pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phú Yên: Đổi mới nội dung phương thức hoạt động để tập hợp phụ nữ
Mô hình sinh hoạt lồng ghép tổ nhóm với vấn đề bình đẳng giới ở Phú Yên
Đổi mới công tác cán bộ Hội là tiền đề nâng cao chất lượng hoạt động Hội. Bám sát chủ đề năm 2023 "Tập trung xây dựng cơ sở Hội, trọng tâm là nâng cao năng lực cán bộ hội cơ sở", Hội LHPN tỉnh Phú Yên đầu tư các hoạt động hướng về cơ sở, nâng cao năng lực cán bộ Hội. Thường xuyên mở các lớp tập huấn nghiệp vụ công tác Hội, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng sử dụng mạng xã hội…cho cán bộ Hội LHPN các cấp…Hội LHPN cấp huyện phối hợp với Trung tâm bồi dưỡng Chính trị cùng cấp mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội, đồng thời chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy cử nhiều lượt cán bộ Hội tham gia các lớp tập huấn chuyên đề, các lớp đào tạo lý luận chính trị…từng bước đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn chức danh cán bộ.
Tổ chức hướng dẫn cán bộ Hội cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và sử dụng các phần mềm trong triển khai hoạt động Hội, đặc biệt là việc cập nhật dữ liệu phần mềm về quản lý cán bộ, hội viên; 100% Chủ tịch Hội LHPN cơ sở sử dụng thành thạo phần mềm quản lý hội viên. Cán bộ Hội các cấp tích cực tuyên truyền hoạt động Hội trên các nền tảng xã hội zalo, facebook, fanpage và thường xuyên cập nhật, đăng tải, theo dõi thông tin trên các kênh truyền thông của Hội.
Nhằm hỗ trợ Hội LHPN cơ sở có tỷ lệ tập hợp dưới 60% phụ nữ có mặt tại địa bàn tham gia tổ chức Hội, Hội LHPN tỉnh Phú Yên cử nhiều lượt cán bộ về địa phương trực tiếp tham gia sinh hoạt hội viên, hướng dẫn kỹ năng tổ chức sinh hoạt hội viên. Qua các cuộc họp giao ban định kỳ, công tác kiểm tra, đi cơ sở, các cấp Hội thường xuyên bám sát cơ sở ở những địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo và địa phương đang thực hiện dự án công trình trọng điểm để nắm bắt tình hình, nhu cầu, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ, kịp thời phản ánh và đề xuất giải quyết những vấn đề phát sinh từ cơ sở.
Với nhiều giải pháp, hoạt động đi vào chiều sâu, số hội viên năm 2023 tăng 2.404 người, nâng tổng số hội viên toàn tỉnh lên 161.102, chiếm 72,6% so với tổng số phụ nữ.
Đổi mới nội dung, cách thức tuyên truyền, giáo dục, vận động bình đẳng giới: Hội LHPN tỉnh Phú Yên ký kết hợp đồng trách nhiệm với các ngành chuyên môn, tổ chức hàng chục lớp tập huấn, hội nghị truyền thông, tư vấn tập trung, xây dựng mô hình... nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng tuyên truyền cho 100% cán bộ Hội các cấp. Trên cơ sở đó, Hội LHPN cơ sở tổ chức các hoạt động đa dạng thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ tham gia.
Hội LHPN cơ sở nâng cao chất lượng sinh hoạt các mô hình, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, vận động xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho cán bộ, hội viên phụ nữ.
Sáng tạo trong tổ chức thực hiện các chương trình, đề án hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện. Với nhiều cách thức sáng tạo, Hội LHPN tỉnh tổ chức truyên truyền, vận động hội viên tham gia hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới bằng việc đăng ký với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện một công trình phần việc tham gia xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là việc xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường hoạt động hiệu quả, tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, giúp phụ nữ thoát nghèo bằng nhiều hình thức.
Chủ trì thực hiện Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" trong Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030: Cùng với việc tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức về giới, năng lực tuyền thông, giám sát bình đẳng giới cho cán bộ cấp xã, thôn/buôn, người có uy tín trong cộng đồng, hội viên tiêu biểu tại các địa phương vùng dự án, đã thành lập 52 Tổ truyền thông cộng đồng, 08 câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi và thành lập mới 03 "Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng", tổ chức 01 cuộc đối thoại chính sách cấp xã nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và hỗ trợ trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Huy động nhiều nguồn lực nâng cao chất lượng cuộc sống của phụ nữ và trẻ em, tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng và dư nợ cho vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và một số ngân hàng thương mại khác tạo điều kiện cho phụ nữ tiếp cận tài chính, phát triển kinh tế. Các cấp Hội tín chấp cho vay với tổng dư nợ đến ngày 30 tháng 10 năm 2023 là 2.290.900 triệu đồng cho 50.106 hộ vay, trong đó: Ngân hàng Chính sách - Xã hội tỉnh: 1.996.405 triệu đồng cho 43.880 hộ vay, Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn: 72,47 tỷ đồng cho 1.098 hộ vay; Ngân hàng Bưu Điện Liên - Việt: 213 tỷ đồng cho 5.150 hộ vay.
Tiếp tục triển khai Đề án 939 "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025", Hội LHPN tỉnh tổ chức khảo sát, tổ chức tập huấn và thành lập mô hình "Phát triển du lịch công đồng" tại Thị trấn Hòa Hiệp Trung, thị xã Đông Hòa, hướng dẫn phương thức và kỹ năng truyền thông, vận động cộng đồng cùng tham gia vào chuỗi thu hút du lịch cộng đồng, gắn với phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, phát huy giá trị của các di sản thiên nhiên tại địa phương. Hàng năm, Hội LHPN tỉnh tổ chức chuỗi hoạt động "Phiên chợ xanh" hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, hội chợ quảng bá xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, các sản phẩm tiểu thủ công mỹ nghệ…của phụ nữ.
Hội cũng xác định mục tiêu của đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Hội là để thu hút và tập hợp hội viên. Trong năm 2024, Hội LHPN tỉnh Phú Yên tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng: Hướng mọi hoạt động về cơ sở, bám sát nhiệm vụ trọng tâm, phát động thi đua có chủ đề, chủ điểm, có tiêu chí cụ thể, nội dung thiết thực để chỉ đạo triển khai và tổ chức thực hiện, tiến hành rà soát các mô hình hiệu quả để nhân rộng, thu hút đông đảo chị em phụ nữ tham gia.