Quản thú ở Thảo Cầm Viên: Khổ như chăm hổ!

06/10/2016 - 21:48
Để nuôi dưỡng và gắn bó với các loài thú hoang dã ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn, những người chăm sóc thú đã phải đổ biết bao mồ hôi, nước mắt, thậm chí là cả máu...
Khổ như chăm hổ

Trái với hình dung ban đầu của tôi về người quản bầy “chúa sơn lâm” dữ dằn, to lớn là dáng người nhỏ thó, nhanh nhẹn và giọng nói điềm tĩnh của ông Trần Minh Tâm (57 tuổi).

Năm 1989, ông Tâm xuất ngũ về địa phương rồi được một người bạn giới thiệu vào làm việc tại sở thú. Lúc đó, do thiếu người “quản hổ” nên ông được đưa vào vị trí “khó nhằn” này. “Ban đầu, chỉ cần nghe tiếng gầm gừ, nhìn hàm răng nhọn hoắt của “chúa sơn lâm” là tay chân tôi run rẩy. Khi chúng hùng hổ chồm gần vào người thì sợ khiếp vía. Dù vậy, có những ngày tôi phải đứng cạnh chuồng hổ cả buổi để cho chúng “quen hơi” rồi được các “đàn anh” chỉ dạy tận tình về từng đặc tính của loài vật này nên hơn 1 tháng thì dần quen công việc”, ông Tâm nhớ lại.
quan-thu1.jpg
 Ông Tâm bên con hổ trắng quý hiếm 
Hiện tại, ở Thảo Cầm Viên nuôi dưỡng 4 hổ vàng và 3 hổ trắng. Mỗi con hổ tại đây đều được ông Tâm đặt cho những cái tên rất “người”: Hổ Tuấn, Nhất, Nhị, Xám…

Nhiều năm quản các chuồng, ông Tâm vẫn thường ngậm ngùi khi nhắc về con hổ tên Pho. “Đó là con hổ mà tôi trực tiếp nuôi dưỡng đầu tiên. Nó “bén” hơi tôi rất nhanh. Thấy bóng dáng “quản lý” từ xa là đã vẫy đuôi mừng. Khi tôi đứng sát cửa chuồng thì nó cứ cạ đầu vào người mình. Nó rất hung tợn với mọi người, song lại nghe lời tôi vô cùng. Chỉ cần ra “hiệu lệnh” là nó làm theo răm rắp. Khi con Pho bị bệnh rồi mất, tôi hụt hẫng, đau buồn như mất đi một người bạn rất thân thiết vậy”.
quan-thu2.jpg
Con hổ Nhất rất quấn quýt ông Tâm 
Khoảng 7 giờ sáng, ông Tâm đã có mặt tại chuồng hổ. Ông cẩn thận “dẫn dụ” từng con vào chuồng rồi quét dọn vệ sinh chuồng. Sau đó, ông đứng từ xa ngắm nhìn từng cử chỉ, điệu bộ của “đám bạn” mà không chớp mắt để phát hiệu những biểu hiện bất thường. Ông chia sẻ: “Nếu phân của hổ bị nát hoặc quá cứng, có màu khác lạ thì sẽ có vấn đề về đường ruột; dáng đi uể oải, điệu bộ ủ rũ, mệt mỏi; mắt không sắc, mũi có nước hoặc khô quá thì chứng tỏ hổ đang bệnh. Khi đó cần phải tiến hành khám và trị bệnh dứt điểm ngay”.

Đầu giờ chiều, ông Tâm bắt đầu cho hổ ăn. Trung bình, “chúa sơn lâm” trưởng thành “ngốn” từ 5 đến 7kg thịt bò, trâu, heo, gà; còn hổ con thì ăn khoảng 2kg. Tưởng cho ăn là chuyện đơn giản, song tất cả đều cần làm đúng quy trình, nếu không sẽ bị hổ vồ trúng. Trước khi vô chuồng, ông Tâm phải gọi tên, tạo “ngôn ngữ giao tiếp” để thông báo sắp vào “lãnh thổ” của chúng. Nhiều con hổ đực tới kỳ động dục nên rất khó chịu, cứ tới gần chuồng là chúng lại nhảy vồ vào song sắt, vồ cả người quản thú khiến mình mẩy, chân tay trầy xước hết. Hỏi chuyện hiểm nguy tính mạng khi chăm bầy hổ này, ông Tâm cười bảo: “Tôi coi lũ hổ như bạn. Ai lại “kể tội” chúng ra làm gì”.

Cực như huyện voi

Có lẽ, điểm thu hút khách thăm quan Thảo Cầm Viên nhất chính là khu chăm sóc những chú voi khổng lổ. Trong suốt 25 năm làm nghề quản tượng, ông Đỗ Thanh Hải (50 tuổi) chỉ cần nhìn từng cử chỉ, ánh mắt là biết ngay tâm trạng của loài voi.
quan-thu3.jpg
Ông Hải và “người bạn” thân thiết 
Việc huấn luyện voi không phải đơn giản. Ban đầu, ông Hải chỉ phụ vòng ngoài chứ chưa tiếp cận được gần voi. Ông Hải chia sẻ: “Vậy thôi mà cũng mệt lả cả người. Mỗi con ngốn khoảng 100kg cỏ/ngày, kèm theo đó là vô số bánh mì, khoai lang, trái cây… nên người quản tượng phải có sức khỏe mới có thể vận chuyển lượng thức ăn lên tới cả tấn mỗi ngày”. Khi đã “quen mặt” nhau thì ông Hải mới bắt đầu thuần hóa voi biểu diễn một số động tác như tập đá banh, đi qua cầu, lắc chuông… Mất hơn 1 năm ròng, ông mới có thể điều khiển được chúng.

