pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phương pháp bù nước khi bị ngộ độc thực phẩm
Mất nước khi bị ngộ độc thực phẩm chính là mối quan tâm lớn nhất đối với người bị ngộ độc thực phẩm. Đặc biệt khi cơ thể đang cố gắng đào thải và giữ đủ nước để kiểm soát các triệu chứng. Vì vậy, tiến hành bù nước khi bị ngộ độc thực phẩm là điều cần thiết.
Đặc biệt, một số trường hợp ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng và có liên quan thường được gọi là viêm dạ dày ruột cần được chăm sóc y tế nhằm ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe do mất nước lâu dài.
1. Tại sao chúng ta cần bù nước khi bị ngộ độc thực phẩm?
Tiến hành bù nước khi bị ngộ độc thực phẩm là bước không thể thiếu trong quá trình điều trị và chăm sóc bệnh nhân. Triệu chứng của ngộ độc thực phẩm có thể khác nhau, tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ ngộ độc. Nhưng hai trong số các triệu chứng phổ biến nhất là nôn mửa và tiêu chảy. Đây là cách cơ thể cố gắng đào thải chất độc ra ngoài một cách tự nhiên.
Nếu nôn mửa và tiêu chảy nghiêm trọng hoặc kéo dài sẽ kéo theo tác dụng phụ là cơ thể bị mất nước. Mất nước sẽ làm cơ thể mất cân bằng chất điện giải gây rối loạn trao đổi chất, tụt huyết áp, sốc nhiệt, sốt. Nghiêm trọng hơn có thể khiến bệnh nhân bị trụy tim mạch, suy thận cấp, sốc giảm thể tích, phù não,... gây nguy hiểm đến tính mạng. Chính vì vậy, bù nước khi bị ngộ độc thực phẩm là vô cùng cần thiết.
2. Cách bù nước khi bị ngộ độc thực phẩm
2.1 Uống nhiều nước để bù nước khi bị ngộ độc thực phẩm
Nếu chỉ bị mất nước nhẹ, thì đây là cách bù nước khi bị ngộ độc thực phẩm đơn giản, hiệu quả và an toàn nhất. Tuy nhiên, khi uống nước cần chú ý những điều sau:
- Nhấm nháp, uống từng ngụm nước nhỏ. Uống thành nhiều lần và liên tục trong ngày. Điều này giúp cơ thể dễ dung nạp nước hơn. Tránh uống một lần một lượng nước lớn. Nó có thể khiến bạn bị đầy bụng, tăng cảm giác buồn nôn và nôn.
- Nếu dạ dày vẫn nhạy cảm và chưa sẵn sàng để tiếp thu nước. Bạn vẫn nên bắt đầu bổ sung chất lỏng để ngăn mất nước. Bạn có thể thử bằng cách ngậm những viên đá nhỏ để chúng tan dần trong miệng.
- Nếu quá chán nản với việc phải liên tục uống nước. Bạn có thể thay nước trắng bằng trà gừng. Gừng sẽ giúp ấm bụng, giảm cảm giác đau bụng và buồn nôn, đồng thời hỗ trợ điều trị tiêu chảy.
2.2 Uống nước có chứa chất điện giải
Mất nước cũng khiến cơ thể mất chất điện giải cần thiết như Natri, Kali, Clo. Trong trường hợp cơ thể mất nước nghiêm trọng thì chỉ bù nước khi bị ngộ độc thực phẩm là không đủ. Chúng ta phải đồng thời bù chất điện giải để cơ thể hoạt động lại bình thường. Cách nhanh nhất chính là uống các loại nước có chứa chất điện giải.
- Bạn có thể tìm các loại đồ uống giúp bổ sung chất lỏng và phục hồi chất điện giải cho người lớn và trẻ em có bán sẵn tại các hiệu thuốc.
- Hiện nay có rất nhiều đồ uống thể thao có chứa chất điện giải. Nó có mục đích chính là bù nước và chất điện giải cho những người chơi thể thao mạnh, đổ nhiều mồ hôi. Những loại đồ uống này cũng có tác dụng bù nước khi bị ngộ độc thực phẩm.
- Uống Oresol là cách bù điện giải và bù nước khi bị ngộ độc thực phẩm phổ biến nhất. Bạn có thể dễ dàng mua Oresol tại các hiệu thuốc. Đọc kỹ hướng dẫn hoặc hỏi ý kiến dược sĩ để pha Oresol và sử dụng đúng cách.
Trước khi quyết định bù nước bằng cách uống oresol thì bạn cần biết: Ths.BS Ngô Anh Vinh cảnh báo thói quen nguy hiểm khi cha mẹ tự cho con uống bù nước oresol.
2.3 Uống các loại nước dinh dưỡng
Khi bạn đã cảm thấy khỏe hơn, dạ dày ổn định hơn. Bạn có thể uống các loại nước giàu dinh dưỡng để bù nước khi bị ngộ độc thực phẩm. Chúng vừa giúp khắc phục tình trạng mất nước, vừa giúp cơ thể hồi phục nhanh hơn. Các loại nước dinh dưỡng có thể là:
- Nước cháo loãng có cho ít muối trắng. Đây là loại nước dinh dưỡng có tác dụng bù chất điện giải khá hiệu quả.
- Nước hầm xương, thịt gà, thịt bò,... Chú ý lấy nước hầm trong, ít béo để dạ dày dễ tiêu hóa.
- Nước luộc hoặc hầm rau củ.
Đây là những loại nước dinh dưỡng bạn có thể nhấm nháp cả ngày để bù nước và cung cấp năng lượng cho cơ thể. Chú ý tránh nước trái cây vì chúng có chứa carbohydrate, ít natri và có thể làm trầm trọng thêm tình trạng đau bụng của bạn. Tránh uống sữa vì nó có thể làm tiêu chảy nghiêm trọng hơn. Tuyệt đối tránh đồ uống có cồn và caffein vì chúng góp phần làm tăng tình trạng mất nước.
Nguồn dịch: https://www.wikihow.com/Stay-Hydrated-if-You-Have-Food-Poisoning