Quảng Bình: Làm du lịch ở "rốn lũ"

Quỳnh Nga - T.Anh
31/03/2023 - 23:27
 Quảng Bình: Làm du lịch ở "rốn lũ"

Sáng kiến nhà phao đã giúp người dân Tân Hóa an toàn mùa lũ

Từ cảnh thiếu ăn, giờ đây với hướng đi mới, lấy du lịch làm trọng điểm phát triển kinh tế cùng với việc người dân đoàn kết giúp nhau làm giàu, xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) đặt mục tiêu đến cuối năm 2023 sẽ được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới.

Biến thiên nhiên khắc nghiệt thành tour du lịch độc đáo

Thiên nhiên đã lấy đi nhiều thứ của người dân Tân Hóa nhưng cũng ban lại nhiều cảnh đẹp mà ít địa phương nào có được. Tân Hóa có những cánh đồng xanh mướt nằm yên binh dưới chân các dãy núi đã vôi hung vĩ, có dòng Rào Nan uốn lượn giữa làng mạc và hệ thống hang động Tú Làn đẹp như tranh vẽ.

Cảnh sắc nơi này từng được chọn làm bối cảnh cho những bộ phim nổi tiếng trong nước cũng như quốc tế như "Người bất tử", "Truyền thuyết về Quán Tiên", "Kong: Đảo đầu lâu". Cảnh sắc thiên nhiên, cùng tài nguyên văn hóa phong phú đã trở thành điều kiện thuận lợi, giúp cho mảnh đất này phát triển du lịch, trong đó, đẩy mạnh du lịch cộng đồng.

Khu lưu trú thích ứng thời tiết Tú Làn Lodge giúp du khách an toàn mùa mưa lũ

Khu lưu trú thích ứng thời tiết Tú Làn Lodge giúp du khách an toàn mùa mưa lũ

Với những tiềm năng vốn có của mình, đã gợi mở ý tưởng về mô hình du lịch trải nghiệm cuộc sống mùa lụt ở Tân Hóa. Năm 2011, Công ty TNHH MTV Chua Me Đất (Oxalis) được cấp phép khảo sát và thử nghiệm các tour du lịch khám phá mạo hiểm tại khu vực hệ thống hang động Tú Làn tại xã Tân Hóa. Mỗi năm, các tour khám phá hệ thống hang động Tú Làn đón gần 10.000 lượt khách.

Gần đây, người dân xã Tân Hóa bắt đầu tham gia các khóa tập huấn, đào tạo để trở thành đầu bếp, trợ lý giám sát an toàn và nhân viên khuân vác phục vụ khách du lịch trong các tour khám phá. Đến nay, toàn xã có hơn 100 lao động tham gia vào các hoạt động phục vụ du lịch.

Nhiều người cũng đi học các lớp nấu ăn, hướng dẫn du lịch, sau đó tự nấu ăn tại nhà phục vụ du khách, cũng như đưa họ đi tham quan. Nhiều gia đình cũng biến căn nhà nhỏ của mình thành homestay để khách lưu trú. 

Ngoài những giây phút thảm hiểm các hang động, cảnh sắc thiên nhiên, du khách còn được thưởng thức các món đặc sản do chính người dân tự chế biến

Ngoài những giây phút thảm hiểm các hang động, cảnh sắc thiên nhiên, du khách còn được thưởng thức các món đặc sản do chính người dân tự chế biến

Anh Cao Văn Thanh (thôn 2 xã Tân Hóa) là một trong những hộ phục vụ du khách tại nhà cho biết: "Bước đầu, lợi nhuận đưa lại từ mô hình này cũng tương đối tốt, thu nhập khoảng 20 triệu đồng mỗi tháng nếu khách đông. Đây là mức thu nhập trong mơ, vì trước đây chúng tôi chỉ biết làm ruộng".

Chị Nguyễn Thị Thanh, người cũng tham gia phục vụ du khách cho biết: "Gia đình tôi cũng làm homestay, chủ yếu phục vụ khách nước ngoài. Từ khi làm du lịch, vợ chồng tôi không còn phải đi làm thuê nữa, cuộc sống khấm khá hơn nhiều". 

Chạy lũ, tránh bão trong hang đá

Tân Hóa là một thung lũng nằm lọt thỏm giữa bốn bề núi đá vôi. Dòng Rào Nan khởi nguồn từ vùng núi giáp biên giới Việt – Lào, chảy ngầm khoảng gần 3km vào hang Rục thuộc xã Trung Hóa rồi chảy về hạ nguồn tại xã Tân Hóa. Hễ cứ mùa mưa đến, những dòng nước cuồn cuộn từ thượng nguồn đổ về nơi này. Những lối thoát cuối các hang động không đủ sức để tháo nước, khiến cho vùng đất Tân Hóa lại ngập chìm trong nước lũ, kèo dài nhiều ngày liền.

Mỗi mùa mưa lũ Tân Hóa luôn chìm trong biển nước (ảnh tư liệu Phan Phương)

Mỗi mùa mưa lũ Tân Hóa luôn chìm trong biển nước. Ảnh: Phan Phương

Trong ký ức của ông Trương Việt Trì (76 tuổi, nguyên Phó công an xã Tân Hóa) lấp đầy hình ảnh quê hương ngập chìm trong những ngày mua lũ, đói rét. 

