pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phụ nữ Quảng Nam chủ động ứng phó với mưa lũ do hoàn lưu bão số 6
Cán bộ Hội LHPN TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, cùng lực lượng chức năng đi rà soát những hộ gia đình có nguy cơ phải di dời khi bị ngập lụt. Ảnh: Hội LHPN tỉnh Quảng Nam
Thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, tính đến sáng 28/10, địa bàn đã có 3 người bị thương, 1 người tử vong khi chằng chống nhà cửa phòng chống cơn bão số 6; có hơn 30 nhà dân đã bị tốc mái, hư hại do bão. Nhiều điểm cây cối ngã đổ ra mặt đường.
Đã xuất hiện một số điểm sạt lở đất đá, cây cối từ taluy dương tại địa bàn các huyện Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Nam Trà My. Nặng nhất là tại km68+300 (xã Mà Cooih, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam), taluy dương sạt lở tràn đất đá ra mặt đường, khiến phương tiện không đi lại được.
Một số hình ảnh thiệt hại do bão số 6 gây ra tại Quảng Nam. Ảnh: CTV
Mưa lớn cùng với thủy điện trên thượng nguồn điều tiết xả lũ cũng đã khiến nước sông Kôn dâng cao, một số vùng trũng thấp, được xem là "rốn lũ" như ở xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, bị ngập sâu, nhiều nơi bị ngập sâu gần cả mét. Nước lên rất nhanh, bà con phải tất tả dọn dẹp đồ đạc tránh lũ.
“Do được cán bộ Hội phụ nữ cùng chính quyền địa phương tuyên truyền từ rất sớm, cộng với kinh nghiệm sống chung với mưa lũ từ lâu nên khi có thông báo là bà con đã tiến hành kê đồ đạc, tài sản lên cao nên không gây thiệt hại gì”, bà Nguyễn Thị Trinh (56 tuổi, xã Đại Hưng) cho biết.
Hội LHPN huyện Đại Lộc đã cùng chính quyền địa phương hỗ trợ cung cấp nhu yếu phẩm, thuốc men cho hơn 300 hộ dân của xã Đại Hưng đủ dùng trong vài ngày, phòng tình trạng cô lập tiếp diễn.
Cán bộ Hội LHPN các cấp của tỉnh Quảng Nam giúp người dân hạn chế tối đa ảnh hưởng của mưa lũ do hoàn lưu bão số 6. Ảnh: Hội LHPN tỉnh Quảng Nam.
Theo bà Lê Thị Ánh Nguyệt, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Nam, trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, tỉnh Hội đã chỉ đạo cán bộ Hội phụ nữ cấp cơ sở phối hợp cùng chính quyền địa phương thực hiện tốt phương châm "Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người, từng khu vực" nhằm đảm bảo kiểm tra, hỗ trợ kịp thời cho người dân nếu nằm trong khu vực nguy hiểm.
"Hệ thống loa tay, loa truyền thanh được chị em tận dụng tối đa để thông tin, tuyên truyền, cập nhật đến người dân diễn biến của mưa bão, nguy cơ lũ lụt, sạt lở đất. Hiện đã có hàng nghìn phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi ở những khu vực nguy hiểm đã được di dời đến địa điểm tạm lánh, đảm bảo an toàn. Tại những địa điểm này, cán bộ, hội viên sẽ đảm nhiệm thêm công tác hậu cần, hỗ trợ cung cấp các suất ăn, lương thực, thực phẩm cho người dân" - bà Nguyệt cho hay.