Theo kết quả thống kê toàn cầu được Công ty Nielsen công bố mới đây, một trong những đặc tính của thị trường Việt Nam, đó là những lời giới thiệu từ người thân và bạn bè tiếp tục đóng vai trò phương thức quảng cáo ảnh hưởng nhất đối với người tiêu dùng.
Ngoài ra, lòng tin của người tiêu dùng đối với các hình thức quảng cáo truyền thống vẫn rất lớn, bất chấp sự “xâm thực” ngày càng lớn của các hình thức quảng cáo trực tuyến.
Mọi người cần hết sức tỉnh táo, tránh những quyết định sai lầm trong chi tiêu. Ảnh: Theo Shutter Stock
Đó có thể là một “hạn chế” khi tâm lý người tiêu dùng chưa “bắt kịp” với tốc độ phát triển của công nghệ, song ở góc độ nào đó, vẫn là lợi thế lớn cho các nhà kinh doanh, nếu họ biết tận dụng những ưu thế từ quảng cáo truyền thống.
Một đặc tính nổi bật của người tiêu dùng Việt Nam nói riêng, khu vực Đông Nam Á nói chung, là sự “dễ tin người” - hễ nghe người khác nói về một sản phẩm nào đó là... tin ngay, không nhiều người cất công kiểm chứng lại xem thông tin đó có chính xác hay không.
Chính đặc tính này cũng dễ gây nên “tâm lý bầy đàn”, hiệu ứng “đám đông”. Nó phần nào chứng tỏ sức mạnh của truyền thông nhưng lại khiến cho nhiều người tiêu dùng không có được sự tỉnh táo cần thiết trước nhiều quyết định chi tiêu, đôi khi dẫn tới những sai lầm tệ hại.
Để thay đổi một đặc tính cố hữu, nhất là khi nó đã trở thành thói quen trong chi tiêu của nhiều người dân, cần phải có thời gian cùng những tác động mạnh mẽ từ truyền thông cũng như thị trường.