pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phụ nữ Văn Giang nhàn tênh nhờ tưới cây bằng... điện thoại
Chị Nguyễn Thị Anh ngồi dưới bóng mát tưới cây bằng điện thoại
Tưới cây bằng điện thoại
Trên cánh đồng bạt ngàn quất cảnh ở xã Liên Nghĩa, huyện Văn Giang, Hưng Yên, chị Nguyễn Thị Anh, người ở thôn AB Quán Trạch, đang ngồi ở đầu ruộng quất cảnh, sử dụng điện thoại điều khiển hệ thống tưới tự động. Hệ thống máy bơm từ bể chứa nước, được kết nối bộ điều khiển có gắn sim điện thoại để nhận tín hiệu điều khiển máy bơm. Sau đó tải phần mềm điều khiển về điện thoại và kết nối với bộ điều khiển máy bơm.
Lúc này chị chỉ việc thao tác khởi động máy bơm thông qua phần mềm trên màn hình điện thoại, là nguồn nước cứ thế theo ống dẫn chảy vào từng chậu cây.
Công việc của chị Nguyễn Thị Anh lúc này chỉ việc ngồi theo dõi vận hành hệ thống, đến khoảng 1 tiếng sau thì toàn bộ vườn cây đã được tưới đủ lượng nước, chị Anh chỉ việc thao tác tắt hệ thống thông qua màn hình điện thoại, là đã hoàn thành công việc của mình trong cả một ngày.
Với ruộng quất cảnh lên tới hàng nghìn chậu quất, bưởi như thế này, nếu tưới thủ công như xưa, chị phải làm mất cả ngày cũng chưa chắc đã xong, và lượng nước tưới sẽ không thể đồng đều. Nhưng kể từ gia đình chị lắp đặt hệ thống tưới tự động, điều khiển bằng điện thoại, thì phần công việc vốn nặng nhọc vất vả cho người phụ nữ lại trở lên nhẹ nhàng hơn bao giờ hết.
Để đầu tư hệ thống tưới tự động như thế này, phải bỏ chi phí khoảng 7-8 triệu đồng/sào ruộng, bao gồm chi phí xây bể chứa nước, mua máy móc, ống dẫn. Phần việc còn lại là xử lý nước, thao tác điều hành trên phần mềm đã được cài đặt trên điện thoại.
Chị Nguyễn Thị Anh chia sẻ: "Mỗi năm gia đình tôi làm hơn nghìn chậu bưởi, quất cảnh mini, phần công việc tưới tắm, chăm bón thường là phụ nữ đảm nhiệm, nó tốn khá nhiều thời gian, về mùa khô, thì hầu như ngày nào tôi cũng phải đi tưới từ sáng tới tối mới xong. Mà cách tưới tiêu thủ công rất vất vả, lượng nước phân bổ tốn kém mà lại không đều. Từ khi lắp đặt hệ thống tưới thông minh, công việc của tôi nhẹ nhàng hơn rất nhiều, chỉ việc kiểm soát lượng nước nguồn và hệ thống ống vận hành. Thậm chí mình có thể ngồi ở nhà mà vẫn kiểm soát được việc tưới cây ngoài đồng thông qua chiếc điện thoại. Khi lắp đặt hệ thống tưới tự động, lượng nước tưới tiết kiệm được 30%, thời gian tưới tiết kiệm được 80%, vì lúc trước mình kéo dây tưới khắp vườn nên rất mất thời gian".
Ứng dụng công nghệ cho nông nghiệp
Hiện nay, cả xã Liên Nghĩa, huyện Văn Giang, có tổng diện tích trồng quất cảnh, bưởi cảnh lên tới 74 ha. Nếu đàn ông thường phụ trách các công việc về kỹ thuật, bơm thuốc trừ sâu, thì việc tưới tắm đa phần là người phụ nữ đảm nhiệm, nên phần công việc này cũng ;làm tốn khá nhiều sức lực và thời gian của chị em.
Chị Bùi Thị Thủy, ở thôn AB Quán Trạch, xã Liên Nghĩa, chủ nhà vườn Thủy Mạnh, chia sẻ: "Cách đây vài năm, chị em chúng tôi xem trên tivi, thấy họ giới thiệu công nghệ tưới tự động hay quá, mấy chị em mới rủ nhau liên hệ nhà cung cấp để tìm hiểu. Sau đó thấy giá cả hợp lý mà tiết kiệm được rất nhiều công sức cho chị em trong công việc tưới cây, nên đã rủ nhau đầu tư".
Việc tưới cây tưởng chừng đơn giản, nhưng thực tế trong nghề trồng quất cảnh mới thấy nó vất vả như thế nào, hàng ngày chỉ ăn với đi bơm nước tưới. Khi bơm nước tưới cũng phải tiên lượng mức nước tưới hợp lý cho từng cây, từng chậu, vì tưới nhiều thì cây có thể úng, thối rễ, hoặc ít quá thì cây chậm phát triển. Mỗi ngày vừa kéo dây, vừa di chuyển để tưới hết cho hàng nghìn chậu cây là một công việc rất vất vả. Với việc ứng dụng công nghệ tưới thông minh, giảm bớt gánh nặng cho phụ nữ và họ không còn bị ám ảnh bởi công việc tưới cây như trước nữa.