Quang Bình, Hà Giang: Độc đáo nghệ thuật hát Quan làng trong lễ cưới của người Tày

Hoàng Sa
01/12/2024 - 20:40
Quang Bình, Hà Giang: Độc đáo nghệ thuật hát Quan làng trong lễ cưới của người Tày

Hát Quan làng (hát văn) của người Tày huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Người Tày ở huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang, có tục hát Quan làng trong lễ cưới. Đây được ví như một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian độc đáo, được lưu truyền từ thế hệ nọ sang thế hệ kia, xuyên suốt trong đời sống của cộng đồng người dân tộc Tày.

Người dân tộc Tày có dân số chiếm đa số ở huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang. Trong quá trình sinh sống, lao động sản xuất, họ đã hình thành nên nhiều giá trị văn hóa độc đáo, mang đậm những nét đặc trưng riêng biệt, được lưu truyền từ thế hệ nọ sang thế hệ kia. Một trong số đó là tục hát Quan làng trong lễ cưới.

Theo tìm hiểu, tục hát Quan làng, còn gọi là hát văn trong đám cưới, thường sử dụng những bài hát đối đáp một cách nhuần nhuyễn để bên nhà trai và bên nhà gái vừa lòng, đám cưới diễn ra được suôn sẻ. Những người hát Quan làng theo tiếng Tày gọi là Pú quan làng, hay còn gọi là Ông đón, Ông đưa. Nhà trai chủ yếu là đàn ông, người đứng tuổi, ông Quan làng phải là những người khéo giao tiếp, hát hay để thay mặt họ nhà trai mang trầu cau đến nhà gái từ việc dạm hỏi, xin lộc mệnh, chuẩn bị đồ sính lễ cho ngày cưới đến khi đón dâu về mới xong công việc.

Quang Bình, Hà Giang: Độc đáo nghệ thuật hát Quan làng trong lễ cưới của người Tày- Ảnh 1.

Ông Quan làng hát xin vào cửa đón dâu bên nhà gái

Nội dung của các bài hát là cách chỉ bảo, lối ứng xử tinh tế, tao nhã của con người trong đời sống. Quan làng bên nhà gái có thể là đàn ông hoặc là người phụ nữ đứng tuổi, cũng là người khéo ăn, khéo nói… thay mặt họ nhà gái đưa dâu đến nhà trai. Nhiệm vụ là đưa dâu đến và trao dâu cho nhà trai được suôn sẻ và sau mọi việc xong xuôi trước khi ra về phải hát bài Slắng lùa (dặn dâu), đó là lời nhắn nhủ lúc chia tay.

Trong mỗi lời hát Quan làng đều mang tính giáo dục truyền thống cao, răn dạy việc ứng xử giữa nàng dâu với chồng và bên nhà chồng, chàng rể ứng xử với vợ và bên nhà vợ. 

Ở đám cưới truyền thống của dân tộc Tày, hát Quan làng thường được chia làm 3 cung đoạn: Đón (nhà trai đến xin dâu), nộp (trong lúc nhà gái nộp dâu), đưa (nhà trai đưa dâu về). Mỗi bài hát đều mang ý tứ, ứng xử của cả hai bên gia đình trai gái. Khi thực hiện các nghi lễ để đón rước dâu, người hát Quan làng đều phải hát để nhà gái nghe thấy hợp lý và cho công việc được thực hiện đúng trình tự. Nhà gái cũng sẽ đáp lại để tạo không khí vui vẻ. Trong hát Quan làng không có đạo cụ kèm theo mà chủ yếu là những lời đối đáp mộc mạc nhưng đầy tình ý của ông Quan làng hai bên.

Quang Bình, Hà Giang: Độc đáo nghệ thuật hát Quan làng trong lễ cưới của người Tày- Ảnh 2.

Đưa cô dâu về nhà trai

Chị Hoàng Thị Lương, ở xã Yên Thành, cho biết, người Tày ở Quang Bình từ xưa đều có tục hát Quan làng trong đám cưới, các bài làn điệu hát chủ yếu là để giao tiếp đối đáp giao tiếp giữa hai bên gia đình, hát để họ nhà gái phải bỏ tất cả những thử thách, chướng ngại vật mà nhà gái đưa ra chặn từ cổng vào, rồi lên cầu thang, sau đó hát khi vào nhà, hát để người trải chiếu, mời nước, mời trầu, xin dâu, đón dâu, ra về. Các bài hát này được truyền dạy cho nhau từ thế hệ này qua thế hệ kia, cho đến tận ngày nay vẫn được duy trì trong cộng đồng người Tày.

Những năm qua, huyện Quang Bình đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân gìn giữ và phát huy tục hát Quan làng trong đời sống cộng đồng dưới nhiều hình thức, từ tổ chức hội thảo khoa học, tăng cường hoạt động của các thiết chế văn hóa cơ sở, sinh hoạt cộng đồng, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức giá trị của hát Quan làng trong đồng bào dân tộc Tày. Đồng thời tổ chức thành lập Câu lạc bộ hát Quan làng, mời các nghệ nhân trực tiếp truyền dạy cho thành viên trong câu lạc bộ, đào tạo đội ngũ cán bộ văn hóa có trình độ chuyên môn để tuyên truyền hướng dẫn, khuyến khích các thế hệ trẻ người Tày học tập, duy trì và phát triển vốn văn hóa truyền thống.

Với những giá trị độc đáo của nghi thức hát Quan làng, ngày 10/11/2023, Bộ VHTTDL đã có Quyết định công nhận hát Quan làng (hát văn) của người Tày huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm