cách phụ nữ làm việc. Các công ty chỉ đánh giá vẻ ngoài của phụ nữ và muốn họ nữ tính. Những người đeo kính thì không đáp ứng điều kiện đó”, Kumiko Nemoto - Giáo sư xã hội học tại Đại học Ngoại ngữ Kyoto cho biết. Còn ông Kanae Doi - Giám đốc Tổ chức Giám sát Nhân quyền tại Nhật Bản cho rằng, nếu các quy tắc công sở chỉ cấm mỗi phụ nữ đeo kính, đây sẽ là phân biệt đối xử.
Nhiều người cũng thông qua tranh cãi về chuyện cấm đeo kính để đề cập những quy định hạn chế về trang phục ở trường học Nhật Bản. Nhiều trường bắt buộc học sinh để tóc đen và tạo kiểu theo một số quy định cụ thể. Ngày càng có nhiều phụ nữ Nhật Bản bày tỏ hy vọng các quy định về chuyện ăn mặc dành cho phụ nữ tại nơi làm việc sẽ được dỡ bỏ. Sự việc đấu tranh để phụ nữ được đeo kính đi làm tương tự phong trào #Kutoo nhằm kêu gọi chính phủ Nhật Bản cấm các công ty ép phụ nữ phải đi giày cao gót đi làm để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe. "Nếu đeo kính thực sự là vấn đề tại nơi làm việc thì ai cũng nên bị cấm, kể cả phụ nữ và đàn ông. Chuyện này giống hệt vụ bắt đi giày cao gót. Đó là quy định dành riêng cho lao động nữ", nhà văn Yumi Ishikawa, người khởi xướng phong trào #Kutoo nêu ý kiến.
Trước khi trở thành một chiến dịch kêu gọi có quy mô lớn trên toàn quốc, phong trào #KuToo bắt đầu từ tháng 1/2019 khi cô Ishikawa chia sẻ về việc cô phải đi giày cao gót tại nhà tang lễ mà cô làm thêm. Đó là việc Ishikawa đã đứng hàng giờ với đôi giày cao gót màu đen trong công việc của một người phục vụ tại nhà tang lễ ở Tokyo. Cơn đau bắt nguồn từ đôi giày đã lan qua lưng, chân và bàn chân của cô ấy thật dữ dội. Khi nhìn các đồng nghiệp nam đang đi những đôi giày màu đen, bằng phẳng, cô nghĩ “nếu phụ nữ được phép đi giày như vậy, công việc của chúng tôi sẽ bớt khó chịu hơn”. Cô đã đăng tải trên Twitter dòng suy nghĩ này. Bài viết của cô đã thu hút hơn 67.000 lượt thích và gần 30.000 lượt chia sẻ lại. Cô đã cùng các nhóm hoạt động vì phụ nữ nộp đơn kiến nghị lên Bộ Lao động Nhật Bản, kêu gọi chính phủ cấm các công ty ép phụ nữ phải đi giày cao gót đi làm. Những người này cho rằng, buộc phụ nữ đi giày cao gót là hành vi phân biệt đối xử với phụ nữ, không thể chấp nhận trong xã hội hiện đại. Hơn 21.000 người đã ký vào đơn thỉnh nguyện gửi chính phủ.
Nhật Bản đứng thứ 110 trong số 149 nước trong bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới đánh giá về mức độ bình đẳng giới. Mặc dù Thủ tướng Shinzo Abe đã thực hiện nỗ lực tăng cường quyền lợi cho các nữ lao động ở nước này qua một chính sách có tên “phụ nữ kinh tế” nhưng Nhật Bản vẫn xếp hạng cuối trong số các nước G7 về bình đẳng giới. Nhật Bản hiện vẫn còn luật cấm phân biệt đối xử theo giới tính tại nơi làm việc dựa trên một số tiêu chí như tuyển dụng, thăng chức, đào tạo và gia hạn hợp đồng nhưng không đề cập tới quy định về trang phục.