Quảng Bình: Thúc đẩy cơ hội việc làm an toàn cho lao động nữ ở nước ngoài

HKD
20/06/2021 - 17:01
Quảng Bình: Thúc đẩy cơ hội việc làm an toàn cho lao động nữ ở nước ngoài

Xuất khẩu lao động nước ngoài sẽ góp phần làm thay đổi tích cực đến đời sống của người dân Quảng Bình, đặc biệt là phụ nữ. Ảnh minh họa

Khi tham gia thị trường lao động ở nước ngoài, lao động nữ phải đối diện với nhiều nguy cơ rủi ro, bất bình đẳng giới, bạo lực, buôn bán người và xâm hại tình dục…

Rào cản và những rủi ro

Khảo sát của Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh Quảng Bình cho thấy, lao động nữ ở Quảng Bình gặp nhiều thách thức về bình đẳng giới trong quá trình tuyển dụng, đào tạo khi chuẩn bị cho thị trường lao động ở nước ngoài, cũng như khi làm việc và hết thời hạn trở về. Do khoảng cách số, mức độ tiếp cận thông tin về thị trường lao động của nữ thua xa nam giới. Trong khi đó, các công ty tuyển dụng môi giới chủ yếu ở ngoài tỉnh, giới thiệu việc làm qua internet.

Khi lựa chọn nghề nghiệp, có sự khác biệt rất rõ ràng giữa nữ và nam. Lao động nữ thường chỉ có cơ hội lựa chọn những công việc có thu nhập thấp trong các ngành nông nghiệp, chế biến thủy sản, thực phẩm, may mặc… Mức thu nhập từ các ngành nghề này thấp hơn nhiều so với ngành xây dựng cơ khí, lắp ráp máy móc (vốn là "độc quyền" của lao động nam. Có thể nói, những định kiến giới về nghề nghiệp đã ảnh hưởng mạnh tới khả năng tiếp cận thị trường lao động kỹ thuật tay nghề cao của lao động nữ.

Thúc đẩy cơ hội việc làm an toàn cho lao động nữ ở nước ngoài - Ảnh 1.

Khi tham gia thị trường lao động ở nước ngoài, lao động nữ thường chỉ có cơ hội lựa chọn những công việc có thu nhập thấp trong các ngành nông nghiệp, chế biến thủy sản, thực phẩm, may mặc. Ảnh minh họa

Cũng theo khảo sát của Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh Quảng Bình, không ít phụ nữ thường chỉ được học tới bậc THCS và không đủ điều kiện để tiếp cận thị trường nước ngoài theo đường chính thức. Khi đi theo con đường không chính thức, lao động nữ không chỉ làm những công việc có thu nhập thấp mà nhiều người bị giữ hộ chiếu, không có hợp đồng lao động, không được trả lương kịp thời, hay không có các chế độ bảo hiểm xã hội.

Bên cạnh đó, xâm hại và quấy rối tình dục là một trở ngại lớn với lao động nữ trẻ khi tham gia thị trường lao động. Lúc tuyển dụng và đào tạo, các công ty môi giới yêu cầu về các thành phố lớn ở xa để học nghề, học ngoại ngữ. Lao động nữ trẻ muốn tiếp cận được thị trường lao động nước ngoài phải dựa vào mạng lưới xã hội của mình và gia đình.

Ngoài những vấn đề về lao động, việc làm, lao động nữ còn gặp các vấn đề về sức khỏe tâm lý, cảm xúc khi tuyển dụng và làm việc xa gia đình mà chưa có cơ chế giải quyết…

"Cánh tay nối dài" của lao động nữ

Trước những bất cập trên, Dự án "Thúc đẩy phụ nữ có việc làm xứng đáng, an toàn và hợp pháp khi tham gia thị trường lao động ở nước ngoài thông qua cải thiện tiếp cận công lý về lao động", do Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh Quảng Bình thực hiện, đã đi vào hoạt động.

Dự án triển khai thực hiện từ tháng 8/2020 đến tháng 8/2021 ở 4 xã ven biển của huyện Bố Trạch gồm: Thanh Trạch, Hải Phú, Đức Trạch, Nhân Trạch. Đối tượng hưởng lợi của dự án gồm 2.000 lao động (chủ yếu là nữ) đang chuẩn bị và dự kiến tham gia thị trường lao động; những người đang đi lao động; những người sau khi đi lao động trở về và những nhà hoạt động xã hội ở địa phương.

Mục tiêu của dự án nhằm nâng cao quyền năng cho phụ nữ, thay đổi hành vi thông qua truyền thông nhóm, cá nhân; qua đó góp phần thay đổi nhận thức, khả năng ứng phó cũng như cách tự bảo vệ bản thân của các lao động nữ trước những nguy cơ bất bình đẳng và rủi ro nghề nghiệp.

