Hồi rồi, tôi có người bạn cũng viết lách đôi chút. Có lần bạn gửi cho tôi một bài viết của bạn về cầu Long Biên, đọc thấy mê lắm, vì câu chuyện tuổi thơ bạn lớn lên từ cây cầu. Bạn có những thanh âm riêng từ những sớm mờ sương trên cầu mà các chị bán rau xanh chở hàng về Hà Nội bán râm ran ẩn hiện trong lớp sương mù.
Bạn bảo, đó là những âm thanh hay nhất trên đời bạn đã từng nghe. Chốt lại, thì bạn vẫn rất sợ rơi dép. Đến giờ bạn vẫn nhớ cái cảm giác sợ rơi dép đó.
Bạn bảo, đó là những âm thanh hay nhất trên đời bạn đã từng nghe. Chốt lại, thì bạn vẫn rất sợ rơi dép. Đến giờ bạn vẫn nhớ cái cảm giác sợ rơi dép đó.
Hồi rồi, tôi có cô bạn gái. Có lần mưa rớt, hai đứa chở nhau lên cầu lòng vòng xem mưa bay, đèn vàng hiu hắt. Cô bạn bảo, qua cầu sợ nhất rơi dép.
Cũng có lần nằn nì mãi bạn trai khó tính mới nhã ý chạy xe nhanh qua cầu Long Biên một vòng. Bạn trai khó tính lắm, chạy vụt qua cầu thôi, không dừng lại. Bạn tâm sự, dừng lại đứng nhìn nhìn sợ rơi dép lắm.
Mà sao đứa nhỏ nào cũng có một thời tuổi thơ qua cầu Long Biên chỉ sợ rơi đôi dép mới được mua. Hỏi đứa nào cũng thấy tâm sự y nguyên một bầu trăn trở như vậy về cái sự “sợ rơi dép”.
Những chuyến tầu tuổi thơ tôi thường rời ga Long Biên vào lúc xế chiều và đưa tôi trở về ga Long Biên vào buổi sáng. Tôi vẫn nhớ cái sở thích nằm gác chân lên cửa sổ tầu, gió lùa vào gan bàn chân nhồn nhột. Nhưng hễ qua ga Gia Lâm là tôi vục dậy, ngồi giấu kỹ chân dưới cái ghế gỗ nâu xỉn, mắt đăm đăm nhìn ra cửa sổ đợi giây phút qua cầu, đăm đăm nhìn xuống dòng sông Hồng ngầu đục, đôi chân giấu kỹ rồi mà vẫn có cảm giác rơi dép như chơi.
Kỳ thiệt là sợ hãi. Tôi định viết một bài dài thiệt dài về sân ga của tôi, cái sân ga xép nhỏ xíu ở đầu cầu bên phía Hà Nội. Nhưng tự nhiên nhớ ra là mình thèm cafe quá đỗi. Nên thôi, tôi đi cafe đã, lấn cấn ở nơi này, có khi rơi dép như chơi!