Dù đã trải qua nhiều trận lũ khác nhau, nhưng trận lũ lịch sử năm 2010 vẫn để lại trong ông nỗi ám ảnh, ông kể:  "Ngày đó, mưa lớn kinh khủng, mực nước song Rào Nan lên nhanh. Người dân chỉ kịp mặc vội quần áo rồi chèo chống nhau lên 2 địa điểm cao nhất là trụ sở UBND và Trạm Y tế xã vì ở đó có nhà 2 tầng. Ấy vậy mà nước vẫn tiếp tục dâng cao, khiến người dân phải chèo thuyền đến các lèn đá để tránh lụt".

Ông Trì vẫn mãi không thể nguôi ngoai đi nỗi đau khi mất đi đứa cháu nội, thời điểm đó ông Trì đang là cán bộ xã nên phải ưu tiên việc chung của xã trước, việc nhà đành phó thác cho vợ con và người thân trong nhà.

"Trận lũ tràn về, con dâu tôi sắp sinh nên được người nhà chở đến lèn đá để tránh lũ. Ở trên lèn đá mưa, rét người nhà cảm thấy không ổn nên chở cháu đến chỗ Trạm Y tế xã. Thế nhưng khi đến nơi thì Trạm Y tế cũng ngập chỉ chừa lại mái nhà 2 tầng là nơi chưa ngập dung để cấp cứu bệnh nhân. Do đến quá trễ, Trạm Y tế chỉ cứu được mẹ, còn cháu bé thì không", ông Trì buồn rầu kể lại.

Trận lũ lịch sử năm 2010 cũng là thời điểm chị Trương Thị Huế (ở thôn Yên Thọ) sinh con, đứa trẻ đỏ hỏn cùng mẹ phải nương nhờ ở tầng 2 của Trạm Y tế xã trong suốt 10 ngày trời, giữa cơ man nước và vời vợi nỗi buồn. Có những cuộc đời bỗng chốc tay trắng khi mọi tài sản đều bị cuốn trôi theo dòng lũ dữ. Lũ đến, họ ngược ngàn chạy lũ. Lũ rút, họ trở về khi tất cả mọi tài sản đều ngập ngụa trong bùn đất.

Từ sau trận lũ lịch sử năm 2010, xã Tân Hóa còn trải qua nhiều trận lũ nữa, gần đây nhất là trận lũ năm 2020. Nó cũng chẳng khác gì so với trận lũ năm xưa nhưng bà con đã biết cách sống chung với lũ và không còn bị động như trước. Tất cả là nhờ sáng kiến làm nhà phao. Khi nước lên nhà nổi và được cố định dây néo. Lũ lớn về, trên ngôi nhà bè ấy, là nơi cư trú cho cả gia đình và còn chứa thêm các vật dụng thiết yếu như tivi, xe máy, lương thực… Thậm chí nhà phao bè cũng là hàng quán phục vụ người dân trong những ngày mưa lũ kéo dài.

Đối với vật nuôi cũng đã có phương án để bảo vệ. Khi lũ đến, đàn gia súc, gia cầm được đưa lên vùng núi cao đã được quy hoạch làm chỗ tránh lũ cho vật nuôi. Trận lũ lớn vào tháng 10/2019 đã nhấn chìm cả xã Tân Hóa. Nhưng nhờ nhà phao bè và kế hoạch phòng chống lũ nên Tân Hóa vẫn an toàn.

"Lũ lớn và kéo dài hơn tuần liền nhưng Tân Hóa vẫn bình an. Thiệt hại do lũ lụt gây ra cũng không đáng kể, và điều đáng mừng là tâm lý người dân rất vững vàng trước thiên tai", ông Trương Thanh Duẩn, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa, cho biết.

Hướng về đích Nông thôn mới, lấy du lịch làm kinh tế mũi nhọn

Là địa phương thuộc diện khó khăn nhất của huyện Minh Hóa nên quá trình xây dựng Nông thôn mới của địa phương này gặp không ít khó khăn. Người dân xã Tân Hóa chủ yếu sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp, lại thường xuyên bị ngập lũ, hạn hán nên đời sống gặp không ít khó khăn. Hiện nay, chính quyền địa phương cùng người dân vẫn đang nỗ lực không ngừng để đưa xã sớm về đích Nông thôn mới.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Thanh Duẩn cho biết: "Hiện địa phương có hơn 3.300 nhân khẩu, người dân Tân Hóa chủ yếu sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp, trình độ người dân còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, từ khi Oxalis về làm du lịch tại Tân Hóa, bộ mặt của địa phương thay đổi hoàn toàn, du khách trong và ngoài nước đến ngày một đông. Người dân được giao lưu, học hỏi kiến thức mới, từ đó, thay đổi tư duy, lối sống, bên cạnh đó, khung cảnh nông thôn cũng lột xác với những vườn rau xanh mướt, hàng rào cây xanh… tô điểm cho cảnh vật địa phương".

Cũng theo ông Duẩn, hiện địa phương đang đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới, với nhiều hoạt động như xây dựng vườn mẫu, hàng rào cây xanh, dọn đường làng ngõ xóm vào sáng thứ 5 hàng tuần…

"Với hướng đi mới, lấy du lịch làm trọng điểm phát triển kinh tế, cùng với việc người dân đoàn kết giúp nhau làm giàu, hy vọng đến cuối năm 2023 xã Tân Hóa sẽ được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới", ông Trương Thanh Duẩn nói.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm