Phú Thọ: Mô hình mới, hiệu quả cao của phụ nữ khởi nghiệp

Hội LHPN tỉnh Phú Thọ
13/06/2021 - 17:42
Phú Thọ: Mô hình mới, hiệu quả cao của phụ nữ khởi nghiệp

Mô hình khởi nghiệp về may gia công giày da, vật tư y tế của chị Lê Thị Thanh Hương - khu 1, xã Sông Lô, thành phố Việt Trì tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương

Với nhiều cách làm sáng tạo, thiết thực, những năm qua, Hội LHPN tỉnh Phú Thọ đã tích cực hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gắn với hỗ trợ phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp.

Qua đó, đã và đang khơi nguồn cho hội viên phấn khởi tự tin, mạnh dạn vươn lên trong cuộc sống, từng bước nâng cao vị thế người phụ nữ trong gia đình và xã hội, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế ở địa phương.

Khơi nguồn cho phụ nữ khởi nghiệp

Dẫn chúng tôi tham quan các mô hình phụ nữ khởi nghiệp, chị Nguyễn Thị Kim Khánh- Chủ tịch Hội LHPN thành phố Việt Trì cho biết: “Các cấp hội phụ nữ trong thành phố đã có nhiều sáng tạo trong việc xã hội hóa huy động các nguồn lực thực hiện; chỉ đạo lồng ghép triển khai thực hiện đề án với triển khai thực hiện các nhiệm vụ, phong trào thi đua, cuộc vận động để tổ chức các hoạt động đảm bảo đúng mục tiêu, chỉ tiêu đề ra. Kết quả đến nay, Hội duy trì 81 mô hình phụ nữ khởi nghiệp, 41 tổ nhóm liên kết phát triển kinh tế ở 22 phường/xã góp phần tạo việc làm thường xuyên cho gần 300 hội viên, giúp cán bộ, hội viên phụ nữ từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Phú Thọ: Mô hình mới, hiệu quả cao của phụ nữ khởi nghiệp - Ảnh 1.

Lãnh đạo thành phố Việt Trì tham quan các sản phẩm của các mô hình khởi nghiệp do phụ nữ thành phố thực hiện tại “Ngày hội phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp

Chị Lê Thị Thanh Hương- hiện là chủ xưởng may gia công giày da, vật tư y tế tại khu 1, xã Sông Lô, thành phố Việt Trì. Hiện nay, xưởng tạo việc làm thường xuyên cho 30-35 lao động với thu nhập từ 4-5 triệu đồng/tháng. Trừ mọi chi phí, gia đình chị có thu nhập bình quân khoảng 200 triệu đồng/năm. Chị Hương chia sẻ: “Để có được kinh tế tương đối ổn định như hiện nay, ít ai biết, khi khởi nghiệp, tôi đã được Hội LHPN thành phố Việt Trì tạo điều kiện cho vay vốn hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp là 20 triệu đồng và được tư vấn về kỹ thuật. Số tiền tuy nhỏ nhưng là nguồn động viên rất lớn với tôi và gia đình trong những ngày đầu khởi nghiệp”.

Nắm bắt nhu cầu được trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong phát triển kinh doanh của phụ nữ, từ năm 2020 Hội LHPN xã Thụy Liễu, huyện Cẩm Khê luôn chú trọng các hoạt động hỗ trợ hội viên vay vốn phát triển kinh tế, tạo điều kiện để các hội viên khởi nghiệp. Được tư vấn, vận động xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh mới, nhiều chị đã mạnh dạn vay vốn đầu tư thực hiện. 

Điển hình sản xuất, kinh doanh, chị Trần Thị Tuyến- hội viên chi hội phụ nữ khu 5 đã đầu tư xây dựng mô hình nuôi chim bồ câu Pháp. Hội LHPN xã đã phối hợp với Hội LHPN huyện hỗ trợ cho gia đình chị Tuyến vay 30 triệu đồng từ quỹ hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp. Với số tiền này và tiền tiết kiệm của gia đình chị đã đầu tư làm chuồng nuôi tập trung, mua hàng trăm đôi chim giống. Hiện tại gia đình đã nhân giống được 150 đôi chim bố mẹ, hàng tháng xuất bán được 30-40 đôi với giá bán bình quân 100 nghìn đồng/đôi. Chị Trần Thị Tuyến chia sẻ: “Qua các buổi sinh hoạt, tôi được tư vấn nhiều kinh nghiệm trong phát triển kinh tế, kỹ năng khởi nghiệp. Nhờ đó, tôi quyết định đi đầu trong phát triển kinh tế, nhờ đó mà cuộc sống gia đình đổi thay, cuộc sống ngày càng sung túc”.

Phú Thọ: Mô hình mới, hiệu quả cao của phụ nữ khởi nghiệp - Ảnh 2.

Chị Trần Thị Tuyến- hội viên Chi hội phụ nữ khu 5, xã Thụy Liễu, huyện Cẩm Khê thực hiện mô hình khởi nghiệp nuôi chim bồ câu Pháp mang lại thu nhập ổn định cho gia đình

Sau khi triển khai thực hiện Đề án 939, năm 2020, Hội LHPN tỉnh tập trung vào các chỉ tiêu: Mỗi huyện, thành, thị phối hợp tổ chức ít nhất 1 lớp tập huấn nâng cao nhận thức, phương pháp hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; 100% cơ sở Hội đẩy mạnh tuyên truyền các nội dung của Đề án  lồng ghép tuyên truyền đến hội viên, phụ nữ về việc làm, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; mỗi huyện, thành, thị hỗ trợ 10 phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và phát triển kinh doanh; 4 tổ hợp tác/tổ, nhóm liên kết phát triển kinh tế; thành lập 2 hợp tác xã do phụ nữ quản lý tại 2 huyện; 30% chủ doanh nghiệp là phụ nữ; 90% doanh nghiệp nữ mới thành lập được tư vấn, hỗ trợ phát triển bền vững; đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương mới của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh; hỗ trợ hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp; hỗ trợ phát triển các HTX/THT/tổ/nhóm liên kết phát triển kinh doanh, khởi nghiệp; nâng cao hiệu quả hoạt động Hội nữ doanh nhân tỉnh và phát triển mạng lưới CLB nữ doanh nhân tại các huyện, thành, thị; kiểm tra, giám sát các hoạt động khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh.

Đa dạng hoạt động hỗ trợ

Để tạo điều kiện cho nhiều phụ nữ được tiếp cận khởi nghiệp sáng tạo, trong năm vừa qua, Hội LHPN tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ nâng cao nhận thức về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh; vai trò, vị trí của phụ nữ đối với sự phát triển kinh tế; tổ chức Ngày hội phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp năm 2020; tham gia gian hàng trưng bày, giới thiệu và kết nối sản phẩm nông sản an toàn năm 2020 tại Ngày hội phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp Cụm thi đua các tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc tổ chức tại tỉnh Thái Nguyên. Ngoài ra, Tỉnh hội phối hợp với Sở Công thương tiếp tục duy trì, quản lý hiệu quả 4 điểm bán hàng Việt mang tên “Tự hào hàng Việt Nam” của hội viên phụ nữ tại huyện Cẩm Khê, Yên Lập, Đoan Hùng, Tân Sơn...

Hội LHPN tỉnh khảo sát, lựa chọn, hỗ trợ 90 triệu đồng từ nguồn kinh phí của Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo xây dựng mô hình “Nuôi thỏ thương phẩm” với 80 con thỏ giống và 20 lồng nuôi có hệ thống van uống nước tự động cho 4 gia đình hội viên, phụ nữ nghèo xã Tây Cốc, huyện Đoan Hùng và mô hình “Nuôi chim bồ câu Pháp” với 90 đôi chim bồ câu giống, 1 máy ấp trứng và 45 chuồng nuôi chim bồ câu cho 3 gia đình tại xã Yên Tập, huyện Cẩm Khê. Các mô hình được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao, phù hợp với đối tượng phụ nữ nghèo tham gia khởi nghiệp, phát triển kinh tế. 

Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh đã duy trì hiệu quả mô hình điểm “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” tại các huyện Thanh Sơn, Thanh Ba, Đoan Hùng. Điển hình như mô hình “Nuôi dê sinh sản hướng thịt” tại 5 xã có đông đồng bào công giáo ở thị xã Phú Thọ trị giá 330 triệu đồng, đến nay đàn dê đã sinh sản 121 con (98 con giống); mô hình “Nuôi dê sinh sản hướng thịt” trị giá trên 1 tỷ đồng theo phương thức Ngân hàng dê tại huyện Phù Ninh; mô hình “Tổ liên kết trồng rau hữu cơ” tại thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn trị giá hỗ trợ 135 triệu đồng được Tập đoàn Quế Lâm- Công ty TNHH MTV Quế Lâm Phương Bắc hỗ trợ kỹ thuật, năm 2020, nhân rộng mô hình ra xã Địch Quả với 17 thành viên, hỗ trợ giống, phân bón, tập huấn kỹ thuật, bước đầu mô hình cho kết quả tốt. Duy trì hoạt động 180 tổ/nhóm liên kết phát triển kinh tế với 1.307 thành viên; 42 tổ hợp tác theo Nghị định 77/2019/NĐ-CP, 350 thành viên… 

Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Vũ Thị Thu Huyền khẳng định: “Với nhiều cách làm sáng tạo, thiết thực, Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp đã và đang được các cấp Hội Phụ nữ “khơi nguồn” cho hội viên phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, phát triển kinh tế. Thông qua việc triển khai thực hiện các hoạt động của Đề án 939/CP góp phần thay đổi nhận thức, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ, tạo điều kiện và cơ hội giúp hội viên phụ nữ thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. 

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm