pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phụ nữ Việt Nam đang chịu gánh nặng gấp đôi về công việc và gia đình
Ảnh minh họa
Tại đối thoại chính sách về “Hỗ trợ phụ nữ phát triển sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu sau ảnh hưởng dịch Covid-19” do Hội LHPN Việt Nam và Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) phối hợp tổ chức, bà Ann Mawe, Đại sứ Vương quốc Thụy Điển tại Việt Nam, cho biết, phụ nữ Việt Nam đang chịu một gánh nặng gấp đôi gồm cả công việc và trách nhiệm gia đình.
"Trong bối cảnh bất bình đẳng đang tồn tại, Covid-19 đã làm cho những bất bình đẳng này trở nên trầm trọng hơn. Bất bình đẳng xã hội và kinh tế ngày càng trầm trọng, bao gồm cả bất bình đẳng giới. Theo một nghiên cứu gần đây của Tổ chức lao động quốc tế ILO, phụ nữ dành trung bình 20 tiếng mỗi tuần để dọn dẹp nhà cửa, giặt quần áo, nấu nướng và đi chợ, chăm sóc trẻ em và người già. Và hầu hết trong số họ đều đồng thời đảm nhận một công việc toàn thời gian. Trong khi đó đàn ông chỉ dành 10 tiếng để làm công việc nhà và gần 1/5 nam giới không dành bất kỳ thời gian nào cho các công việc này ở Việt Nam" - Bà Ann Mawe chia sẻ.
Ở Việt Nam và các nơi khác, đại dịch đã ảnh hưởng nặng nề nhất đến các lĩnh vực mà phụ nữ chiếm đa số, như các ngành công nghiệp thực phẩm, công việc giúp việc gia đình và các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động. Phụ nữ cũng chiếm phần lớn trong số hàng triệu người lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức, những người không có hoặc có rất ít bảo trợ xã hội sau khi mất việc làm. Sự tham gia của họ vào nền kinh tế chính thức cũng tiếp tục giảm nhanh hơn so với nam giới.
Phụ nữ thường không được tiếp cận với các nguồn lực khác như giáo dục, thông tin, đất đai và tín dụng... những thứ có thể giúp họ đối mặt với khủng hoảng, có thể là trong một đại dịch như Covid-19 hoặc khi thiên tai và mất sinh kế xảy ra do hậu quả của biến đổi khí hậu.
Tại buổi đối thoại, bà Elisa Fernandez, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam, cho hay, trên toàn thế giới, mọi người ngày càng công nhận rằng bất bình đẳng giới cùng với khủng hoảng khí hậu, môi trường và thảm họa là hai thách thức phát triển bền vững lớn nhất của thời đại chúng ta, ảnh hưởng đến toàn bộ hành tinh và tất cả mọi người, với những tác động không cân xứng đối với phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương và những nhóm bên lề. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng thiên tai, thảm họa về khí hậu và môi trường đe dọa việc thực hiện đầy đủ các quyền con người, đặc biệt là các quyền được sống và có nhân phẩm, được phát triển, có một cuộc sống không bị bạo lực và không bị phân biệt đối xử, có mức sống đầy đủ, được tiếp cận đến chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần theo tiêu chuẩn, được tiếp cận đến nước sạch và vệ sinh, và những thứ có tác động nghiêm trọng đến phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt là phụ nữ nông thôn, bản địa và người di cư.
Sự tác động kinh tế và xã hội của đại dịch COVID-19 đã làm tăng thêm ảnh hưởng của các cuộc khủng hoảng khí hậu và môi trường và đẩy những người bị tụt hậu xa hơn vào tình trạng nghèo cùng cực. Trong bối cảnh này, phụ nữ và trẻ em gái thường chịu nhiều tác động tiêu cực hơn.
Ở Việt Nam, đất nước đang phải đối mặt với tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu và thiên tai. Hạn hán và lũ lụt nghiêm trọng xảy ra trong những năm qua ở Việt Nam không chỉ gây thiệt hại to lớn về kinh tế mà còn gây ra những hậu quả tiêu cực đến mọi mặt của đời sống người dân, đặc biệt là cuộc sống của những người dễ bị tổn thương nhất. Điều này cũng có thể kéo lùi những thành tựu của Việt Nam trong xóa đói giảm nghèo và làm chậm quá trình thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững - bà Elisa Fernandez nhấn mạnh.