"Tôi là kẻ ngoại đạo trong giới viết lách. Chỉ viết những gì từng biết và hiểu trong ánh mắt nhà quê" – Nguyễn Chí Linh nói. Quả thực, Linh là một cái tên lạ trong làng sách, nhưng với thế giới của những người yêu và mê du lịch, anh là một nhà du hành "thứ thiệt" khi đã đi qua hơn 90 quốc gia trên thế giới.
Những trải nghiệm của Nguyễn Chí Linh dễ khiến nhiều người ganh tị bởi anh không du lịch theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa. Du lịch, với Linh, là hòa mình vào đời sống của người dân bản xứ, xem họ sống, thưởng thức những món họ ăn và nghe họ kể về những điều đã qua, những điều còn lại và cả những giấc mơ đất nước ấy đang hướng đến. Thế nên, khi viết về hành trình đã trải qua, mục đích của anh cũng rất giản đơn: Viết sách để ghi lại nhật ký của mình trên đường đời.
Viết với tâm thế cho chính mình, điều này giúp Linh mang người đọc đến với những vùng đất mà anh đã đi qua, đưa họ vào những quán ăn anh từng ngồi, chia với họ đồ nhắm anh từng thử… một cách rất tự nhiên. Cũng vì vậy mà người đọc khó lòng bứt khỏi những trang viết của anh, như nỗi lo của người sợ bị lỡ hành trình. Bốn mùa trên xứ Phù Tang (First News và NXB Tổng hợp TPHCM phát hành) là một tác phẩm như vậy.
Mất hơn 10 năm kể từ ngày đầu tiên được đặt chân đến Nhật, Nguyễn Chí Linh mới cho ra đời Bốn mùa trên xứ Phù Tang. Thời điểm đó, du lịch Nhật Bản chưa cởi mở như hiện nay và không đơn giản để có visa đến Nhật. Vậy mà, sự háo hức của Linh khi được đặt chân đến nơi này vẫn như còn tươi mới trong từng con chữ. Là những kiến trúc đặc trưng thời Edo, là thủ đô Tokyo sôi động, là những ga tàu ngầm đông như quân Nguyên Mông vỡ trận… Tất cả, phác thảo nên một Nhật Bản vừa cổ kính, vừa hiện đại.
Song song câu chuyện văn hóa, lịch sử, là câu chuyện của con người. Thông qua những nhân vật mình từng làm việc chung, từng tiếp cận trên đất Nhật… tác giả lần lượt bỏ những chiếc áo bên ngoài để người đọc tiếp cận được trái tim lẫn tính cách đặc trưng của những người đang sống trên mảnh đất vành đai núi lửa.
Rong chơi theo những cánh hoa anh đào trắng mỏng tang của mùa xuân, đi tìm mùa thu trở vàng trên những chiếc lá phong bé nhỏ, hay thả hồn theo ánh sáng của những chú đom đóm gọi hè, hứng trọn những hạt mưa tuyết lạnh lùng của mùa đông… nước Nhật hiện lên trong trang viết của Nguyễn Chí Linh vô cùng đẹp đẽ.