Thúc đẩy cơ hội việc làm an toàn cho lao động nữ ở nước ngoài - Ảnh 2.

Tập huấn kiến thức, kỹ năng tham gia thị trường lao động nước ngoài cho người lao động ở thôn Nhân Nam, xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Hội LHPN Quảng Bình

Đến nay, qua hơn 9 tháng hoạt động, dự án đã tổ chức đào tạo cho 40 tập huấn viên địa phương về kiến thức, kỹ năng truyền thông Luật Lao động (sửa đổi, bổ sung 2019) và các văn bản pháp luật liên quan đến lao động ngoài nước; Tổ chức 8 khóa tập huấn nâng cao kiến thức pháp luật cho 232 người lao động tại địa bàn 4 xã dự án; Thành lập và duy trì hoạt động 12 câu lạc bộ "Lao động và việc làm" tại 4 xã dự án...

Tổ chức 4 cuộc đối thoại trực tiếp giữa người lao động và Cục quản lý lao động ngoài nước, các ban ngành, các doanh nghiệp về di cư an toàn hợp pháp với gần 200 người lao động tham gia…

Thông qua các cuộc đối thoại, người lao động có cơ hội bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị về các vấn đề liên quan đến lao động nước ngoài như: quy trình đi lao động nước ngoài, các thủ tục pháp lý, giấy tờ cần thiết, điều kiện, chi phí để đi lao động nước ngoài; chế độ hỗ trợ khi người lao động gặp rủi ro, dịch bệnh; các thông tin liên lạc cần hỗ trợ khi đang lao động ở nước ngoài; các con đường di cư an toàn; các nội dung liên quan đến bảo hiểm, bảo hộ lao động, tai nạn lao động; tìm kiếm cơ hội việc làm, đào tạo nghề, học ngoại ngữ...

Thúc đẩy cơ hội việc làm an toàn cho lao động nữ ở nước ngoài - Ảnh 3.

Lễ ra mắt câu lạc bộ “Lao động và việc làm” thôn Nhân Bắc, xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Ảnh: Hội LHPN Quảng Bình

Bên cạnh đó, thông qua số điện thoại đường dây nóng, dự án đã tư vấn và giải đáp kịp thời các thắc mắc liên quan đến vấn đề lao động nước ngoài, hỗ trợ người đang đi lao động ở nước ngoài hoặc gia đình của họ trong việc giải quyết các mâu thuẫn với các doanh nghiệp làm dịch vụ lao động nước ngoài...

Nhờ các hoạt động truyền thông, sinh hoạt câu lạc bộ, người lao động tại địa phương có nhu cầu, được tư vấn pháp luật các vấn đề liên quan đến lao động nước ngoài; kết nối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lao động nước ngoài có uy tín để cung cấp cho người lao động; chia sẻ, trao đổi thông tin về thị trường lao động nước ngoài thông qua các nhóm Zalo, Facebook, các trang mạng xã hội; được hỗ trợ vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh Quảng Bình.

Còn đối với những người lao động đang ở nước ngoài, thông qua các thông tin, chia sẻ của người thân, qua các trang mạng xã hội của dự án, họ cũng được nâng cao nhận thức về lao động hợp pháp, hạn chế tình trạng bỏ trốn ra ngoài, chấm dứt hợp đồng trước thời hạn...

Thúc đẩy cơ hội việc làm an toàn cho lao động nữ ở nước ngoài - Ảnh 4.

Đối thoại giữa người lao động với cơ quan chức năng và doanh nghiệp về di cư lao động an toàn, hợp pháp. Ảnh: Hội LHPN Quảng Bình

Được biết, trong khuôn khổ hành động, dự án sẽ tổ chức hoạt động đối thoại với Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh để tham khảo, viện dẫn và sử dụng các ý kiến của nữ lao động trong quá trình nghiên cứu để đóng góp vào soạn thảo các văn bản dưới luật nhằm bảo đảm việc làm xứng đáng, an toàn, có trật tự và hợp pháp cho lao động nữ ở nước ngoài.

"Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, dự án sẽ góp phần thay đổi nhận thức của người lao động, đặc biệt là lao động nữ. Chắc chắn, với những gì tiếp thu và được đào tạo, hỗ trợ từ dự án, lao động nữ sẽ có nhiều cơ hội việc làm xứng đáng, an toàn, hợp pháp khi tham gia thị trường lao động nước ngoài", Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh, Giám đốc dự án Đỗ Thị Bích Thủy khẳng định.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm