pnvnonline@phunuvietnam.vn
Quảng Bình: Diễn biến lũ lụt phức tạp, khó tiếp cận người dân vùng lũ
Những mặt hàng thiết yếu như mỳ tôm, lương khô, nước uống đã được đưa đến tận tay, làm ấm lòng người dân vùng lũ. (Ảnh: Văn Tý/TTXVN)
Những ngày qua, tại tỉnh Quảng Bình mưa lớn, nước lũ bủa vây tứ phía, hơn 100.000 ngôi nhà ngập chìm trong nước; hàng trăm xã, thôn, bản, làng bị cô lập.
Trận lũ lụt này được xem là lớn nhất trong vòng hơn 40 năm qua. Tính đến ngày 21/10, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã có 7 người chết, hàng chục người bị thương. Số liệu thống kê thiệt hại về kinh tế chưa thể đo đếm được.
Sáng 21/10, mực nước trên các dòng sông đã giảm dần, riêng sông Kiến Giang qua hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy vẫn ở mức trên báo động 3 và xuống rất chậm.
Huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy nằm ở phía Nam tỉnh Quảng Bình là nơi bị ngập lụt sâu và rộng nhất với hơn 50.000 ngôi nhà bị chìm trong lũ. Đêm 20/10 và sáng 21/10, nước lũ đã xuống nhưng rất chậm, chỉ khoảng chưa đến 30cm; tình trạng ngập lụt có thể kéo dài trong nhiều ngày tới.
Đáng chú ý, hiện nay nhiều vùng dân cư bị ngập, địa bàn bị chia cắt trong biển nước khổng lồ, việc tiếp cận cứu trợ gặp vô vàn khó khăn, chỉ có thể đến bằng thuyền hoặc ca-nô. Vì vậy, trong những ngày tới, số người dân cần cứu trợ chắc chắn sẽ phát sinh, rất cần sự giúp đỡ từ bên ngoài.
Ông Lê Vĩnh Thế - Bí thư Huyện ủy Lệ Thủy, chia sẻ hiện chỉ có thể cứu trợ, cứu nạn bằng thuyền. Lực lượng chức năng huyện đã huy động tất cả mọi nguồn lực để chung lưng, đấu cật cùng nhân dân vượt qua khó khăn, thử thách lịch sử này.
Tại khu vực phía Bắc tỉnh Quảng Bình, các huyện Bố Trạch, Quảng Trạch, Ba Đồn có khoảng 45.000 ngôi nhà bị ngập nước. Hiện nước sông Gianh đã xuống mức báo động 2, các tuyến đường đến với dân đã dễ dàng hơn.
Ông Nguyễn Văn Ninh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Ba Đồn (Quảng Bình), cho biết: Đêm 20/10 và sáng 21/10, nước đã rút nhanh. Hiện nay toàn địa bàn thị xã còn khoảng 30-40% số hộ dân bị ngập.
Chính quyền địa phương cùng các lực lượng tiếp tục triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn; hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân vùng bị chia cắt… Sau bao ngày bị ngập trong nước lũ, nhiều hộ dân đã bị hư hỏng lương thực tích trữ hoặc đã dùng hết nên thời điểm này rất cần được giúp đỡ. Các đoàn cứu trợ có thể đến được với người dân bằng đường bộ chứ không chỉ bằng đường thủy như những ngày qua.
Huyện Quảng Trạch, Tuyên Hóa là hai huyện miền núi của tỉnh Quảng Bình trong những ngày qua cũng bị lũ lụt gây ngập nặng và chia cắt. Hiện tại, khu vực này nước đang rút nhanh nhưng do địa hình đồi núi, đường đi độc đạo, còn sạt lở nên cũng bị chia cắt nặng nề; điển hình như xã Cao Quảng, Ngư Hóa.
Riêng xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa nằm giữa bốn bề núi đá vôi nên trở thành rốn lũ, hiện vẫn ngập chìm trong nước.
Để cứu trợ cho người dân, huyện Minh Hóa đã thành lập đoàn công tác cắt rừng, băng đường về với dân.
Sáng 21/10, ông Lê Công Hữu - Bí thư Huyện ủy Minh Hóa, đã dẫn đầu đoàn công tác đến xã Ngư Hóa để nắm tình hình, giúp đồng bào phòng chống lũ lụt, sớm vượt qua khó khăn do thiên tai gây ra.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình, diễn biến lũ lụt ở địa bàn vẫn còn nhiều phức tạp và khó lường.
Chính vì vậy, việc giúp người dân vượt qua khó khăn và khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt trong thời điểm này là vô cùng quan trọng, rất cần sự chung tay, đoàn kết của đồng bào cả nước.