Hiện tại, đàn voi mà ông Hải chăm sóc gồm có 6 con, biểu diễn cho khách xem vào những ngày cuối tuần. Tuy vậy, đã không ít lần ông Hải bị con vật khổng lồ dùng vòi, ngà, chân hất văng té ngã. Ông Hải bộc bạch: “Tính khí của loài voi rất thất thường, mà người “quản tượng” phải trực tiếp tiếp xúc nên khó tránh được những sự cố bất ngờ. Vì vậy, “nhất cử nhất động” của chúng phải được quan sát kỹ: Nếu voi hoạt bát, lanh lợi thì bình thường, còn vòi xụ xuống, đứng im, mắt trợn hoặc 2 tai dựng lên thì đó là lúc voi đang giận dữ, khó chịu… để có cách xử lý tình huống phù hợp”.

Khó và khổ nhưng có nhiều lý do để ông Hải gắn bó với nghề quản tượng. Ông bộc bạch: “Có con tuổi đời gần bằng tôi đấy. Suốt ngày chăm sóc, nuôi dạy chúng nên quý mến lắm, chẳng khác gì “đôi bạn già”. Giờ đã quá “bén hơi” chúng nên bỏ nghề thì nhớ chúng lắm. Với lại, khi có thể điều khiển được loài vật khổng lồ này làm theo ý muốn của mình, đem đến sự thích thú cho khán giả thì vui và hãnh diện lắm”.

Nâng niu “mầm sống”

Không “quản” những loài thú dữ như các đồng nghiệp, chị Phan Thị Thanh Lan (45 tuổi) lại được phân công chăm sóc cừu, dê. Cũng vì tình yêu với động vật nên chị đã quyết định chuyển công tác từ bộ phận nấu bếp sang nghề “quản thú”.

Chị Lan chia sẻ: “Có lần, vô tình chứng kiến một con dê đang đẻ, tôi cảm nhận rất rõ tình cảm mẫu - tử thiêng liêng, giống hệt như con người vậy. Đặc biệt, chúng thường quấn “chủ” và rất nghe lời. Thế là tôi quyết định chuyển nghề mà chẳng mảy may suy nghĩ”.
quan-thu4.jpg
Niềm vui của chị Lan dành cho công việc chăm sóc bầy dê 
Dù mới chỉ làm “quản thú” được hơn 3 tháng, song chị Lan đã là “bà đỡ” của 5 con dê. Chị kể: “Có nhiều ca, dê mẹ rất khó sinh đẻ. Khi đó, tôi ở bên cạnh chúng, vỗ về và phụ “kéo” dê con chào đời. Dù còn đau đớn, song dê mẹ vẫn cố “lót ổ” cho con ngủ yên giấc. Tôi mừng rỡ, hạnh phúc khi được chứng kiến giây phút đặc biệt này”.

Đối với ông Tâm, niềm vui khi loài hổ chào đời còn đặc biệt hơn. Ông kể, năm 2009, cặp hổ trắng rất quý hiếm trên thế giới, có nguồn gốc từ vườn thú Elmvale (Canada) được Thảo Cầm Viên đưa về thuần dưỡng và được đặt tên là Lem và Luốc. Sau một thời gian dài phối giống, đến tháng 8/2015, chúng đã sinh ra 3 hổ con khỏe mạnh.
quan-thu5.jpg
Trẻ em thích thú khi nhìn thấy voi diễn trò
Ông Tâm vẫn nhớ như in cảnh cùng với mọi người “sung sướng” ôm từng “nhóc” hổ con để cho chúng bú sữa ngoài, mỗi đêm từ 4 đến 5 lần. “Nuôi hổ con còn khó hơn cả nuôi trẻ sơ sinh. Đôi lúc, tính hoang dã của chúng trỗi dậy, chúng có thể cắn mạnh vào tay người “mẹ” bất đắc dĩ”. Bởi thế, người “quản thú” phải kiên trì, dũng cảm và đặc biệt là phải yêu động vật thì mới gắn bó với nghề lâu dài”, ông Tâm kể.

Dù 25 năm theo nghề quản tượng, song ông Hải chưa một lần được chứng kiến voi đẻ. Ông bộc bạch: “Dù đàn voi vẫn giao phối, song tỉ lệ đậu thai rất thấp. Tôi chỉ hy vọng, đến khi về hưu thì sẽ được trải nghiệm cảm giác tuyệt vời này”.

Công việc “quản thú” tuy vất vả, khó nhọc và cũng không ít hiểm nguy, song đối với những người làm cái nghề đặc biệt này, đó không chỉ là chuyện mưu sinh mà còn là niềm vui, là tình cảm rất thân thương, gần gũi giữa con người và động vật. Ông Tâm mỉm cười: “Chỉ cần nhìn thấy những “mầm sống” mới được sinh ra, được tận tay chăm sóc, nuôi dưỡng chúng khôn lớn thì mọi lo lắng, bất an và cả bao hiểm nguy đều tan biến. Đến nỗi, hổ dữ cũng hóa thành hiền”.

Thảo Cầm Viên có tuổi đời tròn 150 năm, rộng 17ha, được xem như “lá phổi xanh” của Sài Gòn. Hiện nay, Thảo Cầm Viên Sài Gòn có khoảng 1.000 loài thực vật và hơn 123 loài động vật thuộc các lớp chim, thú, bò sát…, đa phần nằm trong danh sách các loài quý hiếm của Việt Nam và thế giới.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm