pnvnonline@phunuvietnam.vn
Quảng Nam: Phát huy vai trò của phụ nữ trong phân loại rác thải tại nguồn
Tuyến đường hoa tại xã Tiên Mỹ, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" do TƯ Hội LHPN Việt Nam phát động, Hội LHPN tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các cấp hội đẩy nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức trong cán bộ, hội viên phụ nữ và người dân thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, xây dựng các mô hình trợ lực thực hiện công tác môi trường.
Bà Nguyễn Thị Liên - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Nam - cho biết, đối với tỉnh Quảng Nam, công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt ngày càng đi vào nề nếp, tuy nhiên ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt chưa được phân loại, xử lý vẫn còn diễn ra. Rác thải sinh hoạt phát sinh ngày càng đa dạng về số lượng và chủng loại. Lượng rác thải được thu gom chưa qua phân loại đang gây nên một áp lực lớn tại các bãi chôn lấp.
Tình trạng quá tải ở các bãi chôn lấp dẫn đến các vấn đề về môi trường như ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước gây ảnh hưởng sức khỏe cho người dân sống tại các khu vực lân cận, gây áp lực lên môi trường sống và là nguy cơ phát sinh các mầm bệnh nguy hiểm. Đồng thời việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác chưa qua phân loại đã và đang làm tốn kém nguồn kinh phí lớn.
Ngày 16/9/2022, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành quyết định về việc phân bổ nguồn kinh phí sự nghiệp của ngân sách tỉnh để thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó có phê duyệt 2 mô hình "Phụ nữ thực hiện phân loại, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn" và mô hình "Chi hội phụ nữ thực hiện 3 sạch: sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ". Theo đó, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã ban hành Kế hoạch về việc triển khai thực hiện 2 mô hình "Phụ nữ Quảng Nam phân loại rác thải tại nguồn" và mô hình "Chi hội Phụ nữ 3 sạch".
Mô hình "Phụ nữ Quảng Nam phân loại rác thải tại nguồn" được thực hiện tại 5 thôn của 2 huyện Phú Ninh và Duy Xuyên với 500 hộ gia đình được khảo sát lựa chọn hưởng lợi; mô hình "Chi hội Phụ nữ 3 sạch" được thực hiện tại xã Tiên Mỹ, huyện Tiên Phước có 100 hộ gia đình tham gia.
Mô hình được thực hiện gắn với lộ trình, kế hoạch thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025. Qua đó tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp trên địa bàn tỉnh và tăng cường ý thức vệ sinh nhà cửa, đường làng, ngõ xóm, đồng ruộng...
Mô hình đã giúp 600 hộ gia đình biết cách phân loại rác cơ bản đó là: chất thải thực phẩm, chất thải tái chế và chất thải khác, hướng dẫn các hộ gia đình cách ủ chất thải thực phẩm thành phân bón trong thời gian đến. Hội LHPN tỉnh hỗ trợ cấp 500 thùng rác 2 ngăn cho các hộ gia đình làm công cụ thực hành tại gia đình. Bên cạnh đó, các mô hình sẵn có tại địa phương như "Ngôi nhà xanh", "Giỏ nhựa đi chợ"... đã góp phần thay đổi hành vi, nâng cao được nhận thức, hình thành thói quen cho hội viên phụ nữ và người dân trong thực hiện phân loại ráctại hộ gia đình.
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Nam cũng cho biết, mô hình được sự ủng hộ quan tâm của các ban ngành, chính quyền, địa phương, sự đồng lòng hưởng ứng tích cực của hộ gia đình. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, tỉnh Quảng Nam chưa thực hiện phân loại rác thải tại nguồn mà rác thải thu gom chỉ được công ty Môi trường thực hiện ở mức chôn lấp hợp vệ sinh. Đây là trở ngại lớn trong triển khai xây dựng mô hình của Hội bởi các hộ gia đình đã thực hiện phân loại nhưng khi thu gom lại không phân loại ra.
Cùng với đó, tại các khu vực nông thôn, thói quen đốt rác đổ đống và đốt rác thải ngay tại gia đình, đốt tất cả rác thải kể cả các loại chất dẻo như: chai nhựa, cao su, túi nilon… làm phát sinh các chất thải độc hại, đe dọa và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và môi trường sống của con người, không đảm bảo vệ sinh môi trường. Đây cũng là khó khăn đối với công tác quản lý, bảo vệ môi trường. Nhận thức và thực hành của người dân trong việc phân loại rác thải tại nguồn chưa cao, công tác phân loại rác thải diễn ra tự phát và chỉ phân loại đối với rác thải có khả năng tái chế ở một số hộ gia đình.
Để khắc phục khó khăn, các cấp Hội luôn bám sát chủ trương, Kế hoạch của Trung ương, của tỉnh và địa phương, sự chỉ đạo và phát động của Hội LHPN cấp trên về phong trào chống rác thải nhựa, xây dựng nông thôn mới.
"Việc triển khai tại hộ gia đình thực hiện theo hướng cầm tay chỉ việc, hướng dẫn cụ thể, bám sát địa bàn, chia sẻ và động viên hộ gia đình trong quá trình thực hiện. Mô hình thành lập ban đầu nên hỗ trợ dụng cụ thùng rác cho hộ gia đình, nhưng cũng có sự đối ứng của gia đình theo hướng 50/50", bà Nguyễn Thị Liên thông tin.
Cán bộ, hội viên phụ nữ thường hay đảm trách công việc dọn dẹp, bếp núc, đi chợ, nấu ăn nhiều hơn nam giới, nên vai trò của phụ nữ trong gia đình hết sức quan trọng để thực hiện hoạt động phân loại rác tại gia đình và thực hiện xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh.