"Phụ nữ Việt Nam" xứng đáng là tờ báo “đàn chị” ở dòng báo chí phụ nữ

02/03/2018 - 12:04
Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống báo Phụ nữ Việt Nam, GS.TS Đỗ Quang Hưng, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu tôn giáo, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, đã có những chia sẻ về dòng báo chí phụ nữ nói chung và báo PNVN nói riêng.

Báo chí phụ nữ thuộc dòng báo chí chuyên biệt. So với khu vực Đông Nam Á, nước ta xuất hiện dòng báo chí này khá sớm.

Nhắc đến báo chí viết về phụ nữ, không thể không nhắc tới sự đóng góp của nữ sĩ danh tiếng Sương Nguyệt Anh cùng sự ra đời của tờ “Nữ giới chung”. Dù chỉ tồn tại trong 1 năm nhưng tờ báo này được ví như một tiếng chuông đầu tiên đánh dấu thời kỳ nữ quyền trong điều kiện xã hội thuộc địa bắt đầu phát triển.

hung.jpg
GS.TS Đỗ Quang Hưng (giữa), nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu tôn giáo, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam

 

Sau đó, cùng với sự phát triển của xã hội, báo chí phụ nữ dần xuất hiện nhiều hơn. Nhưng tờ báo mà tôi cho rằng trưởng thành nhất cả về nội dung lẫn hình thức trong thập kỷ 1930 chính là tờ “Phụ nữ tân văn”. Tờ báo này ra đời trong bối cảnh xã hội chuyển mình hơn về văn hóa, thành thị, tầng lớp trung lưu nhiều hơn nên nhu cầu đọc báo cũng cao hơn. “Phụ nữ Tân văn” do đó có một vị thế nhất định, định hình rõ nét hơn về vấn đề nữ quyền, gián tiếp phản biện các chính sách xã hội liên quan đến phụ nữ. Thể loại cũng đa dạng hơn như truyện ngắn, dịch thuật, tạp văn, đồng thời bắt đầu định hình về lượng phát hành, thậm chí đăng tin rao vặt quảng cáo. Đặc biệt, công tác bạn đọc cũng phát triển ở chỗ không chỉ đơn thuần là người mua báo mà còn là dần hình thành đội cộng tác viên - điều mà chưa một tờ báo nào tính đến thời điểm ấy làm được.

Về báo Phụ nữ Việt Nam, bản thân gia đình tôi có mối duyên nhất định. Bố tôi - nhà văn Đỗ Quang Tiến - có nhiều năm là cộng tác viên của báo Phụ nữ Việt Nam, do đó tôi có điều kiện để biết về tờ báo này. Trải qua nhiều giai đoạn phát triển nhưng điều mà tôi ấn tượng nhất với tư cách bạn đọc: Báo Phụ nữ Việt Nam là tiếng nói của phụ nữ nhưng đạt đến trình độ của một tờ báo tốp đầu có nghề làm báo. Bản thân tôi cũng là bạn đọc trung thành của báo Phụ nữ Việt Nam, yêu mến tờ báo từ nhiều năm trước đây.

bia-bao.jpg
Báo PNVN số đặc biệt kỷ niệm 108 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và 70 năm Ngày truyền thống Báo PNVN (8/3/1948 - 8/3/2018)

 

Tôi cũng đánh giá cao về sức hút cộng tác viên của tờ báo, với lượng nhà văn, nhà thơ cộng tác hùng hậu, từ đó tạo nên giọng văn riêng của báo. Nhiệm vụ tuyên truyền không chỉ là vấn đề nữ quyền mà sứ mệnh của tờ báo chính là tiếng nói của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Các yêu cầu về chính trị xã hội, tờ báo rất đảm bảo. Có điều này nữa mà tôi cũng rất yêu thích là tờ báo ít khi “lên gân” nhưng gắn với phụ nữ nên làm cho người đọc cảm thấy thích thú.

Những thập kỷ gần đây, báo Phụ nữ Việt Nam có chuyển biến tốt, đó là đi vào con người phụ nữ rất thật. Người phụ nữ ấy có thể là sinh viên, cán bộ Nhà nước, phụ nữ nông thôn… Đó là những đối tượng cụ thể, với cách thể hiện sinh động đã gây ấn tượng xã hội rất tốt.

Báo cũng giải quyết các vấn đề như phụ nữ giữ gìn phẩm giá, tránh sự băng hoại của đạo đức xã hội. Báo cũng đặt ra vấn đề tế nhị phức tạp như nạn mại dâm... Hoặc các vấn đề mới của phụ nữ hiện nay như phụ nữ đơn thân, phụ nữ trong gia đình khủng hoảng, có hoàn cảnh đặc biệt... Chẳng báo nào hay hơn báo Phụ nữ Việt Nam làm việc này.

Báo Phụ nữ Việt Nam thực sự là tờ báo đứng đầu, xứng đáng là tờ báo “đàn chị” trong dòng báo chí phụ nữ, có bề thế riêng, kể cả trên văn đàn, báo chí, vị thế xã hội… rất đáng quý!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm